13/10/2010 07:55 GMT+7

Bằng cấp cao vẫn lao đao xin việc

MỄ THUẬN - KIM TUYẾN
MỄ THUẬN - KIM TUYẾN

TT - Tốt nghiệp đại học, nhiều bạn trẻ mang tấm bằng trở về quê nhà tìm việc. Nhưng khác với những lời mời gọi lẫn trách móc về việc thiếu nhân lực cho quê hương, con đường trở về của họ quá nhiều gập ghềnh không dễ bước qua.

oZbVNduk.jpgPhóng to
Huỳnh Mỹ Hiền (trái) trong ngày nhận bằng tốt nghiệp với mơ ước được về đóng góp cho quê nhà - Ảnh: M.T.

Bị mất việc vì có trình độ... đại học

Tự tin với bộ hồ sơ cá nhân hoàn hảo, L.B.D. về Phú Yên với mong muốn đơn sơ là làm cô giáo dạy văn ở một trường làng của huyện sau khi tốt nghiệp ĐH Sư phạm TP.HCM. Bỏ qua lời mời công tác khá hấp dẫn tại nơi mình vừa tốt nghiệp, cô quyết tâm về quê dạy những đứa trẻ nông thôn, đồng thời có điều kiện chăm non mẹ già. Dù đã nghe các anh chị đi trước cảnh báo về cơn ác mộng thất nghiệp và sự bất công trong “cuộc chiến” xin việc nhưng D. vẫn tự tin với những gì mình có.

Chất xám và... tiền

D. tin rằng với một bản lý lịch nặng ký cùng nhiều thành tích: tốt nghiệp ĐH Sư phạm TP.HCM khóa 2008 loại xuất sắc, giải thưởng nghiên cứu khoa học cấp TP và trung ương, từng là một trong những học sinh ít ỏi đạt học sinh giỏi văn cấp quốc gia của tỉnh thì không lý gì lại không xin được một chân giáo viên ở trường làng. Thế nhưng gần một năm nộp đơn ở Sở Nội vụ một tỉnh miền Trung, cô vẫn không nhận được bất cứ thông tin tuyển dụng nào.

Vẫn là những câu nói quen thuộc “đang xem xét”, “chưa có chỗ nào thiếu người” lặp đi lặp lại mỗi khi cô sốt ruột chạy đến Sở Nội vụ hỏi về trường hợp của mình. Trong khi đó, cô bạn cùng lứa tốt nghiệp loại trung bình ĐH Sư phạm Quy Nhơn cùng đợt nộp đơn với L.B.D. đã được nhận việc tại một trường THPT. D. không khỏi bức xúc và tò mò nên đã tìm cô bạn hỏi chuyện, mới hay để có được công việc, cô bạn phải chi tiền cho một người quen “lót việc”.

Cô bạn này còn cho D. số điện thoại để liên hệ. “Lúc đó tôi thất vọng tràn trề, bao năm cố gắng để được thành tích học tập thật tốt mà giờ tôi phải chi tiền mới có được công việc đáng lẽ ra mình phải có hay sao. Quá vô lý! Nhưng tôi phải lựa chọn thôi, một là thỏa hiệp với môi trường việc làm ở quê như vậy, hai là dứt áo ra đi. Cuối cùng tôi đã nhận lời bên ĐH Sư phạm TP.HCM, vừa công tác vừa học tiếp lên cao, chứ ở quê tôi chỉ là... một kẻ thất nghiệp!” - D. tâm sự về quyết định chấm dứt giấc mơ về quê.

Còn N.T.H., tốt nghiệp CĐ Sư phạm Vinh năm 2008, đã vỡ mọi tia hi vọng tìm việc. Hơn một năm đợi chờ công việc và cố gắng đủ cách nhưng “việc vẫn trốn người”. Mong có được một chân giáo viên ở huyện Con Cuông (Nghệ An), cách nhà gần 200 cây số, H. đến Sở Nội vụ nộp đơn rồi mòn mỏi đợi chờ. Gia đình đành chấp nhận đi “cửa sau” với hi vọng kiếm được một công việc cho H.. Nhưng một tháng, rồi một năm, tiền đã trao mà việc chưa thấy, gia đình H. phải trầy trật lắm mới lấy lại được số tiền đã chi. Bên nhận tiền “chạy” việc chỉ nói qua quýt ráng đợi thêm, giờ việc ít, người đông, người nào “chạy” càng nhiều tiền thì việc mới nhanh có được.

Đường tìm việc như mê trận

Chị B.T.H. ở Phước Long (Bình Phước), tốt nghiệp chuyên ngành tài chính ngân hàng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, mong muốn về quê làm nên đã bỏ qua những cơ hội việc làm tại TP.HCM. Thế nhưng gần một năm lăng xăng chỗ này chỗ nọ tìm việc, H. vẫn thất nghiệp. H. cho biết: “Ở đây thật khó mà biết chỗ nào đang tuyển người, thông tin tuyển dụng ít nơi công khai như tại TP.HCM. Lâu lâu mới thấy một vài thông tin tuyển dụng trên báo Bình Phước hoặc trên đài truyền hình, nhưng mới nghe thông tin hôm trước, hôm sau liên hệ đã hết hạn nộp đơn (?!). Ngay cả việc nộp đơn thôi cũng đã khó khăn rồi, nói gì đến chuyện tiếp theo...”.

Nộp đơn và nếm trải mùi vị im lặng tuyệt đối là điều thường gặp khi các trí thức trẻ không có được các mối quan hệ, quen biết. Thái Minh Công tốt nghiệp Học viện Hành chính quốc gia (TP.HCM) khóa 2007 đã bỏ cuộc trong hành trình về quê tìm việc trầy trật của mình. Nơi xin việc là UBND một phường tại TP Quảng Ngãi. Công đã rất chăm chút từng tí một cho bộ hồ sơ của mình, từ lý lịch cá nhân bằng tiếng Việt lẫn tiếng Anh, đơn xin việc, các văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ.

Nhưng từ khi nộp đơn Công không nhận được bất cứ thông tin nào từ đơn vị xin công tác. “Mỗi lần nghe điện thoại tôi lại giật nảy người và cứ hi vọng đó là chỗ xin việc gọi đến hẹn phỏng vấn. Nhưng không có bất cứ phản hồi nào” - Công thất vọng nói. Hơn một năm thất nghiệp trong đợi chờ mòn mỏi, Công quyết định dứt áo ra đi, đến Đồng Nai làm nhân viên quản trị văn phòng cho một công ty cổ phần.

“Thi tuyển dụng công khai sẽ giảm thiểu tình trạng bưng bít thông tin, nhưng lại chưa thật sự phổ biến tại các tỉnh vùng sâu, vùng xa. Nếu có tổ chức thi thì một số nơi cũng làm rất hình thức, dù bạn đậu nghiệp vụ mà vô vòng phỏng vấn không có sự quen biết cũng rớt thôi” - Công chia sẻ.

Cử nhân... lao động tay chân

Với trường hợp của N.T.H. ở TP Vinh, dù đã chi tiền để “bôi trơn”, cô phải quyết định đi làm công nhân ở huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương vì gia cảnh khó khăn mà niềm tin vào sự công tâm trong xét tuyển trí thức trẻ về tỉnh công tác cũng ngày cạn dần. “Thà em tôi là một cô gái thất học còn chấp nhận được. Đằng này ăn học bao nhiêu năm ra trường giờ phải lao động tay chân cực khổ thì tôi thấy phẫn nộ thay cho em mình. Tôi sẽ cố gắng xin cho em làm ở một trường nào đó tại TP chứ thấy em đầu tắt mặt tối với chuyện tăng ca mỗi ngày thật sự xót lắm!” - anh trai của N.T.H. tâm sự.

Tốt nghiệp ĐH năm 2007 chuyên ngành báo chí, Huỳnh Mỹ Hiền hăm hở khăn gói về nộp hồ sơ tại Sở Nội vụ tỉnh Tây Ninh với nguyện vọng sẽ được bố trí công tác tại đài truyền thanh một huyện. Nhưng mọi chuyện lại khó khăn hơn mức Hiền tưởng tượng: hồ sơ sau khi được Sở Nội vụ chuyển đến hai địa chỉ là đài truyền thanh huyện và phòng nội vụ huyện thì đều bị hai nơi này “ngâm” vô thời hạn với cùng một lý do: “Ở đây không còn chỗ trống rồi em ơi”.

Sau khi chờ đợi hơn hai tháng để nhận về câu trả lời vô vọng ấy, Hiền phải cậy nhờ một người quen thân xin giúp mới kiếm được chân chạy việc tại ban tuyên giáo huyện. Nhưng Hiền bảo: “Buồn lắm! Vì làm việc không đúng chuyên môn. Tối ngày hết soạn công văn này đến công văn khác, bận túi bụi những việc không tên!”. Không chấp nhận một môi trường làm việc khá thụ động, không hợp chuyên ngành với đồng lương hợp đồng mỗi tháng chỉ 900.000 đồng, Hiền quyết định rời quê hương để quay lại TP.HCM kiếm việc.

Quá ngán ngẩm với thói quan liêu trong cách làm việc của một số cơ quan ở tỉnh nhà, O.A.T. từ chỗ hăm hở trở về sau khi tốt nghiệp ĐH Sư phạm TP.HCM năm 2008, đã quyết định cắt hộ khẩu đến TP.HCM kiếm việc khi có người quen đỡ đầu. “Ở quê làm việc gì cũng chậm chạp, đóng một con dấu cũng bắt chờ cả buổi trời, một bộ hồ sơ cũng phải mua cả chục ngàn đồng.

Trong khi lên TP, với những trường cần tuyển giáo viên, mình được cấp bộ hồ sơ miễn phí, mọi việc công chứng, đóng dấu đều diễn ra nhanh chóng... Môi trường hơn hẳn ở tỉnh nhà nên những trí thức trẻ như mình không dứt áo ra đi mới lạ” - O.A.T. đúc kết sau khi lên TP.HCM và nhanh chóng được nhận vào biên chế tại một trường THPT ở Q.8.

Trường hợp của N.T.N., sau khi phản đối việc gia đình thỏa thuận sẽ chung chi để có được việc làm ở một cơ quan cấp tỉnh, N.T.N. đã lên mạng tìm kiếm thông tin tuyển dụng và biết ĐH An Giang đang tuyển giảng viên đúng chuyên khoa mà cô theo học tại ĐH Đà Lạt. N.T.N. nhanh chóng nộp hồ sơ và không lâu sau đã được phỏng vấn qua điện thoại với kết quả cô được nhận về công tác tại Trung tâm nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn của ĐH An Giang.

“Mình học khoa công tác xã hội và phát triển cộng đồng nên cũng nuôi trong mình nhiều lý tưởng sau khi ra trường sẽ về thực hiện những chương trình có ích cho quê hương. Nhưng giờ chẳng đặng đừng mà ra đi” - N.T.N. tiếc nuối tâm sự.

iFX4W2MF.jpgPhóng to
Cha của Sóc Non, Chanh Đa bảo: “Rất nhiều bằng khen về kết quả học tập cũng không giúp các con tôi có được việc làm”

Cạo vỏ hạt điều kiếm sống

Ngồi nhà cạo vỏ hạt điều là công việc thường nhật hiện thời sau hơn bốn năm mài đũng quần trên giảng đường ĐH của hai chị em Lâm Thị Sóc Non và Lâm Thị Chanh Đa ở Lộc Ninh (Bình Phước). Cả hai chị em cùng tốt nghiệp năm 2009 tại ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM và ĐH Sư phạm TP.HCM.

Thế nhưng từ khi tốt nghiệp đến nay hai chị em Sóc Non và Chanh Đa vẫn chưa thể xin làm giáo viên ở bất kỳ trường nào. Ở nhà dài cổ chờ việc, hai chị em chỉ còn biết kiếm tiền sống qua ngày bằng cách nhận hạt điều về cạo vỏ lụa cho các xưởng điều tại địa phương.

MỄ THUẬN - KIM TUYẾN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên