Sách do NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành - Ảnh: L.ĐIỀN
Tác giả là TS. Lê Vĩnh Trương. Ông vừa trao đổi với Tuổi Trẻ sau khi quyển sách có giá trị tư liệu của mình đã được xuất bản.
* Có lẽ GS Đỗ Tiến Sâm đã đồng cảm với ông khi cho rằng "cuốn sách hội tụ ba điểm mạnh" khi TS Lê Vĩnh Trương "nhìn nhận và lý giải sự trỗi dậy của Trung Quốc". Về phía tác giả, ông có thể nói ngắn gọn từ 3 đến 4 điểm lớn đáng chú ý về chiến lược phát triển của Trung Quốc?
- Cảm ơn GS Sâm và phóng viên đã động viên. Trên góc nhìn địa chính trị, tôi thấy có các điểm sau ở một Trung Quốc trỗi dậy, mà Việt Nam có thể tham khảo và gạn lọc.
Thứ nhất: Đó là lời kêu gọi trỗi dậy (quật khởi) - nay đổi thành phục hưng, đến toàn dân khiến Bắc Kinh về thực chất đã bỏ "thao quang dưỡng hối" (PV - Chiến lược “ẩn mình chờ thời” dưới thời cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình) chọn quyết tâm Made in China 2025, thậm chí có tham vọng chia đôi địa cầu, và tiến đến thống lĩnh thế giới.
Họ đưa ra nhiều nhiệm vụ tham vọng kích thích dân chúng đi theo, song cũng chính họ buộc phải một mặt vừa chiều theo tinh thần dân tộc, mặt khác vừa phải xử lý các vấn đề đối ngoại nhạy cảm ở nhiều điểm nóng.
Thứ hai: Quốc lực Trung Quốc đang vươn ra ngoài không dễ kiểm soát ở các chương trình lớn như Vành đai Con đường (BRI), các căn cứ quân sự… qua các nước kém phát triển và dưới sự kiểm soát thiếu phản biện của Bắc Kinh. Điều này dễ đưa đến những nhũng lạm và là mối nguy cho chính Trung Quốc, mà người trả giá trước hết là nhân dân Trung Quốc.
Thứ ba: Việc tập trung được sức mạnh kinh tế tài chính để xử lý đối nội, đối ngoại là đặc thù của Bắc Kinh ngày nay. Nếu các khiếm khuyết của nền kinh tế bộc lộ lớn như tại cuộc thương chiến Mỹ Trung 2018-2019, việc bọc lót không phải là đơn giản và sẽ nảy sinh bạo loạn ở nhiều quy mô mà Hong Kong là một ví dụ.
Thứ tư: Bắc Kinh quá tự tin vào sức mạnh kinh tế, quân sự và để nhiều lỗ hổng ở ngoại giao, sức mạnh mềm đối với nhiều quốc gia tương tác, Họ bất cần đồng minh, chỉ cần chư hầu. Đây là điểm yếu cốt tử trên phương diện địa chính trị.
TS Lê Vĩnh Trương - Ảnh: L.Đ.
* Từ quá trình tìm kiếm tài liệu và nghiên cứu một cách có hệ thống về sự trỗi dậy của Trung Quốc, có bao giờ ông nghĩ: Tại sao Việt Nam chưa trỗi dậy?
- Tôi may mắn tiếp cận được nhiều tài liệu nghiên cứu ở Quỹ Nghiên cứu Biển Đông cùng gợi ý từ học giả Phạm Hoàng Quân, nên muốn giới thiệu cho mọi người cùng tham khảo, song việc nghiên cứu này còn cần bổ túc nhiều.
Trông người mà-không-gẫm đến ta thì cũng… "uổng". Mỗi nước có cơ sở thực tiễn và lý luận khác biệt. Học tập mô hình tiến bộ của các nước trên thế giới để hòa nhập vào trào lưu chung là điều mà giới làm chính sách cần nhận rõ.
Tôi cho rằng giới chính sách có thể vận dụng đặc thù địa chính trị Việt và quan sát lịch sử bốn ngàn năm của dân tộc trong xây dựng và phát triển đất nước chứ không nhất thiết phải mượn mô hình đã có những khiếm khuyết.
Việt Nam ở một mức khác, một không gian hành động khác và sẽ vẫn vươn lên theo cách của chính mình. Tôi tin rằng gạn lọc từ hình mẫu không chỉ của Trung Quốc mà của các nước trên thế giới trên phương diện địa chính trị và thể chế, Việt Nam sẽ có cơ hội hưng thịnh và tự do mà không cần phải hô to gọi giật.
* Khi bắt đầu viết quyển sách này, ông nghĩ mình sẽ nói gì với độc giả Việt Nam (và có thể cả các nước khác nữa) thông qua cuốn sách? Và nay, khi sách xuất bản, điều ông định nói đó có thay đổi gì không? Đó là những thông điệp gì?
- Tôi cho rằng nhìn ra rõ vấn đề là một bước để giải quyết vấn đề. Tôi được tiếp cận tài liệu nghiên cứu của các nước về địa chính trị Việt - Trung nên tôi mong muốn giới thiệu đến độc giả các tư liệu này.
Tư liệu ở nhiều nguồn, nhiều thời kỳ sẽ trao cho người đọc thêm góc nhìn để nhìn rõ vấn đề, từ đó có lựa chọn tốt cho công việc của từng cá nhân ở các môi trường làm việc khác nhau như chính giới, học giới, doanh giới và những ai hứng thú đối với lĩnh vực này.
Không thể phục tùng vô điều kiện một quan điểm nào từ bất kỳ phía nào. Chỉ có sự thật khách quan mới có thể làm nền tảng để xử lý quan hệ Việt-Trung trong tương tác với các quan hệ khác.
Đương nhiên và quan trọng hơn cả là sức mạnh tổng hợp quốc gia: bao hàm nhiều yếu tố trọng yếu khác như kinh tế, quân sự, xã hội dân sự bên cạnh [nhận thức và] sức mạnh địa chính trị của chúng ta.
Đưa thông tin để tạo điều kiện tiếp cận sự thật là công việc của người sưu tầm, nghiên cứu. Đây cũng là công việc thuộc nghĩa vụ công dân và trách nhiệm của người quan sát trung thực.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận