Phóng to |
Ông Nguyễn Ngọc Hùng - phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ GD-ĐT) |
Vấn đề đang được nhiều bạn đọc quan tâm này đã được ông Nguyễn Ngọc Hùng - phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ GD-ĐT) - trả lời:
- Văn bằng của các cơ sở giáo dục nước ngoài hoạt động tại VN sẽ được công nhận khi được cấp bởi cơ sở giáo dục nước ngoài đang hoạt động hợp pháp tại VN. Các cơ sở này phải hoạt động giáo dục theo qui định trong giấy phép và được tổ chức kiểm định của VN hoặc nước ngoài công nhận về chất lượng.
Đối với cơ sở giáo dục, đào tạo ở nước ngoài, văn bằng (từ phổ thông, giáo dục nghề nghiệp đến ĐH và sau ĐH) để được công nhận đều phải được cấp bởi các cơ sở giáo dục, đào tạo có các chương trình đã được cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục hợp pháp của nước đó công nhận. Cụ thể là đối với những trường công lập, về cơ bản đều được công nhận văn bằng.
Đối với những trường ngoài công lập, chỉ công nhận nếu trường đó đã qua kiểm định chất lượng bởi các tổ chức kiểm định được nước sở tại cho phép. Hiện nay, VN cũng như các nước khác trong khu vực chưa công nhận đối với văn bằng của các chương trình đào tạo từ xa, đào tạo qua mạng (online).
Ngoài ra, văn bằng sẽ được công nhận nếu được cấp bởi cơ sở giáo dục nước ngoài thuộc phạm vi áp dụng của hiệp định về tương đương văn bằng hoặc công nhận lẫn nhau về văn bằng mà VN và nước sở tại đã ký kết. Hiện nay, nước ta đã ký kết được hiệp định này với năm nước ở Đông Âu.
* Như vậy người học ở các cơ sở giáo dục, đào tạo của nước ngoài cần chú ý chọn trường như thế nào để văn bằng được công nhận, thưa ông?
- Đó là vấn đề mà chúng tôi cũng như các tổ chức giáo dục chính thống của các nước luôn khuyến cáo người học cần lưu ý. Khi đi du học, người học cần phải xem xét kỹ và chỉ nên chọn đăng ký những trường đã được các tổ chức kiểm định hợp pháp của nước sở tại kiểm định chất lượng và công nhận chương trình đào tạo, bằng cấp.
Thông tin này luôn được công bố rộng rãi, công khai. Còn nếu trường nào mập mờ về việc này, người học cần phải thận trọng. Còn những trường chưa được kiểm định, ngay ở nước sở tại, bằng cấp cũng không có giá trị. Ví dụ như ở Mỹ, một số bang qui định rõ không được tuyển dụng những người có bằng cấp của các trường ĐH không qua kiểm định.
Hiện nay Bộ GD&ĐT đang xây dựng một qui định cụ thể, thống nhất về việc công nhận tương đương văn bằng theo qui định của Luật giáo dục 2005. Nhưng dù qui định như thế nào, sau này có được bổ sung, sửa đổi ra sao, nếu đã được cấp bằng bởi một cơ sở giáo dục được kiểm định ở nước ngoài hoặc có giấy phép hoạt động hợp pháp ở VN, bằng cấp của người học sẽ luôn được công nhận về giá trị.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận