TTCT - Cuối cùng, chủ nhật vừa qua 21-7, Tòa án tối cao Bangladesh cũng đã ra phán quyết giảm bớt chế độ ưu tiên trong tuyển dụng công chức từng khiến sinh viên xuống đường biểu tình phản đối, gây ra tình trạng bất ổn trên toàn quốc. Biểu tình bùng phát thành bạo động đã khiến ít nhất 174 người thiệt mạng, gồm cả cảnh sát, và 2.500 người bị bắt giữ, theo CBS News sáng 23-7. Biểu tình đã bùng phát thành bạo động ở Bangladesh. Ảnh: Al JazeeraQuyết định đó là nhằm tháo gỡ cho cuộc khủng hoảng bùng nổ từ hôm 1-7, sau khi hệ thống tuyển dụng công chức ưu tiên 30% hạn ngạch cho con cháu những gia đình từng tham gia giành độc lập trong cuộc chiến ly khai khỏi Pakistan năm 1971.Sinh viên xuống đườngQuyết định của Tòa tối cao Bangladesh được đưa ra chỉ một ngày sau khi cảnh sát ban bố lệnh giới nghiêm nghiêm ngặt trong bối cảnh rối loạn tột độ khiến quân đội được huy động để tuần tra.Lệnh giới nghiêm bắt đầu từ nửa đêm kéo dài đến 10h sáng, được nới lỏng từ trưa đến 2h chiều để người dân có thể ra ngoài làm những công chuyện cần thiết, đồng thời cho phép cảnh sát nổ súng vào đám đông trong những trường hợp nghiêm trọng.Đầu tuần trước, cảnh sát đã bắn hơi cay và đạn cao su để giải tán người biểu tình tràn ra đường ném đá, dẫn đến rối loạn và đụng độ khiến hơn 100 người thiệt mạng. Tổng cộng 229 trung đội của lực lượng biên phòng Bangladesh đã được triển khai để duy trì luật pháp và trật tự từ hôm thứ hai 16-7 tại một loạt thành phố lớn, theo BD 24 Live. Biểu tình nổ ra từ 1-7 để phản đối những ưu đãi trong tuyển dụng - dành tới 30% chỗ làm trong bộ máy nhà nước cho đời con rồi tới đời cháu các cựu chiến binh trong cuộc chiến cách đây đã 53 năm.Sang đến thứ tư 17-7, các sinh viên đòi cải cách hạn ngạch dịch vụ công tổ chức một buổi lễ tại Đại học Dhaka để tưởng nhớ những người đã chết trong các cuộc đụng độ, theo AP. Lễ tưởng niệm đã không làm giảm bớt cường độ xung đột. Qua thứ năm 18-7, 22 người nữa thiệt mạng khi sinh viên biểu tình tìm cách "phong tỏa" cả đất nước. Thứ sáu 18-7, Somoy TV lại đưa tin có 43 người thiệt mạng, còn phóng viên của AP nhìn thấy 23 thi thể tại Bệnh viện Trường Y Dhaka.Những sinh viên xuống đường đòi chính phủ sửa đổi hệ thống tuyển dụng công chức mà họ cho là bất công và lỗi thời. Năm 1972, tức một năm sau khi Bangladesh giành được độc lập, chính phủ Liên đoàn Awami dưới sự lãnh đạo của tổng thống Sheikh Mujibur Rahman đã thiết lập hạn ngạch tuyển dụng vào hệ thống công vụ với 30% các suất ưu tiên cho cựu chiến binh trong chiến tranh giải phóng Bangladesh, 10% cho phụ nữ là nạn nhân trong chiến tranh, và 40% cho người sống ở các huyện hẻo lánh ít có người trong bộ máy công chức, tức chỉ còn lại 20% là tuyển dụng dựa trên năng lực.Đến năm 1985, hạn ngạch dành cho phụ nữ là nạn nhân chiến tranh được sửa đổi để bao gồm tất cả phụ nữ, hạn ngạch cấp huyện giảm xuống còn 10%, và dành 5% mới cho các cộng đồng thiểu số. Như vậy cải cách năm 1985 đã tăng số việc làm dựa trên năng lực lên 45%.Biểu tình đã bùng phát thành bạo động. Ảnh: GettyNăm 1997, tức 26 năm sau khi chiến tranh kết thúc, số cựu chiến binh được tuyển dụng vào bộ máy nhà nước đã giảm mạnh do tuổi tác những người này ngày càng cao. Chính phủ quyết định mở rộng hạn ngạch ưu tiên cho con cái họ. Năm 2010, chính phủ một lần nữa mở rộng hạn ngạch ưu tiên đến tận đời cháu các cựu chiến binh, và vẫn giữ mức hạn ngạch cũ 30%, trong khi hạn ngạch việc làm dựa trên năng lực hầu như không đổi (Dhaka Tribune 16-7).Ra trường rồi thất nghiệpTiến sĩ Kamal Uddin Ahmed, cựu giáo sư và chủ tịch khoa Khoa học chính trị, Đại học Dhaka, nhận định với The Daily Star 10-7: "Vấn đề với hệ thống ưu tiên hay hạn ngạch như vậy là nguy cơ tạo ra lợi ích nhóm, dẫn tới tình trạng lười biếng và không khuyến khích người có năng lực, đặc biệt là khi nó được kéo dài trong một khoảng thời gian không hạn định".Tờ Financial Times của Bangladesh hôm 13-7 đăng bài ý kiến của chủ bút Shamsul Huq Zahid tựa đề "Đi vào tâm hồn giới trẻ". Theo tác giả, giới trẻ Bangladesh dường như đã chịu đựng hết nổi và không còn có thể ngồi yên chấp nhận những gì được ban phát cho họ. "Những ước mơ ấp ủ của bao thanh niên gần như đã chìm nghỉm - bài báo viết - Họ đang cố gắng hết sức để tồn tại trong vòng xoáy thất nghiệp trầm trọng".Theo nhiều nghiên cứu trong nước và quốc tế, tới 47% thanh niên có học vấn ở Bangladesh đang thất nghiệp. Số thanh niên này hầu hết thuộc các gia đình không khá giả gì và rất có thể mắc nợ để trang trải chi phí giáo dục ngày một đắt đỏ. Tình trạng thất nghiệp lan tràn như vậy trong khi lạm phát cao khiến ngày càng nhiều người trẻ cảm thấy tuyệt vọng.Tình trạng đó được bộc lộ đầy chua xót qua một sự kiện gần đây: Cơ quan Đường sắt quốc gia Bangladesh vào giữa năm đã tuyển dụng 2.172 nhân viên tuần đường. Tất cả họ đều có bằng thạc sĩ, dù trình độ chuyên môn cần thiết cho công việc này chỉ là chứng chỉ trung học hệ 10 năm. Công việc chính của nhân viên tuần đường sắt là cầm một cái mỏ lết bự, đi dọc đường ray và siết lại bù lon. Mức lương cho công việc đó rất thấp và lẽ ra không bao giờ là mục tiêu của các tân thạc sĩ. Bi hài kịch ở đây là trong khi các vị thạc sĩ tương lai cay đắng nhận việc thì các thanh niên chỉ tốt nghiệp trung học cũng đầy tức tối, khi họ bỗng dưng bị cướp mất việc làm.Ảnh: ReutersGánh nặng tham nhũngNhững người trẻ càng bức xúc bởi nhiều vụ bê bối nhũng lạm quá lớn bị phanh phui gần đây. Một trong những vụ tai tiếng nhất là trường hợp cựu tổng tham mưu trưởng quân đội tướng Aziz Ahmed. Ông này và gia đình bị Hoa Kỳ áp đặt các biện pháp trừng phạt từ tháng 5 vừa rồi với cáo buộc "tham nhũng nghiêm trọng". Trong một cuộc họp báo, Mathew Miller, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, tuyên bố: "Tướng Aziz Ahmed đã câu kết với anh trai mình để giành lấy các hợp đồng quân sự và nhận hối lộ đổi lấy việc bổ nhiệm các vị trí công quyền vì lợi ích riêng. Ông ta cũng đã can thiệp vào các quy trình pháp lý giúp anh trai mình trốn tránh trách nhiệm về hoạt động tội phạm ở Bangladesh".Gần đây hơn, hôm 8-7, vụ bắt giữ 6 quan chức của Ủy ban Công vụ, gồm hai phó giám đốc và hai trợ lý giám đốc vì tuồn ra ngoài đề thi tuyển một số vị trí cao cấp ngành đường sắt, không chỉ phơi bày mức độ nghiêm trọng của vấn đề, mà còn cho thấy "sự thối nát sâu sắc trong hệ thống hành chính, xã hội và đạo đức", tờ Prothom Alo của Bangladesh nhận xét. Cục Điều tra hình sự Bangladesh nghi ngờ tới 50-60 người khác có liên quan đến vụ lộ đề này, đồng thời phát hiện các giao dịch trị giá 250 triệu taka (2,18 triệu USD) trong tài khoản ngân hàng của các đương sự.Cũng theo tờ báo này, vấn đề là các phần tử tham nhũng được dung túng quá lâu để thu vén những khối tài sản bất chính khổng lồ. Tờ báo kết luận: "Việc tuyển dụng những người không đủ tiêu chuẩn vào các vị trí "ngon lành" đổi lấy số tiền 1-2 triệu taka, hoặc thậm chí nhiều hơn, đã khơi mào cho những người trúng tuyển, để họ không chỉ muốn lấy lại số tiền đã bỏ ra, mà còn say sưa với việc tích lũy của cải, tỉ như làm sao có thể mua được mảnh đất, căn nhà và đủ thứ động sản và bất động sản khác nữa".Thủ tướng Sheikh Hasina. Ảnh: Jargan JoshKế hoạch phân tầng cũThiệt ra, đây không phải lần đầu Bangladesh nổ ra những vụ bạo động như vậy. Tháng 4-2018, Thủ tướng Sheikh Hasina, người hiện đang nắm quyền, từng bày ra một kế hoạch hạn ngạch tương tự. Sau khi sinh viên xuống đường phản đối và tìm cách phong tỏa các phương tiện giao thông và doanh nghiệp trên toàn quốc, bà Hasina đã phải bãi bỏ kế hoạch. Nhưng để đáp trả, Chính phủ Bangladesh tuyên bố đóng cửa vô thời hạn tất cả các trường đại học công và tư, theo tờ Business Standard 18-7. Quyết định này được đưa ra sau khi các cuộc biểu tình lan rộng khiến ít nhất 6 người thiệt mạng và hơn 400 người bị thương.Làn sóng biểu tình khi đó đánh dấu thách thức quan trọng đầu tiên đối với chính quyền của Thủ tướng Hasina kể từ khi bà bắt đầu nhiệm kỳ thứ tư liên tiếp vào tháng 1-2018, sau cuộc bầu cử bị Đảng Quốc gia Bangladesh (BNP) đối lập tẩy chay. 6 năm sau, bà Hasina lại tiếp tục đưa ra kế hoạch hạn ngạch từng đẩy đất nước vô cảnh rối loạn suốt 4 tháng. Lần này, bà tiếp tục ra lệnh đóng cửa tất cả các trường trung học, đại học, chủng viện Hồi giáo, và đại học bách khoa cho đến khi có lệnh mới, với lý do an toàn cho học sinh, sinh viên. Internet cũng bị ngưng, khiến các trang web của báo chí nước này "đứng hình".Cũng như 6 năm trước, bà Hasina lại vịn cớ đền đáp sự hy sinh của các chiến binh anh hùng năm 1971 và những tổn thất mà gia đình họ phải gánh chịu. Trong khi đó, sinh viên đề nghị giảm hạn ngạch cho các nhóm ưu tiên khác nhau từ 56% xuống còn khoảng 10-20%. Về cuộc mặc cả này, nhà bình luận Jyoti F. Gomes tuyên bố: "Tôi không nghĩ những người đấu tranh cho tự do và độc lập đấu tranh để hưởng lợi cá nhân, và sau bốn thập kỷ độc lập, thật bất công và phi lý khi vẫn phân bổ hạn ngạch 30% cho con cháu của họ".Cuối cùng thì kế hoạch hạn ngạch cũng bị dừng lại. Các nhóm sinh viên biểu tình đã ra thông báo tạm ngưng xuống đường phản kháng trong 48 giờ, tính từ 22-7, do không muốn cuộc cải cách "phải trả giá máu quá nhiều".■ Trên cả nước Bangladesh, hằng năm có tới 350.000-425.000 thí sinh nộp đơn thi công chức. Số trúng tuyển chỉ 7.000-8.500 người, tức khoảng 2%, khiến đây là kỳ thi tuyển có tính cạnh tranh vào loại cao nhất thế giới.Trong khi đó, theo The Daily Star 27-10-2023, tỉ lệ thất nghiệp ở người có trình độ trung học phổ thông trở lên ở quốc gia Nam Á 174 triệu dân này là 8,87%. CBS News 23-7 ghi nhận: "Theo số liệu của chính phủ, khoảng 18 triệu thanh niên ở Bangladesh không có việc làm". Tags: Người biểu tìnhBangladeshSinh viênBạo độngThi công chức
Khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII TTXVN 25/11/2024 Sáng nay 25-11, tại trụ sở Trung ương Đảng đã khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Mưa lớn, tháng 11 mà Huế ngập nặng, sập một căn nhà NHẬT LINH 25/11/2024 Mưa lớn ở Thừa Thiên Huế đã khiến một nhà dân bị sập làm 2 người bị thương, nhiều đường ở TP Huế bị ngập sâu, không thể đi lại.
Những điểm mới về chuyển tuyến, chi trả bảo hiểm y tế TUỔI TRẺ ONLINE 25/11/2024 Dự kiến tuần này Quốc hội sẽ xem xét dự luật Bảo hiểm y tế sửa đổi với nhiều điểm mới như khám, chữa bệnh tại nhà được bảo hiểm chi trả...
Nhà Trắng im ắng cả tháng sau bầu cử, ông Biden và bà Harris đang ở đâu? THANH HIỀN 25/11/2024 Ông Biden dường như đang giữ khoảng cách với truyền thông, bà Harris nghỉ phép để dành thời gian bên gia đình.