03/02/2010 09:45 GMT+7

Băng rừng, vượt suối… "nuôi chữ"

MINH THU
MINH THU

TTO - Dù cuộc sống khốn khó ở nhiều vùng sâu, vùng xa làm xa hơn con đường đến trường, ở huyện miền núi Sơn Hà (Quảng Ngãi), ngày ngày hàng ngàn học sinh vẫn cần mẫn vượt suối, băng rừng đến trường với… đèn pin, đuốc lồ ô. Các em còn dựng lều tạm quanh trường để học lấy cái chữ.

cmX4OdWC.jpgPhóng to

Vượt đường xa từ trường về nhà nhờ ngọn đuốc lồ ô soi đường - Ảnh: MINH THU

Lồ ô, đèn pin... đồng hành với con chữ

Trên con đường còn khá lầy lội sau mưa lũ, chúng tôi vượt cầu sông Toong về thăm Trường tiểu học - trung học cơ sở Sơn Nham, huyện miền núi Sơn Hà. Thật bất ngờ, ở hầu hết sáu lớp học (152 học sinh) buổi chiều tại trường này, những chiếc đèn pin nho nhỏ, cũ - mới đủ cỡ, được đặt cẩn thận trên bàn học của học sinh.

nRyPCfyp.jpgPhóng to
Trời sập tối, từng nhóm học sinh Trường THCS Sơn Thủy, huyện miền núi Sơn Hà (Quảng Ngãi) mồi đuốc thắp sáng soi đường băng rừng về bản - Ảnh: MINH THU

Theo thống kê của Sở Giáo dục-đào tạo tỉnh Quảng Ngãi, có hơn 10.000 học sinh từ bậc tiểu học đến Trung học phổ thông ở sáu huyện miền núi Sơn Hà, Sơn Tây, Tây Trà, Trà Bồng, Ba Tơ và Minh Long phải vượt vượt suối, băng rừng (hầu hết là đi bộ) từ 10-30 km đến trường.

Tan học lúc 17 giờ nhưng học sinh của trường có khi đến 20 giờ mới về đến nhà. Nhọc nhằn là vậy nhưng sỉ số ở các lớp học ở trường này vẫn luôn duy trì ổn định.

17g. Tiếng trống tan trường vang lên rộn rã, từng nhóm học sinh rời lớp về nhà trên khắp mọi nẻo đường, đông đúc nhất là tại hai bến đò Chàm Rao và Xà Nay Thượng, xã Sơn Nham. Riêng học trò ở xã Sơn Nham vừa phải đi học qua đò vừa phải vượt đường dài 7km.

Tương tự, hàng trăm học sinh Trường THCS Sơn Bao, huyện miền núi Sơn Hà, hằng ngày cũng vượt quãng đường 7-10km đến trường với đèn pin. Thầy Võ Văn Tùng, hiệu trưởng Trường THCS Sơn Bao, chia sẻ: “Có đến 140 học sinh của trường muốn được học bán trú, nhưng ngành giáo dục mới chỉ đầu tư 5 phòng bán trú cho khoảng 20 em, nên số còn lại phải tiếp tục vượt đường xa đến trường".

rcVAl69g.jpgPhóng to
Học sinh Trường THCS Sơn Thủy, huyện miền núi Sơn Hà (Quảng Ngãi) xắn quần vượt dốc trên con đường lầy lội đất đỏ về nhà - Ảnh: MINH THU

Cô giáo Huỳnh Thị Phương Thúy, giáo viên môn toán-lý Trường tiểu học - THCS Sơn Nham, xã Sơn Nham, huyện miền núi Sơn Hà, tâm sự: "Việc các em siêng năng đến trường là hạnh phúc lớn nhất cho giáo viên đang công tác ở mái trường còn nhiều gian khó này”.

Dựng lều… trọ học

Men theo con đường nhỏ dẫn vào thôn Nước Bung, thị trấn Di Lăng, huyện miền núi Sơn Hà, chúng tôi nhẩm tính có ít nhất 20 mái lều bạt tạm ở quanh Trường THPT Sơn Hà. Mỗi lều bạt rộng chưa đầy 10m2 nhưng có 2-4 học sinh.

Nhiều học sinh ở xa trường ở các địa phương không có điều kiện dựng lều trọ học thì xin người dân trong thôn cho ở trọ miễn phí để đi học gần trường.

DxAi9kT8.jpgPhóng to
Học sinh trường Tiểu học - THCS Sơn Nham, huyện miền núi Sơn Hà trên đường từ trường về nhà với đèn pin bật sáng trên tay - Ảnh: MINH THU

Em Đinh Văn Chăm, học sinh lớp 9B Trường THCS Sơn Bao - nhà cách trường 10km - thật thà kể: “Ba mẹ em nghèo lắm nên không thể mua đèn pin cho em đến trường như các bạn nên mỗi chiều đi học em phải bó khoảng ba đoạn cây lồ ô (mỗi đoạn dài 1,5m) mang theo để sau khi tan trường làm đuốc thắp sáng soi đường về nhà cho đỡ sợ”.

Trong căn lều xập xệ, tuềnh toàng chỉ với vài tấm phên tre dựng chênh vênh xung quanh, mái lợp phủ bạt thấp lè tè, Đinh Thị Thanh - học sinh lớp 12C2 và Đinh thị K’Reg - học sinh lớp 11B4 say sưa học bài, làm bài tập. Thanh và K’Reg ở cùng thôn Tà Bằng, xã Sơn Thủy - cách Trường THPT Sơn Hà đến 17km nên phải về đây dựng lều trọ học gần trường.

“Mỗi tuần em về nhà một lần để lấy khoảng 3kg gạo mang đi học. Nhiều khi ba mẹ hết gạo phải sang nhà của người trong thôn mượn cho em mang xuống trường. Mùa mưa đường núi lầy lội, trên đường mang gạo từ nhà xuống lều gần trường bị trượt chân ngã, gạo rơi xuống vũng bùn chỉ biết khóc, đành xuống trường ăn nhờ gạo của các bạn ở các lều bên cạnh…” - Thanh kể mà đôi mắt đỏ hoe.

5fRekwOV.jpgPhóng to
Đinh Thị Thanh, học sinh lớp 12C2 và Đinh Thị K’reg, học sinh lớp 11B4 Trường THPT Sơn Hà, học bài trong lều tạm ở gần trường - Ảnh: MINH THU
hsxtbZWb.jpgPhóng to
Học sinh Trường tiểu học - THCS Sơn Nham, huyện miền núi Sơn Hà đi đò qua sông Trà Khúc về nhà với những chiếc đèn pin bật sáng trên tay khi màn đêm vưa buông xuống - Ảnh: MINH THU

Nhìn khắp ngóc ngách trong căn lều tạm của Thanh và K’Reg, chỉ thấy vỏn vẹn túm muối hột, vài cọng rau rừng bên bếp lửa nguội lạnh, cái nồi trống trơn mà xót xa lòng. Tiết trời mùa đông mưa gió lạnh, ban ngày các em đi học về sinh hoạt ở lều tạm, ban đêm phải chuyển quần áo, sách vở vào xin ở nhờ nhà người dân xung quanh trường để tránh rét, tránh mưa tạt qua phên tre làm ướt sách vở.

Thầy Nguyễn Hữu Thịnh, hiệu trưởng Trường THPT huyện Sơn Hà, chia sẻ: “Trường có 688 học sinh nhưng gần 2/3 các em có nhà ở cách xa trường từ 10-30km. Một số em ở ven đường giao thông thuận lợi thì đạp xe đến trường, số còn lại phải qua nhiều sông, suối, đèo dốc hiểm trở nên nhà trường đã liên hệ với người dân quanh trường tạo điều kiện ở trọ hoặc bố trí đất cho các em dựng lều tạm trọ học”.

MINH THU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên