22/12/2014 09:53 GMT+7

​Băng nhóm ngang nhiên bảo kê xe khách

HOÀNG LỘC - ĐỨC PHÚ
HOÀNG LỘC - ĐỨC PHÚ

TT - Tình trạng các băng nhóm ngang nhiên lập “chốt” thu tiền bảo kê xe chở khách về các tỉnh miền Tây, Tây nguyên... vẫn diễn ra công khai.

Nguyễn Tấn Bình (phải) thu tiền của tài xế - Ảnh: Hoàng Lộc

Năm 2012, báo Tuổi Trẻ từng đăng bài điều tra về nạn trấn lột xe khách dọc quốc lộ 1, quốc lộ 13 (TP.HCM). Nhưng đến nay, tình trạng các băng nhóm ngang nhiên lập “chốt” thu tiền bảo kê xe chở khách về các tỉnh miền Tây, Tây nguyên... vẫn diễn ra công khai.

Cầm đầu băng nhóm đang lập “chốt” thu tiền bảo kê dọc quốc lộ 1 (khu vực cầu vượt An Sương, ấp Đông Lân, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn) là An (30 tuổi) và Nguyễn Tấn Bình (34 tuổi, ngụ xã Xuân Thới Thượng, Hóc Môn).

Ngoài ra, còn có một số tài xế xe ôm thường xuyên dụ khách chở đến “chốt” để “bán” cho xe dù, lấy tiền hoa hồng 5.000-10.000 đồng/khách.

Lập “chốt” thu bảo kê

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, thời điểm băng nhóm này hoạt động mạnh từ 7g-11g. Hằng ngày, nhóm An và Bình thay nhau trực trên đoạn đường dài khoảng 300m từ chân cầu vượt An Sương đến trạm xe buýt số 151 dọc quốc lộ 1 để thu tiền của khoảng 15 xe khách (loại 24 chỗ) về An Giang, Hậu Giang, Cà Mau...

Những xe này được phép thay phiên nhau đậu bắt khách (mỗi xe đậu một giờ) trong địa bàn theo sự điều động của An, đổi lại mỗi hành khách lên xe thì nhà xe phải “chi” 10.000 đồng.

Ngoài việc thu tiền của xe bảo kê, An và Bình thường xuyên nắm lịch trình một số tuyến xe khách giường nằm về Thạnh Phú (Bến Tre), Châu Đốc (An Giang), gom khách rồi “bán” với giá 15.000 - 20.000 đồng/người. Đối với những xe “mồ côi” (xe không đóng bảo kê), An đưa vào tầm ngắm tìm mọi cách đuổi đi, kể cả đánh dằn mặt.

Khoảng 8g sáng 18-12, An và Bình lái xe máy xuất hiện tại “chốt”, thay phiên nhau đảo qua đảo lại đếm hành khách thu tiền.

Một lúc sau, Bình được cắt cử “canh me” tại trạm xe buýt số 151 (bến xe An Sương - bến xe miền Tây) gom khách, còn An ngồi tại quán cà phê sát chân cầu vượt An Sương mắt ngó nghiêng nắm số lượng người bị đẩy lên xe khách.

Thời điểm này, ngoài xe 53S - 28... được “bật đèn xanh” vô tư chèo kéo khách thì lần lượt các xe 53M - 70..., 65B - 005... nối đuôi nhau chờ được An sắp lượt bắt khách. Lúc này, đột nhiên có một xe “mồ côi” đánh xinhan vào rước khách, An lập tức leo lên xe máy rồ ga đuổi theo đập cửa ép nhà xe này phải “chi” 15.000 đồng.

Gần một tiếng sau, An tiến tới kéo cửa xe 53S - 28... thò đầu vào trong đếm khách và thu 100.000 đồng từ tay tài xế. Xe 53S - 28... vừa đi thì An tiếp tục “điều” xe 53M - 70... lên đón khách và tiếp đến là xe 65B - 005... Nhiều hành khách buộc phải lên các xe này ngồi đợi vì không còn sự lựa chọn nào khác.

Tại trạm xe buýt số 151 - nơi thường xuyên tập trung nhiều hành khách đợi xe về miền Tây, Bình chạy qua chạy lại để thu tiền. Chỉ trong vòng hai giờ sáng 18-12, Bình ngồi sau đuôi xe 53S - 28... đếm khách thu ba lần với số tiền trên 200.000 đồng.

Ngoài ra, Bình còn “lùa” ba hành khách đang lớ ngớ chưa biết đi xe nào để “bán” cho nhà xe Th.Thảo (Bình Dương - Châu Đốc) đút túi 45.000 đồng. Bình từng phối hợp với Ca “xăm” lập “chốt” thu bảo kê năm 2012 và đã bị Công an xã Bà Điểm (Hóc Môn) xử phạt hành chính, đồng thời bắt viết bản cam kết không tái phạm hoạt động thu bảo kê xe khách nhưng đến nay vẫn hoạt động.

Lừa khách

Khác hẳn với cách làm ăn của nhóm An và Bình, băng nhóm bảo kê do ông Hoàng, ông Tám, Tiến và “chị Hai” hoạt động dọc quốc lộ 13 (Q.Thủ Đức) lại chỉ đạo đàn em hoạt động tinh vi bằng việc ít ra mặt, không thu “tiền tươi” mà thu theo tháng.

Dưới trướng của nhóm này có gần chục thanh niên, hoạt động nhiều năm nay với phạm vi kéo dài từ chân cầu vượt Bình Phước đến cổng chào Bình Dương và ngược lại. Trong đó, Tiến thường xuyên lộ mặt làm nhiệm vụ quan sát, truy đuổi những xe “mồ côi” ra khỏi địa bàn, hoặc ép các xe này phải chi tiền nếu đón khách trong lãnh địa băng nhóm hoạt động.

“Chị Hai” chạy xe máy biển số Bình Phước, thường ngồi núp trong quán nước gần trạm xe buýt số 4 (xe buýt liên tỉnh) để lôi kéo khách cho các xe nhận bảo kê. Ngoài ra, “chị Hai” thường xuyên leo lên các xe này lôi kéo, lùa khách lên xe.

Khoảng 9g ngày 15-12, Tiến ngồi trên xe máy “chốt” tại bến để lôi kéo hành khách lên các xe về Buôn Ma Thuột (xe Tiến nhận bảo kê).

Khi thấy một xe “mồ côi” chạy tuyến TP.HCM - Bình Phước chui qua cầu vượt Bình Phước, đánh xinhan bắt khách thì Tiến rồ ga bám kè theo. Cứ như vậy, Tiến kè theo không cho xe này bắt khách đến khi qua cổng chào Bình Dương mới chịu buông.

Sáng cùng ngày, Tiến và một người khác thay phiên nhau kè theo khoảng 10 xe khách “mồ côi” về các tỉnh Bình Phước, Đắk Lắk...

Đặc biệt, sáng 16-12 chúng tôi chứng kiến chị T.T.N.B. (quê Đồng Xoài, Bình Phước) loay hoay tìm xe TC về quê thì bị nhóm giang hồ bảo kê sấn tới dọa: “Xe TC chạy rồi” và đẩy chị B. vào quán nước ngồi chờ sắp xe khác.

Thế nhưng lúc ngồi đợi chị B. thấy xe TC chạy ngang qua nên chạy ra ngoắc tay thì bị nhóm này quát: “Vào mà đón, tao đập vỡ mặt”. Ngồi đợi gần cả tiếng đồng hồ, cuối cùng chị B. phải xách đồ lếch thếch đi bộ qua khu vực cổng chào Bình Dương mới bắt được xe về quê.

Nhiều tài xế của công ty khai thác tuyến bến xe Miền Đông - Bình Phước cho biết khu vực cầu vượt Bình Phước đến cổng chào Bình Dương băng nhóm bảo kê xe dù hoạt động rất mạnh, do đó mỗi khi chạy xe qua đành không thể ghé đón khách được.

Hành khách muốn đi chỉ còn cách đi bộ qua khỏi cổng chào Bình Dương. “Giang hồ bảo kê hoạt động lâu lắm rồi, ghê lắm. Anh em tài xế chạy xe công ty đều rất sợ hãi vì đã có nhiều tài xế ghé bị nhóm giang hồ chặn xe đập bể kính, kể cả đánh người” - tài xế tên H. (40 tuổi, ngụ Bình Phước) nói.

Vào cuộc xác minh, xử lý các băng nhóm bảo kê

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 21-12, ông Nguyễn Quang Chi - chủ tịch UBND P.Hiệp Bình Phước (Q.Thủ Đức) - cho biết việc các băng nhóm lập “chốt” công khai thu bảo kê, lãnh đạo phường đã nắm và triển khai kế hoạch phối hợp với Công an Q.Thủ Đức xử lý.

Tại khu vực cầu vượt Bình Phước hiện có hai nhóm đang hoạt động và mới đây lực lượng công an đã mật phục bắt quả tang một đối tượng có hành vi cưỡng đoạt tài sản của hành khách. “Chúng tôi đang phối hợp với Công an quận triệt phá băng nhóm này” - ông Chi nói.

Trước thông tin Tuổi Trẻ cung cấp về băng nhóm lập “chốt” thu bảo kê tại khu vực cầu vượt An Sương, đại tá Nguyễn Quang Đạt - trưởng Công an huyện Hóc Môn - nói: “Tôi chưa nghe thông tin về nhóm bảo kê này. Từ thông tin báo cung cấp, tôi sẽ triển khai cho anh em trinh sát nắm tình hình để điều tra xử lý ngay, chứ để vậy không được”.

HOÀNG LỘC - ĐỨC PHÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên