31/10/2024 07:02 GMT+7

Bằng cách nào truyền thông có thể tự tin công bố kết quả bầu cử Mỹ?

Kể từ năm 1848, truyền thông của Mỹ đã bắt đầu 'cướp cò' công bố người chiến thắng trong các cuộc bầu cử liên bang. Đây là một truyền thống báo chí vẫn tồn tại cho đến ngày nay.

Tại sao kết quả bầu cử Mỹ được công bố trên truyền thông? - Ảnh 1.

Các cử tri Mỹ đi bỏ phiếu sớm ở Florida ngày 21-10 - Ảnh: AFP

Mỹ thường được mô tả là nền dân chủ lâu đời nhất thế giới, vì vậy có lẽ không có gì ngạc nhiên khi hệ thống được xây dựng dựa trên quy ước và truyền thống có những điều kỳ quặc.

Truyền thống của Mỹ

Một trong số đó, kể từ năm 1848, là vai trò của báo chí trong việc công bố người chiến thắng trong hàng ngàn cuộc bầu cử trên khắp cả nước.

Truyền thống này ra đời trong giai đoạn còn chưa có radio, TV, Internet và điện tín chỉ mới bắt đầu phát triển. Không có cơ quan liên bang để điều phối các cuộc bầu cử, những nhóm thu thập tin tức đã quyết định tự mình đảm nhận công việc này, khởi đầu là Hãng tin AP tham gia đưa tin kết quả trên khắp cả nước.

Khi số lượng các công ty tin tức và công nghệ ngày càng phát triển kể từ thế kỷ 19, phương tiện truyền thông vẫn tiếp tục vai trò là công cụ theo dõi bầu cử không chính thức và cung cấp cho công chúng dự đoán sớm nhất về tổng thống tiếp theo.

Nhưng hệ thống này không phải là không có độ trễ. Vào thế kỷ 21, những cử tri đi bỏ phiếu ở các vùng cực tây của Mỹ vào ngày bầu cử có thể đã biết một số kết quả ở bờ biển phía đông, vì phương tiện truyền thông đã có thể xác định những bang nào nghiêng về bà Kamala Harris hay những bang nào về tay ông Donald Trump

Mặt khác, một số bang, đặc biệt là những bang có thể quyết định chức tổng thống lần này, có thể mất nhiều ngày hoặc nhiều tuần để công bố kết quả vì các lá phiếu được kiểm đếm tỉ mỉ.

Truyền thông làm thế nào để có thể đưa ra kết quả chính xác trong đêm?

50 tiểu bang và thủ đô Washington DC chịu trách nhiệm tổ chức các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, Thượng viện và Hạ viện trong phạm vi ranh giới của mình.

Kết quả của các cuộc đua này được chính thức công bố riêng lẻ tại từng bang và phương tiện truyền thông tổng hợp tất cả lại cho bạn đọc bằng cách kết hợp các kết quả chính thức trực tiếp, thăm dò ý kiến cử tri, khảo sát cử tri và hiểu biết sâu sắc về các quy tắc bầu cử cũng như xu hướng lịch sử của Mỹ.

Từ năm 1990, hầu hết các tổ chức truyền thông hàng đầu của Mỹ đã thành lập Nhóm bầu cử quốc gia (NEP), sử dụng dữ liệu thăm dò ý kiến cử tri để cung cấp cho các đối tác báo chí thông tin cập nhật trực tiếp về tất cả các cuộc đua diễn ra vào đêm bầu cử. 

NEP vẫn tồn tại cho đến ngày nay, hợp tác với công ty nghiên cứu thị trường Edison Research để cung cấp dữ liệu cho các hãng truyền thông lớn như ABC, CBS, CNN, NBC và Reuters.

Năm 2016, Hãng tin Associated Press đã tách khỏi nhóm này để phát triển sản phẩm riêng của mình có tên là AP VoteCast, hiện đang được một số đơn vị truyền thông lớn khác như Fox News, NPR, PBS, Univision, báo USA Today và Wall Street Journal sử dụng.

Mặc dù phương pháp của hai nhóm này khác nhau nhưng có cùng nguyên tắc: công bố kết quả khi ứng viên dẫn đầu chắc chắn thắng.

Bằng cách sử dụng các nguồn dữ liệu để tuyên bố chính xác người chiến thắng, truyền thống này ngăn các ứng cử viên tự tuyên bố chiến thắng sớm.

Tại sao kết quả bầu cử Mỹ được công bố trên truyền thông? - Ảnh 2.

Các cử tri làm khảo sát cho Edison Research sau khi bỏ phiếu ở North Carolina tại cuộc bầu cử năm 2012 - Ảnh: AFP

Thăm dò ý kiến, khảo sát cử tri và công bố

Vậy, nếu kết quả chính thức không được công bố vào đêm đó, làm sao phương tiện truyền thông có thể xác định ứng viên nào chiến thắng ở mỗi bang?

"Mọi thông tin chúng tôi đưa tin đều không chính thức, nhưng đều đến từ một nguồn chính thức", ông Joe Lenski, đồng sáng lập kiêm phó chủ tịch điều hành của Edison Research, giải thích với Đài Deutsche Welle của Đức.

Từ các văn phòng bầu cử ở thị trấn nhỏ hay các trung tâm lớn của mỗi bang, hơn 3.000 nhân viên của Edison Research sẽ gửi dữ liệu kết quả đến nhóm trung tâm của công ty. Họ cũng tiến hành các cuộc khảo sát ý định bỏ phiếu bằng cách hỏi cử tri rằng họ đã bỏ phiếu ra sao khi rời khỏi điểm bỏ phiếu để nắm thông tin "trong cuộc" ngay từ khi các điểm bỏ phiếu mở cửa vào ngày 5-11.

Đối với cử tri đi bỏ phiếu sớm (ông Lenski ước tính gần một nửa số phiếu sẽ được bỏ trước ngày 5-11), nhóm của ông tiến hành các cuộc thăm dò ý kiến bỏ phiếu tương tự tại các trung tâm bỏ phiếu sớm và sử dụng "các cuộc khảo sát đa phương thức" đối với cử tri bỏ phiếu qua thư để ước định chính xác nhóm cử tri này. 

Những dữ liệu này sau đó được đưa vào một mô hình giúp xác định người thắng cuộc khi kết quả thực tế bắt đầu được công bố.

Trong khi đó, Phó chủ tịch AP David Scott cho biết AP VoteCast sử dụng thông tin như kiểm phiếu trực tiếp cũng như đăng ký cử tri, bỏ phiếu sớm, kết quả trước đó, các quy tắc công bố kết quả để xác định người chiến thắng trong cuộc bầu cử.

Trông chờ gì vào đêm bầu cử?

Các phương tiện truyền thông có thể không công bố được kết quả của một số bang của Mỹ trong đêm bầu cử, hoặc phải mất nhiều ngày.

Liệu một công ty truyền thông có thể tách khỏi nhóm và tuyên bố kết quả sớm hay không?Điều này không thường xảy ra, nhưng các phương tiện truyền thông có đưa ra kết quả của riêng mình. 

Tình huống này từng xảy ra năm 2020 khi Fox News, một khách hàng của AP VoteCheck, tuyên bố ông Joe Biden thắng ông Donald Trump trong cuộc đua sít sao ở bang Arizona. AP ngay sau đó cũng công bố tương tự. Còn nhóm NEP công bố kết quả 9 ngày sau bầu cử.

"Các mô hình máy tính của chúng tôi được lập trình để khuyến cáo công bố kết quả khi tự tin 99,5% có thể dự đoán được người chiến thắng", ông Lenski giải thích, tuy nhiên cho rằng việc này sẽ do nhóm phân tích con người quyết định.

Như vậy, nếu các cuộc thăm dò hiện tại là đáng tin cậy, kết quả một số tiểu bang dao động của Mỹ sẽ không rõ ràng ngay sau ngày 5-11.

Để không bỏ lỡ các thông tin liên quan bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024, mời bạn đọc theo dõi trên Tuổi Trẻ Online tại đây.

Tại sao kết quả bầu cử Mỹ được công bố trên truyền thông? - Ảnh 4.Bầu cử tổng thống Mỹ: Cuộc đua không thể đoán trước

Khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang ngày càng tiến gần hơn đến "giờ G", khoảng cách giữa Phó tổng thống Kamala Harris và cựu tổng thống Donald Trump đang cực kỳ sít sao trong các cuộc thăm dò cử tri trước bầu cử.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên