22/03/2016 18:01 GMT+7

Băngrôn đâu phải là bảng hướng dẫn

MAI HOA - VŨ THỦY ghi
MAI HOA - VŨ THỦY ghi

TT - Bàn thêm câu chuyện “Băngrôn treo nhiều nhưng ít người đọc” 
(Tuổi Trẻ ngày 21-3), nhiều ý kiến cho rằng cần siết hình thức tuyên truyền này vào đúng quy hoạch, đồng thời lắng nghe ý kiến phản hồi.

Thay vì sử dụng panô truyền thống, ở khúc giao giữa đường Võ Thị Sáu và đường Pasteur (TP.HCM) sử dụng một panô điện tử tuyên truyền người dân đi xe buýt góp phần giảm ách tắc giao thông - Ảnh: Duyên Phan
Thay vì sử dụng panô truyền thống, ở khúc giao giữa đường Võ Thị Sáu và đường Pasteur (TP.HCM) sử dụng một panô điện tử tuyên truyền người dân đi xe buýt góp phần giảm ách tắc giao thông - Ảnh: Duyên Phan

Ông Lê Văn Thành (trưởng phòng nghiên cứu văn hóa - xã hội, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM):

Phải có nội dung thiết thực

Hầu hết các nước không treo băngrôn, khẩu hiệu, những gì mang tính chất hướng dẫn thì họ đưa vào các cơ quan có trách nhiệm thực hiện để thông tin đến người dân.

Việc treo băngrôn là một hình thức tuyên tuyền, cổ động trực quan, sinh động nhưng cần phải có chừng mực và nội dung thiết thực, sát sườn với đông đảo người dân.

Băngrôn, khẩu hiệu có nội dung khó hiểu, không thiết thực, tạo cho người ta có cảm giác “treo lấy được” gây phản tác dụng. Bên cạnh đó, việc treo băngrôn tràn lan khiến nội dung bị loãng, cuối cùng là treo rất nhiều nhưng chẳng mấy ai quan tâm.

Đây là một vấn đề tưởng nhỏ nhưng thật ra lại rất lớn, cần có sự nghiên cứu, chấn chỉnh, kết hợp với thẩm mỹ đô thị để tạo được hiệu quả cả về mặt tác động và mỹ quan.

Hiện nay có một số quy định kiểm duyệt nội dung, kích thước băngrôn, khẩu hiệu nhưng vấn đề là quan điểm của “người gác cổng” - cơ quan có trách nhiệm kiểm duyệt. Không phải khẩu hiệu nào các bộ, ngành đưa xuống chỉ cần không sai là cho phép, mà phải yêu cầu có hiệu quả, có tác động rộng rãi.

Băngrôn cũng cần thiết kế theo cụm, mỗi thời điểm tập trung vào một chủ đề, không nên chồng chéo quá nhiều chủ đề, quy định thời gian tháo dỡ cụ thể để triệt để xử lý tình trạng băngrôn treo ngày này qua tháng khác dù sự kiện liên quan đã kết thúc từ lâu.

Ông Đoàn Văn Lý (trưởng Phòng văn hóa thông tin Q.12, TP.HCM):

Đừng để băngrôn cũ, nhếch nhác

Ở cấp độ quận, những băngrôn cổ động chính trị đều được trung tâm văn hóa quận thực hiện theo biểu mẫu của Sở Văn hóa - thể thao.

Các khẩu hiệu tuyên truyền khác như về kế hoạch hóa gia đình, phòng chống tệ nạn xã hội... do các phường tự thực hiện theo các đợt tuyên truyền, quận hướng dẫn và kiểm tra thông qua đội kiểm tra liên ngành văn hóa xã hội.

Nhìn chung, bất cứ một băngrôn biểu ngữ đều phải dễ hiểu, không đánh đố người dân, có ý nghĩa thiết thực.

Những đợt tuyên truyền cổ động chính trị theo tôi là làm rất hiệu quả. Chúng tôi không khảo sát trực tiếp nhưng rõ ràng mỹ quan đường phố, tính trực quan được đảm bảo, tạo không khí sôi động, hướng người dân quan tâm hơn đến sự kiện chính trị đó.

Tuy nhiên, đôi khi vì thiếu kinh phí hoặc vì ở địa phương không quan tâm dẫn đến tình trạng hết đợt tuyên truyền vẫn để băngrôn cũ, nhếch nhác và không phù hợp.

Những băngrôn này sau khi được tháo dỡ mang về thường phải bỏ đi. Tôi nghĩ lắp đặt bảng tuyên truyền điện tử là một xu hướng hay. Hiện nay trên địa bàn Q.12 đã có một số phường tự trang bị được các bảng này.

Ông Phạm Hưng Quốc Bảo (chủ tịch UBND P.Phú Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM):

Sẽ tiếp thu ý kiến phản hồi

Năm 2015, tôi đề xuất triển khai công trình lắp đặt bảng thông tin điện tử tuyên truyền, cổ động trực quan trước trụ sở UBND P.Phú Thạnh, kích thước 5,21x0,73m, có hệ thống kết nối với máy vi tính để cập nhật cơ sở dữ liệu.

Nội dung do Đảng ủy, UBND phường duyệt, có thay đổi thường xuyên để tránh nhàm chán. Người dân đến liên hệ công việc với phường hoặc đi ngang qua đã quan tâm nhiều hơn đến nội dung tuyên truyền trên bảng điện tử. Diện mạo phường cũng đảm bảo mỹ quan, khang trang, lịch sự hơn.

Kinh phí thực hiện bảng thông tin được vận động từ các đơn vị, doanh nghiệp mạnh thường quân trên địa bàn phường. Xét về góc độ kinh tế, tuy đầu tư một lần với kinh phí lớn nhưng quá trình sử dụng lâu dài thì bảng điện tử sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí so với việc làm panô, khẩu hiệu, apphich, băngrôn...

Thực tế ở phường, đầu tư bảng thông tin điện tử là 38 triệu đồng, trong khi kinh phí năm 2014 chi cho hoạt động tuyên truyền bằng panô, khẩu hiệu, apphich, băngrôn trên toàn phường là 40,5 triệu đồng.

Tôi sẽ tiếp thu thêm ý kiến phản hồi từ các đơn vị, người dân về công trình này, tiếp tục hoàn thiện về nội dung và nghiên cứu để triển khai rộng rãi hơn ở những vị trí khác trên địa bàn phường.

Ông Huỳnh Công Huỳnh (ủy viên thường trực HĐND TP.HCM):

Phải làm đúng quy hoạch

Bản chất của hình thức thông tin tuyên truyền bằng panô, khẩu hiệu không sai, vấn đề là phải làm cho đúng quy hoạch.

TP và các quận, huyện đều quy hoạch các cụm tuyên truyền, định hình những cụm panô trong quy hoạch để làm công tác tuyên truyền cổ động tập trung theo các chủ đề vào những dịp có sự kiện lớn như bầu cử, đại hội Đảng..., tạo thành thói quen cho người dân. Việc tuyên truyền này đều theo quy hoạch, có nội dung, hình thức, thời gian cụ thể và thực hiện theo quy định.

Ngoài các hình thức trên, việc tuyên truyền, quảng cáo của các cơ quan, đơn vị cũng có quy định cụ thể về kiểu chữ, tiếng nước ngoài, chiều dài, chiều cao, chiều rộng và cũng có kế hoạch.

Tuy nhiên nhiều quận, huyện làm không kỹ dẫn đến tình trạng tràn lan, làm mất mỹ quan đô thị. Những đơn vị quảng cáo làm không đúng, làm tùy tiện gây tác dụng ngược thì phải chấn chỉnh, phải xử lý.

Việc sử dụng các bảng điện tử mà TP đang làm ở nhiều cụm tuyên truyền được quy hoạch là một điều tốt. Tuy nhiên, do chi phí đầu tư cao nên các địa phương phải tùy điều kiện mà tính toán áp dụng cho phù hợp.

MAI HOA - VŨ THỦY ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên