Ngày 11-9, Trường đại học Luật TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia về xác thực thông tin doanh nghiệp, thu hút nhiều ý kiến chuyên gia góp ý.
"Bỗng dưng thành giám đốc", lừa đảo gia tăng
Về tầm quan trọng của thông tin doanh nghiệp, PGS.TS Nguyễn Văn Vân - giảng viên Trường đại học Luật TP.HCM - cho rằng nhu cầu thu thập và phân tích, xử lý thông tin doanh nghiệp để đưa ra quyết định là một trong những yếu tố then chốt trong hoạt động kinh doanh.
Vì vậy thông tin doanh nghiệp được công bố kịp thời, chính xác, minh bạch sẽ bảo đảm hoạt động kinh doanh không rơi vào tình trạng may rủi.
Báo cáo tại hội thảo, đại diện Cơ quan an ninh điều tra Công an TP.HCM nói pháp luật quy định thông thoáng trong thành lập và hoạt động doanh nghiệp bên cạnh mặt tích cực thì cũng kéo theo các vụ án liên quan kinh tế, tham nhũng tăng.
Qua 6 tháng của năm 2024, công an phát hiện 3.000 vụ phạm tội liên quan đến tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, tăng 21,63% so với cùng kỳ năm 2023.
Thời gian qua đã xảy ra một số thực trạng như: cho mượn tên để thành lập doanh nghiệp "ma", mua cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp; mạo danh ký khống điều lệ; khai khống vốn điều lệ, tài sản và thông tin, hồ sơ doanh nghiệp nhằm chiếm đoạt tài sản (như vụ Tân Hoàng Minh); sửa đổi và giả mạo các biên bản nội bộ của doanh nghiệp (vụ FLC)… Vì vậy việc thắt chặt cơ chế xác thực thông tin sẽ giúp giảm thiểu rủi ro, bảo vệ sự minh bạch của thị trường kinh tế.
Cùng nêu thực trạng về các vụ án tranh chấp kinh doanh thương mại gia tăng, thẩm phán Nguyễn Thị Thùy Dung, phó chánh án Tòa án nhân dân TP.HCM, cho hay qua thực tiễn xét xử, tòa nhận thấy việc chuyển nhượng dự án bất động sản, tăng vốn điều lệ, mua bán cổ phiếu... thông tin rất "ảo", có dấu hiệu hình sự và không ít vụ tòa phải chuyển hồ sơ sang cho cơ quan điều tra.
"Tại sao hiện nay quy định chuyển nhượng xe máy chỉ vài triệu đồng đã phải công chứng, trong khi chuyển nhượng vốn hàng tỉ, trăm tỉ đồng lại không công chứng. Cần xem xét về quy định xác thực thông tin doanh nghiệp để hạn chế rủi ro cho hoạt động kinh tế...", thẩm phán Dung góp ý.
Nên công chứng điều lệ công ty?
Đề xuất giải pháp, TS Ninh Thị Hiền - trưởng Văn phòng công chứng Ninh Thị Hiền - đề nghị nên bổ sung quy định về thủ tục để xác thực, công chứng đối với điều lệ công ty vào dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) lần này.
Bởi lẽ điều lệ công ty là văn bản có giá trị, chứa đựng nhiều thông tin quan trọng của doanh nghiệp. Khi xác thực điều lệ bởi tổ chức công chứng sẽ giúp bảo vệ hoạt động trung thực, minh bạch cho các thành viên góp vốn, cổ đông của doanh nghiệp và cả bên thứ ba.
Gợi mở các vấn đề liên quan, GS.TS Đỗ Văn Đại - phó hiệu trưởng Trường đại học Luật TP.HCM - cho rằng thực tế hiện nay một số thông tin doanh nghiệp ở Việt Nam đã có cơ chế đảm bảo tính xác thực, mặc dù không cần có sự tham gia của công chứng như những thông tin được ghi nhận trong giấy chứng nhận đầu tư, hay thông tin được ghi nhận trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do cơ quan nhà nước cấp.
Nay nếu bổ sung thêm công chứng xác thực thông tin doanh nghiệp trong Luật Công chứng đang được sửa đổi, cần lưu ý đánh giá kỹ về hiệu quả của việc bổ sung quy định này.
Bên cạnh đó, cần xác định thông tin nào của doanh nghiệp phải công chứng, thông tin nào có thể yêu cầu công chứng theo nhu cầu.
"Đồng thời doanh nghiệp biến động nhanh nên thông tin doanh nghiệp cũng cần cập nhật liên tục. Vì vậy cần lưu ý về hệ quả thông tin đã công chứng rồi thì phải cập nhật thế nào...", ông Đại lưu ý.
Nhiều chuyên gia góp ý tại hội thảo cũng nhận định rằng điều lệ và tài liệu nội bộ doanh nghiệp nếu được công chứng sẽ là chứng cứ không cần phải chứng minh khi giải quyết các tranh chấp nội bộ công ty, sự tin cậy cho bên thứ ba và cơ quan quản lý nhà nước… Tuy nhiên cũng góp ý các vướng mắc liên quan để hoàn thiện về đề xuất công chứng xác thực thông tin doanh nghiệp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận