Nhóm ba em học sinh (từ phải qua): Sreejesh (em trai) Henna và Aswathi - Ảnh: NDTV
Trong năm học này, các em học sinh trung học phổ thông tại Kottoor, bang Kerala, Ấn Độ đã tìm ra được cách thức sáng tạo để biến lục bình thành các miếng băng vệ sinh sạch sẽ, thân thiện môi trường và có giá cả hợp lý.
Ý tưởng cho việc này được khởi xướng từ tháng 10-2018 khi các học sinh lớp 10 của Trường THPT Ahammed Kurikkal Memorial tham dự kỳ thi khoa học dành cho trẻ em quốc gia.
Ở cuộc thi, các thí sinh được yêu cầu hãy áp dụng kiến thức về khoa học, công nghệ và đổi mới để tạo nên "một quốc gia xanh, sạch và khỏe mạnh".
Để làm băng vệ sinh, các em đã chọn cây lục bình, một loài cây mọc lan rất nhanh và thường tạo thành những lớp phủ dày đặc trên các bề mặt nước rộng như ao, hồ, sông.
Nhóm ba em (hai gái, một trai) là Henna, Aswathi và Sreejesh đã làm việc với nhà môi trường học Khadeeja Nargees để nghiên cứu lục bình trong phòng thí nghiệm nhà trường.
Với sự hướng dẫn của giáo viên sinh học Sarath KS, các em tạo ra một loại băng vệ sinh từ cây lục bình có khả năng thấm hút nước nhiều gấp 12 lần so với băng vệ sinh thông thường.
Các em thu thập, làm sạch, cắt và tiệt trùng cuống lục bình. Để tạo nên bề mặt thấm hút, họ trộn lẫn thành phần từ lục bình với cotton, dùng sáp ong gắn kết lại với nhau và dùng tia UV khử trùng.
Mặc dù sản phẩm vẫn chưa được thương mại hóa và nhóm học sinh vẫn đang chờ được cấp bằng sáng chế cho các sản phẩm băng vệ sinh, nhưng các em cũng dự định bán ra thị trường với giá phải chăng là 3 rupee một miếng (khoảng 4 cent USD), rẻ hơn so với băng vệ sinh thông thường.
Kể từ sau cuộc thi tháng 10-2018, các em còn giành được nhiều giải thưởng lớn khác cho thành quả nghiên cứu độc đáo này.
Theo anh Sarath KS, "với sự đổi mới này, chúng tôi đang giải quyết được hai vấn đề: quản lý rác thải từ cây lục bình và cung cấp một lựa chọn băng vệ sinh thân thiện môi trường cho phụ nữ và các cô gái".
Tại Ấn Độ, theo Bộ Y tế nước này, chỉ 12% những người trong độ tuổi còn kinh nguyệt được dùng các sản phẩm vệ sinh tốt, số còn lại phải dùng những chất liệu không an toàn như giẻ hay mùn cưa.
Với những miếng băng vệ sinh giá phải chăng, các học sinh Trường THPT Ahammed Kurikkal Memorial hi vọng có thể thay đổi điều đó.
Bà Suhani Jalota, nhà sáng lập Quỹ Myna Mahila, một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động vì phụ nữ có trụ sở tại Mumbai, rất hào hứng trước tiềm năng ứng dụng của loại băng vệ sinh làm từ lục bình.
Tổ chức của bà Jalota đã đào tạo kỹ năng cho phụ nữ tham gia các công đoạn sản xuất và bán băng vệ sinh giá phải chăng.
"Mặc dù khả năng thấm hút hiện tại của các miếng băng vệ sinh đã rất cao rồi và tình trạng rò rỉ không còn là vấn đề lớn nữa, song những lợi ích xung quanh việc quản lý rác thải và chi phí dường như là những lợi thế lớn nhất của sản phẩm này" - bà Jalota chia sẻ nhận định về băng vệ sinh lục bình với trang Global Citizen.
Theo bà Jalota, tại các khu nhà ổ chuột vốn rất phổ biến tại các đô thị ở Ấn Độ, các giải pháp vệ sinh dùng một lần có thể áp dụng rộng rãi hơn so với các loại có thể tái sử dụng.
Sống tại những khu vực này, phụ nữ có kinh nhiều khi không có điều kiện giặt giũ, chưa kể tâm lý kỳ thị của cộng đồng vẫn khiến nhiều người không dám phơi đồ phụ nữ nơi công cộng.
Không chỉ tìm ra cách chế tạo băng vệ sinh từ lục bình, nhóm học sinh còn tìm hiểu kỹ lưỡng xu thế sử dụng băng vệ sinh của mọi người trong cộng đồng.
Họ đã khảo sát 100 hộ gia đình và nhận thấy có tới 97% vẫn đang dùng loại băng vệ sinh được làm từ vật liệu gốc nhựa. 48% người sử dụng loại băng đó đã đốt bỏ, 11% xối nước xả đi sau khi dùng. Việc đốt bỏ băng vệ sinh khiến những người xung quanh hít phải các hóa chất độc hại gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người cũng như môi trường.
Theo bà Jalota, "những phát hiện này càng cần thiết hơn khi giúp chúng ta làm được loại băng vệ sinh có thể phân hủy sinh học và cũng cần khuyến khích mọi người chuyển sang dùng nhiều hơn".
Các loại băng vệ sinh sản xuất công nghiệp hiện nay thường chứa một lượng nhựa tương đương bốn túi nilông.
Trong khi đó, theo trang Medium, loại nhựa có trong băng vệ sinh phải mất từ 500-800 năm mới phân hủy hết.
Trung bình mỗi năm Ấn Độ sản xuất khoảng 432 triệu sản phẩm băng vệ sinh, lượng rác thải từ đó có thể chất đống bao trùm hơn 59 mẫu Anh (23,8ha), là một nguyên nhân gây ô nhiễm nghiêm trọng và tác động tiêu cực tới tình trạng biến đổi khí hậu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận