24/06/2020 09:58 GMT+7

Bằng lái A0: Cần nhưng chưa đủ

THU DUNG ghi
THU DUNG ghi

TTO - Tổ chức sát hạch và cấp bằng lái A0 đối với người từ 16-18 tuổi là rất cần thiết. Tuy nhiên việc triển khai cần có lộ trình, đồng bộ. Đây tuyệt đối không phải là thủ tục để "hợp thức hóa" cho chuyện trẻ lái xe ra đường.

Bằng lái A0: Cần nhưng chưa đủ - Ảnh 1.

Công an Q.9 (TP.HCM) tuyên truyền Luật giao thông đường bộ cho học sinh Trường THCS Hoa Lư, Q.9 - Ảnh: TT

Đó là ý kiến của TS Vũ Anh Tuấn - giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức (Trường ĐH Việt Đức).

Ở lứa tuổi từ 16-18, các em không nắm luật, xử lý tay lái kém, tâm lý chưa ổn định, dễ bị kích động, thích cảm giác mạnh. Đây có thể coi là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất, tỉ lệ tử vong do TNGT cao nhất.

Đào tạo công phu hơn

Để việc triển khai thi bằng lái A0 đạt hiệu quả, các đơn vị nhà nước phải tiến hành có lộ trình, bài bản, kịp thời bổ sung các quy định liên quan. 

Đặc biệt là việc bổ sung giáo án, chương trình đào tạo đầy đủ kỹ năng lái xe, đạo đức lái xe, điều chỉnh tâm lý, hành vi lái xe cho trẻ và hướng dẫn xử lý tình huống bất ngờ. 

Ở lứa tuổi 16-18 tâm lý rất dễ bị kích động, thích khám phá và cảm giác mạnh, muốn đào tạo các em lái xe an toàn sẽ phải công phu hơn với người trên 18 tuổi.

Công ước quốc tế có quy định công dân từ 16 tuổi trở lên phải được đào tạo và cấp bằng lái mới được điều khiển xe cộ. Nhiều nước trên thế giới đã đưa điều này vào luật giao thông từ nhiều năm nay. 

Tại Việt Nam, chúng ta nên triển khai từ 10 năm trước. Có đến 40-50% học sinh ở lứa tuổi 16-18 thường xuyên đi xe máy như người lớn. Thống kê khoảng 2.000 trẻ tử vong mỗi năm vì tai nạn giao thông (TNGT), tương ứng với mỗi ca tử vong có 4-5 ca chấn thương, thương tật vĩnh viễn.

Nhìn nhận một cách tổng thể về vấn đề tai nạn giao thông đối với trẻ em liên quan đến việc điều khiển xe máy sẽ thấy được chúng ta đang tổn thương và mất mát rất lớn vì chậm có những chính sách quản lý như trên. Cứ 100.000 người độ tuổi 16-18, có 32 ca tử vong mỗi năm vì TNGT, tỉ lệ này cao gấp 3-4 lần nếu so với người trên 18 tuổi.

Một thực tế rất đông học sinh THPT đi xe điện, xe máy phân khối lớn. Giải pháp kiềm chế thực trạng này bao gồm giáo dục, cưỡng chế và giải pháp kỹ thuật. Về việc xử phạt, hiện nay chúng ta chỉ xử lý nhắc nhở, cảnh cáo, gửi thông tin về trường là chưa thực sự hiệu quả, học sinh chủ quan và coi thường pháp luật.

Và trách nhiệm phụ huynh

Việc đảm bảo an toàn giao thông cho trẻ từ 16-18 tuổi là trách nhiệm chung, phụ huynh cũng phải chung tay. Trẻ em có tâm lý chủ quan, chạy xe với tốc độ cao, xem nhẹ những nguy cơ tai nạn và phụ huynh chưa quan tâm đúng mức điều này.

Phụ huynh cần nhận định rõ tư duy, tâm lý của trẻ 16-18 tuổi khác hẳn trẻ 18 tuổi trở lên. Từ đó, phụ huynh nên khuyến khích trẻ tìm hiểu luật, đi đúng luật, chọn xe cho con đúng quy định, đúng độ tuổi.

Ở các nước châu Âu, 16 tuổi trẻ được đăng ký học lý thuyết và thực hành lái xe. Nhưng bằng lái chỉ là bằng tạm. Sau khi có bằng này, trong vòng một năm, trẻ lái xe phải có người lớn đi cùng và hướng dẫn. Kết thúc một năm, phụ huynh báo cáo lại kỹ năng lái xe của con cho cơ quan chức năng. 

Cơ quan chức năng xem xét, quá trình lái không gây tai nạn, không vi phạm nghiêm trọng thì được cấp bằng chính thức. Nhờ đó họ có ý thức và trách nhiệm khi tham gia giao thông rất cao. Chúng ta cũng nên làm cách này, không nên tạo điều kiện cho con điều khiển xe máy phân khối lớn khi chưa đủ điều kiện.

Ngành giáo dục cần xem Luật giao thông đường bộ như một môn học bắt buộc. Các em nhỏ được đào tạo xuyên suốt từ cấp I, cấp II, cấp III cho tới khi thi bằng lái. 

Làm được điều này, từ 16 tuổi trở lên, trẻ hoàn toàn nắm quy tắc tham gia giao thông, nhận diện biển báo, khả năng đoán trước và phòng tránh những tình huống nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng. Cũng cần tuyên truyền cho phụ huynh tự giáo dục con cái, không giao hết cho nhà trường, xã hội.

Đừng vội giao xe cho trẻ

Ngày càng nhiều học trò THPT lao xe máy vun vút giữa phố. Không khó gặp cảnh học sinh chở 3, không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, dàn hàng ngang đùa giỡn trên đường. Gặp các "tay lái" lứa tuổi thừa bốc đồng nhưng thiếu chín chắn này, nhiều người lớn phải nhường đường "cho nó lành".

Nội dung cơ bản của Luật giao thông vào chương trình giáo dục phổ thông đã được tiến hành lâu nay nhưng chỉ tuyên truyền, chưa bắt buộc. Một số phụ huynh giao xe cho con (kể cả các loại xe phân khối lớn) cốt để thuận tiện mà chưa thực sự quan tâm đến sự an toàn của con. Khi con bị lập biên bản vi phạm lại "năn nỉ" thay con.

hanoi-sv hs k do mbh cho3 2(read-only)

Học sinh vi phạm Luật giao thông sẽ bị công an gửi văn bản về nhà trường đề nghị xử lý - Ảnh: T.T.D.

Theo tôi, việc cấp giấy phép lái xe hạng A0 chỉ thực sự hiệu quả giảm TNGT khi bằng cấp đúng cho người đủ tiêu chuẩn về sức khỏe, hiểu luật và đủ kỹ năng lái xe an toàn.

Vấn đề thi sát hạch cần phải tuân thủ nghiêm túc, cần xử lý nghiêm nạn bằng giả, thi hộ, bao đậu. Việc cấp bằng lái A0 cần đi đôi với kiểm tra, xử phạt nghiêm việc trẻ dưới 18 tuổi đi xe phân khối lớn.

Cứ đến các cổng trường THPT tại TP.HCM sẽ thấy gần một nửa học sinh đang tự đi xe phân khối lớn đến trường. Xử lý cách nào? Không du di với các lỗi vi phạm của học sinh chính là cách giữ an toàn cho trẻ và chính phụ huynh cần hiểu rõ chuyện này.

CSGT TP Đà Nẵng từng cho học sinh vi phạm luật giao thông được chép phạt tại chỗ với ý giúp các em nhận thức và hành động đúng, đó cũng là một cách giáo dục cần thiết.

Phụ huynh giao xe cho con cần quan tâm đến khả năng lái xe của con mình. Thị trường có nhiều loại xe nhưng không phải loại nào cũng phù hợp với lứa tuổi 16-18. Theo tôi, tốt hơn hết là hạn chế việc học sinh tự lái xe đến trường. Nhất là khi những chuyến xe buýt chuyên phục vụ đưa đón học sinh đã có từ lâu.

HỮU CHƠN

Thăm dò ý kiến

Người trên 16 tuổi muốn chạy xe máy dưới 50 phân khối, xe máy điện, xe đạp điện phải thi lấy bằng lái A0. Theo bạn việc này:

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Cấp giấy phép lái xe hạng A0: Học sinh hết Cấp giấy phép lái xe hạng A0: Học sinh hết 'vô tư' chạy xe máy, xe đạp điện

TTO - Người trên 16 tuổi sẽ được cấp giấy phép lái xe A0 được coi là một bước tiến lớn trong việc thay đổi ý thức người tham gia giao thông, đặc biệt là các em học sinh THPT.

THU DUNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên