14/03/2011 16:48 GMT+7

Bánh đa làng Kế

PHẠM THẢO
PHẠM THẢO

TTO - Những tấm bánh đa với hình yên ngựa vàng bóng, vị bùi, thơm mùi lạc, vừng… chứa đựng biết bao công sức của những người dân làng Kế… đã trở thành món quà bình dị, dân dã không thể thiếu đối với bất kỳ ai, dù chỉ một lần đến với Bắc Giang quê hương tôi.

ycfCbrCW.jpgPhóng to
Hình ảnh quen thuộc ở làng Kế với những giàn bánh đa phơi khắp chốn - Ảnh: Phạm Thảo

Vào những ngày nắng, ai đi qua Dĩnh Kế (Bắc Giang) cũng thấy một màu trắng ngà của những chiếc bánh đa to, tròn trên những giàn phơi dọc quốc lộ, trong ngõ xóm, sân nhà… Và chỉ có thế người ta cũng ngầm đoán vùng đất này đã khai sinh nghề làm bánh đa gia truyền độc đáo hàng trăm năm nay.

Người dân làng Kế làm bánh đa quanh năm, đặc biệt nhộn nhịp vào những lúc nông nhàn. Ban đầu nghề làm bánh đa chỉ là một nghề phụ của người dân, dần dần thứ quà rất đỗi thân quen này đã tạo nên một nghề gia truyền. Và không biết từ lúc nào bánh đa Kế đã trở thành một nét văn hóa ẩm thực và thức quà quê đặc sản đậm chất đồng quê Bắc bộ.

Để làm ra được những chiếc bánh đa thơm ngon, giòn tan và đậm đà ấy, từ việc chọn gạo cho vào ngâm đến công đoạn xay bột phải trải qua rất nhiều công đoạn cầu kỳ.

Nguyên liệu chính để làm bánh là gạo, mà phải là thứ gạo để lâu ngày, bởi khi đó nhựa gạo đã hóa thành một dạng thức khác, cô đọng và tan hòa vào những hạt gạo trắng trong. Sau khi vo gạo người ta thường cho gạo vào ngâm trong nước đến khi hạt gạo có vị chua và căng mọng mới vớt ra xay.

Khi xay gạo phải xay thật nhuyễn, hạt gạo hòa cùng giọt nước trong trẻo tan ra thành bột mịn và trắng muốt, dù ngày nay công đoạn này đã được thay bằng máy móc, đơn giản hơn trước kia rất nhiều.

Cũng có những hộ gia đình làm thành cơm rồi mới đem xay cùng gạo, làm thế sẽ giúp bánh đa có độ dẻo cần thiết. Xay tới khi nào bột mịn, sờ tay vào bột phải mát, rồi đem sàng lọc hết bụi bẩn. Sau đó người làm bánh phải căn lượng bột gạo cho chuẩn để trộn bột nở vào.

AHQgXnkd.jpgPhóng to
Bánh đa làng Kế - Ảnh: Phạm Thảo

Hương vị bánh đa làng Kế còn hòa trộn với lạc, khoai lang... Lạc được đem thái thủ công từng hạt thành những lát thật mỏng, khoai lang thái thành sợi.

Để làm được một chiếc bánh đạt tiêu chuẩn thì khâu quan trọng nhất là tráng bánh, đòi hỏi kỹ thuật đặc biệt khéo léo của người thợ mà không phải ai cũng làm được. Khi tráng phải nhẹ tay, tấm bánh phải phẳng. Chiếc bánh càng dày, đặc bột thì bánh càng ngon. Đặc biệt, trong quá trình tráng mới rắc thêm ít lạc đã được thái nhỏ và hạt vừng sống trên bề mặt bánh.

Bánh tráng xong được đem phơi hai lần cho khô kiệt. Những ngày nắng người ta phơi bánh đầy trên các mẹt dài, trải từ trong sân ra ngoài ngõ để bánh được uống trọn cái nắng quê ấm ấm, nồng nồng.

Với khâu cuối cùng - quạt để tạo hình dáng cho bánh - người dân làng Kế giờ vẫn quen quạt bánh thủ công bằng than hoa nên chiếc bánh nở đều, đầy đặn, tròn vạnh như mặt trăng đêm rằm. Bánh đa Kế xốp nở phồng, nhìn thật giản dị với hình yên ngựa nhưng ăn lại rất giòn, ngon, có vị béo, bùi của vừng lạc, vị ngọt của gạo mới và thơm thơm của nắng quê Bắc bộ.

Nâng niu chiếc bánh đa trên tay mới thấy hết hương vị của quê hương, xứ sở. Từng miếng bánh đa giòn tan, thơm ngậy chứa đựng biết bao công sức và ân tình của những người con xứ Bắc.

PHẠM THẢO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên