23/11/2017 12:31 GMT+7

Băng sông lội rừng cắm mốc biên cương

MINH PHƯỢNG
MINH PHƯỢNG

TTO - Hơn 5h sáng, gian bếp của Đội phân giới cắm mốc (PGCM) số 5 ở thị trấn Lộc Ninh (Bình Phước) đã sáng đèn. Mọi người thức dậy nấu bữa cơm sáng ăn cho chắc bụng để bắt đầu một ngày băng rừng, lội suối đi phân giới cắm mốc.

Băng sông lội rừng cắm mốc biên cương - Ảnh 1.

Đội phân giới cắm mốc kiểm tra các thông số của vị trí cọc dấu. Đây là công việc cần tính chính xác cao - Ảnh: MINH PHƯỢNG

Muỗi rừng thì vô số kể. Anh em đi làm, sốt thì về uống thuốc cắt cơn, mai lại đi. Đội luôn có một bác sĩ

Thiếu tá PHẠM VĂN CHỈNH

6h sáng, hai chiếc xe bán tải chất đầy máy móc, dụng cụ... chở các thành viên của Đội PGCM ra cổng, thẳng hướng tuyến biên giới Bù Đốp.

Lội rừng, bơi sông...

"Hôm nay chúng tôi làm cột mốc trên tuyến Bù Đốp. Mình đã hẹn với bạn (Đội PGCM của Campuchia) ở trên ấy" - thiếu tá Phạm Văn Chỉnh, đội trưởng Đội PGCM số 5, cho biết.

Chiếc xe lao đi trên con đường đất đỏ nằm giữa rừng cao su bạt ngàn. Những ngày này, Bình Phước mưa liên tục, xe chạy trên mặt đường sình lầy vết bánh xe hằn những sống trâu. Chiếc xe lắc lư, bì bõm lội nước bò qua, bùn văng đầy kính xe, cần gạt nước phải hoạt động liên tục.

"Đi làm đường rừng thế này, anh em phải đi xe 3 cầu đấy! Xe hai cầu với thêm cái cầu nữa là... cầu trời" - anh Vũ Gia Hoàng, nhân viên kỹ thuật của đội, tếu táo. 

Anh bảo cầu trời là cầu cho thời tiết thuận lợi, cầu công việc suôn sẻ mà làm việc vì nhiều khi vất vả lắm mới đến nơi nhưng không làm được, phải quay về.

"Khi làm ở vị trí nào, mình và bạn gặp nhau ở cửa khẩu để bàn bạc, thống nhất trước. Đôi khi đường biên ở ngoài thực tế với trên bản đồ sẽ khác nhau, bạn phải xin ý kiến cấp trên nên phải hoãn. 

Cũng có khi đến thực địa rồi nhưng hai bên không thống nhất được, lại phải về vì công tác phân giới cắm mốc phải tiến hành song phương mới có giá trị pháp lý" - anh Nguyễn Văn Trọng, đội phó đội kỹ thuật, cho biết.

Sau gần một tiếng vượt đường đất sình, mở lối len lỏi đi sâu trong vườn cao su đến khi không thể đi tiếp, các thành viên xuống xe, vác dụng cụ lội bộ thêm một đoạn. Lúc này, Đội PGCM của Campuchia cũng có mặt.

Thông qua phiên dịch là anh Cao Xuân Trọng, thiếu tá Phạm Văn Chỉnh trao đổi với ông Yun Chamroen - đội trưởng Đội PGCM của Campuchia - về các nội dung trước khi hai đội bắt tay vào công việc.

"Hôm nay, đội xác định vị trí và cắm các mốc phụ 65/25 (mốc 3), 65/24 (mốc đôi), 65/23 (mốc đôi), 65/21 (mốc đôi) và chuyển đổi lại số hiệu mốc 65/22 từ cọc dấu thành mốc phụ" - thiếu tá Phạm Văn Chỉnh thông tin.

Mất nguyên buổi sáng, nhân viên kỹ thuật hai bên mới kiểm tra hết 5 cọc dấu vì vừa đi xe, vừa lội bộ, vừa đi xuồng, vừa phải bơi qua sông, chui qua những lùm tre gai cào xước chảy cả máu. 

Chân mang giày bata chống trượt, đội viên Thuần bước đi thoăn thoắt, người không quen theo sau hụt hơi: "Mình đi nhanh quen rồi vì làm ở tuyến này còn đỡ, lên trên tuyến biên giới Bù Gia Mập vắt nhiều lắm, đi không nhanh là vắt bám đầy chân".

Làm liên tục đến trưa mọi người mới nghỉ tay. Bữa cơm "hữu nghị" (do những người lính biên phòng ở chốt tăng gia chuẩn bị) với vài món đơn giản nhưng cả hai đội PGCM Việt Nam và Campuchia đều ăn ngon lành. Chỉ có xíu thời gian nghỉ trưa, anh em nằm cả ra sàn chợp mắt cho bớt mệt.

Những gian nan không kể hết

Nhắc đến khó khăn, vất vả, thành viên Đội PGCM số 5 bảo tuyến Bù Đốp này không "xi nhê" với tuyến biên giới Bù Gia Mập. Mỗi lần lên ấy, ai cũng thót tim khi chiếc xe bò lên con đường như sợi chỉ vắt trên sườn núi với những khúc cua gắt.

Mỗi đợt đi làm tuyến này, mọi người xác định ăn dầm nằm dề 15-20 ngày trong rừng. Anh em mang theo tất cả máy móc, vật dụng, nồi niêu xoong chảo. Tối về mọi người ngủ nhờ trong các đồn biên phòng, sáng lại hành quân vào rừng. 

Anh Vũ Gia Hoàng cho biết có lần phải đi bộ 38 cây số. Sáng đi anh em mang cơm nắm muối vừng đi, đói thì lấy cơm nắm ra ăn rồi đi tiếp, cho tới khi đến nơi...

Tuyến biên giới này có rất nhiều sông như sông Đắk Huýt, sông Măng... Lúc không có xuồng thì phải bơi qua sông. 

"Mùa mưa, nước sông lên cao, chảy xiết lắm. Lúc đó có mặc áo phao cũng không bơi nổi vì nước đẩy đi càng nhanh. Phải cử một người bơi giỏi nhất bơi qua sông để căng dây thừng. Những người đi sau bám dây thừng qua sông" - anh Nguyễn Văn Trọng kể.

Nhưng nguy hiểm hơn là gặp thác. Lúc đó phải rời xuồng, bám vào rễ cây để bò men theo bờ sông. Hết thác nước mới xuống xuồng đi tiếp. Sông Đắk Huýt mùa mưa nước lên cao, chảy xiết rất nguy hiểm. Một lần, xuồng bị lật nhưng do gần bờ, anh em mặc áo phao nên không sao.

"Đặc sản" khi "đi làm cột mốc, cọc dấu" trên biên giới chính là vắt và muỗi. Mỗi lần đi tuyến Bù Gia Mập, tối về anh em cởi áo giũ ra những con vắt béo ú. Mọi người nói dù bôi thuốc chống vắt nhưng một ngày cứ hết lội qua sông lại bơi qua suối nên thuốc cũng trôi hết. 

"Muỗi rừng thì nhiều vô số kể. Anh em đi làm, sốt thì về uống thuốc cắt cơn, mai lại đi. Đội luôn có một bác sĩ" - thiếu tá Phạm Văn Chỉnh cho biết.

Mới thấy những cột mốc biên cương vì sao luôn nặng ân tình, bởi ở đó có sự hi sinh thầm lặng của biết bao người.

Một năm về phép 1 lần

1

Nhiều lúc qua sông qua suối bằng những con thuyền mỏng manh -Ảnh: MINH PHƯỢNG

Đó là chia sẻ của anh Nguyễn Văn Trọng - đội phó đội kỹ thuật. Anh Trọng vào làm tuyến biên giới Bình Phước từ tháng 3-2015.

"Mình làm xong tuyến Việt - Lào thì vào đây làm tuyến Việt - Campuchia. Ăn núi ngủ rừng 8 năm nay", anh Trọng cười hiền. Hiện nay vợ con anh đang sống ở Hà Nội, mỗi năm như vậy anh về phép một lần.

Đội phân giới cắm mốc số 5 tỉnh Bình Phước gồm các anh em đến từ các cơ quan khác nhau: Bộ Quốc phòng, Bộ Tài nguyên - môi trường, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn... Do đó, nhiều người gia đình ở miền Bắc nhưng vào Nam để "đi làm biên giới".

Hoàn thành trong năm 2017

Bình Phước giáp với 3 tỉnh Tbong Khmun, Kratie và Mondulkiri của Campuchia. Toàn tỉnh có khoảng 180 vị trí với 364 mốc phụ, trong đó có 33 vị trí mốc đơn, 110 mốc đôi với 220 cột mốc, 37 vị trí mốc 3 với 111 cột mốc phụ.

Theo kế hoạch và yêu cầu của Ủy ban liên hợp phân giới cắm mốc Việt Nam - Campuchia thì công tác cắm mốc phụ sẽ hoàn thành trong năm 2017.

Trong thời gian qua, đội phân giới cắm mốc số 5 tỉnh Bình Phước và số 3 của Campuchia đã phối hợp chặt chẽ để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công tác tăng dày hệ thống các cột mốc phụ theo đúng kế hoạch.

MINH PHƯỢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên