TTCT - Sau đại dịch Covid 19, nhiều công nhân ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai thất nghiệp đã gia nhập đội quân bán vé số. May mắn còn được đi bán vé sốChạng vạng ngày cuối tháng 7, cơn mưa nặng hạt trút xuống TP Rạch Giá (Kiên Giang). Anh Trang Văn Hiền (34 tuổi) cầm xấp vé số đứng nép bên hiên cửa hàng bán đồ trẻ em nhìn qua quán nhậu bên cạnh chần chừ không dám bước vô quán bán vé số. Người bảo vệ quán nói chủ mới ra lệnh cấm người bán vé số và hàng rong vô quán vì gần đây xuất hiện nhiều người lạ bán vé số ra vào quán, khách bị mất tài sản mà không truy ra người trộm.Nhiều người thất nghiệp chọn bán vé số để mưu sinh. Ảnh: Tiến TrìnhMấy năm trước, vợ chồng anh Hiền gửi con nhỏ cho bà ngoại, lên Bình Dương làm công nhân. Lương hai vợ chồng công nhân gần 20 triệu, tháng nào tăng ca nhiều thì cao hơn. Họ chi tiêu tiết kiệm, để dành nửa thu nhập mỗi tháng nuôi ước mơ kiếm vốn về quê mở tiệm tạp hóa. Nhưng đại dịch ập tới, họ theo dòng người rồng rắn tháo chạy khỏi các khu nhà trọ xứ công nghiệp để về quê. Qua dịch, vợ chồng anh muốn đi làm công ty cũ nhưng chờ nhiều tháng không được gọi làm việc. Họ trở lại Bình Dương tìm việc mới.Nhưng lần trở lại này tình hình đã rất khác. Các khu công nghiệp đều trong tình trạng người nhiều hơn việc nên các công ty đưa ra nhiều điều kiện tuyển công nhân khắt khe hơn. Vợ chồng anh Hiền tìm được việc nhưng lương thấp, lại làm ít thời gian vì thiếu đơn hàng. Tiền làm ra không đủ chi tiền trọ, tiền ăn, điện, nước, nuôi con nên tiền dành dụm trước kia cũng vơi dần. Anh Hiền quyết định hồi hương lần nữa, về TP Rạch Giá xin việc. Ban đầu, anh giữ xe, vợ rửa chén nhưng không được bao lâu thì buôn bán ế ẩm nên chủ không thuê nữa.Giữa những ngày thất nghiệp, nghe nhiều người nói vé số vẫn bán chạy, họ quyết định bán vé số kiếm sống. "Ban đầu tôi nghĩ bán vé số dễ nhưng "vô nghề" rồi mới biết cũng phải đi sớm về khuya mới không ôm vé số ế. Chiều lãnh số xong đi bán tới khuya, sáng ra khỏi nhà sớm để bán cho những người uống cà phê sáng", anh Hiền kể.Họ cũng đối diện một cuộc cạnh tranh lớn, vì thời gian gần đây công nhân thất nghiệp về quê bán vé số nhiều hơn. Bù lại, người mua vé số ngày càng nhiều, các đại lý cũng không bắt ôm vé số ế nên thu nhập của hai vợ chồng đủ trang trải cuộc sống. Mỗi ngày họ bán hết 400 vé, kiếm được hơn 10 triệu đồng/tháng. "May mà có nghề bán vé số cứu vớt gia đình qua cơn thất nghiệp thời khủng hoảng. Trước giờ tụi tui là lao động phổ thông, không tay nghề, không kiến thức, không vốn liếng, ruộng đất ở quê không có, không bán vé số thì không biết sống ra sao" - anh Hiền thiệt thà.Trước đây bà Nguyễn Thị Bé Sáu (huyện Tân Phước, Tiền Giang) làm công nhân trong nhà máy chế biến thủy sản ở Long An. Tưởng qua khỏi đợt dịch thì công việc sẽ ổn định, ngờ đâu công ty thiếu đơn hàng cắt hợp đồng với hàng loạt công nhân, bà Sáu cũng mất việc. Sau mấy tháng ròng cầm đơn xin việc đi khắp các công ty ở Tiền Giang nhưng không nơi nào nhận, bà Sáu làm cho một lò mổ ở Tiền Giang. Nhưng thời gian sau lò mổ cũng ít lãi, cho người làm nghỉ bớt để giảm chi phí, bà Sáu thất nghiệp lần nữa. Bà bất đắc dĩ gia nhập đội quân bán vé số vì không muốn ăn không ngồi rồi, thành gánh nặng kinh tế cho con cái. "Những ngày đầu tôi còn không biết rao bán, mời khách như thế nào. Rồi có khi bị chửi bới, xua đuổi vì bị những người bán vé số khác cho là "xâm phạm địa bàn" của họ, tôi chỉ biết đứng khóc", bà Sáu nhớ lại.Bà nói: "Với tôi, giờ bán vé số là công việc vừa sức, đỡ đần được kinh tế gia đình, bản thân thấy mình không vô tích sự. Bán hết 100 vé mỗi ngày, tôi về chơi với cháu. Tính ra cuộc sống cũng không quá khó khăn".Với bà Hà Thị Thu (quê Mộ Đức, Quảng Ngãi) thì: "So với nhiều người đang thất nghiệp, tôi đi bán vé số, có tiền để sống qua giai đoạn kinh tế khó khăn đã là may mắn". Trước đây, bà Thu làm công nhân cắt chỉ và ủi quần áo tại một cơ sở may ở Hóc Môn. Đầu năm 2023, cơ sở này sa thải bớt công nhân vì ít đơn hàng, bà Thu tìm việc nhiều nơi nhưng vì bà đã hơn 40 tuổi nên không nơi nào nhận. Cùng đường, bà Thu đi bán vé số."Mỗi ngày tôi chỉ nhận bán 100 tờ vé số chứ đi xa không nổi. Bán mỗi tờ vé số chỉ lời 1.000 đồng, bán hết 100 vé là may mắn" - bà Thu kể. Để giảm chi phí, bà trả phòng trọ, ăn ngủ tại đại lý vé số với chi phí mỗi đêm 15.000 đồng. "Đi bán vé số ngoài đường, nắng mưa chịu đủ, tai nạn không biết đến lúc nào. Khách vui thì họ mua, có người vô cớ mắng mỏ, cáu gắt, lại còn sợ bị người ta giật vé số… chẳng có hợp đồng, bảo hiểm hay bất kỳ chế độ phúc lợi nào. Thôi thì tới đâu hay tới đó. Trước mắt tôi còn sức khỏe, còn biết cách kiếm tiền nên không thể ngồi không sống nhờ người thân hay xã hội", bà Thu nói.Ổn định hơn công nhân?Trước kia, ông Thạch Sên (42 tuổi), quê ở huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, từng lăn lộn nhiều nghề rồi lên Đồng Nai làm công nhân. Cuộc sống đang ổn định thì dịch ập đến, ông về quê bán vé số đắp đổi qua ngày. Ban đầu, ông Sên lãnh 100 vé mỗi ngày, đạp xe bán cho xóm giềng, khách đi chợ "chút là bán hết".Cách đây một năm, nhiều người ở quê ông đi làm công nhân trên Bình Dương, Đồng Nai cũng trở về quê sống. Ban đầu họ còn lân la đi tìm việc làm mướn nhưng người thì nhiều mà công việc ít nên lâu dần họ cũng quay sang bán vé số kiếm sống. Có xóm nhỏ hơn trăm nóc nhà mà năm bảy người bán vé số.Thấy ở quê không dễ làm ăn nên ông Sên lên Cần Thơ làm bảo vệ và giữ xe. Làm bảo vệ nắng mưa vất vả lương cũng không đủ sống. Thấy dân Cần Thơ "chơi vé số quá trời", ông Sên trở lại bán vé số. Hai vợ chồng ông bán một ngày được vài trăm tờ vé số, cuộc sống ổn định hơn, lại có tiền tiết kiệm. "Giờ thấy bán vé số ổn định hơn làm công nhân. Vợ chồng con trai tui làm công nhân ở Đồng Nai nhưng "bữa đực bữa cái", lương thấp không đủ chi cho tiền trọ, tiền cơm. Tôi định kêu vợ chồng nó về Cần Thơ bán vé số cho dễ sống", ông Thạch Sên chia sẻ.Bà Bé Sáu (phải) bán vé số mưu sinh sau khi rời nhà máy. Ảnh: MẬU TRƯỜNGKhông chỉ có những công nhân lớn tuổi mới chọn bán vé số vì khó xin việc mới, nhiều công nhân trẻ mất việc cũng chọn bán vé số sau khi rời nhà máy. Chị Trần Lan Thảo (32 tuổi) quê ở huyện Hòn Đất, Kiên Giang nguyên là công nhân làm tại một nhà máy chế biến nhựa ở Bình Dương. Chị Thảo về quê tránh dịch định bán vé số sống tạm rồi đi tìm việc làm nhưng thu nhập từ bán vé số khá ổn định nên chị theo "nghề" đến giờ, không trở lại Bình Dương tìm việc như nhiều công nhân khác. Chị kể trước đây chỉ có người ở thành phố hay mua vé số, giờ ở nông thôn người ta cũng mua vé số nhiều, vé số ở các đảo bán còn "chạy" hơn ở nông thôn. Mấy hôm trước, có người ở đảo Nam Du trúng số nên mấy ngày nay chị bán đắt hơn, rảo chút buổi sáng đã bán được 100 tờ. Thời buổi khó khăn nên nhiều người mua vé số cầu may, mỗi khi có tin trúng số là người ta mua nhiều hơn. Mỗi ngày chị Thảo cũng để dành lại một vé mong vận may mỉm cười với mình. "Hôm trước có người mua vé số của tôi trúng giải an ủi, ổng cho tôi ít tiền. Sau đó nhiều người mua vé số của tôi hơn vì họ nghĩ mua vé số của tôi may mắn", chị Thảo kể.■ Người bán vé số dạo tăng 2-3 lần?Theo anh Minh Duy (đại lý vé số Minh Phúc, Vĩnh Long), lượng người bán vé số dạo bây giờ tăng gấp 2-3 lần so với trước dịch Covid-19. Trước đây mỗi đại lý có khoảng 100 người bán dạo lấy vé số, nay tăng lên 200, thậm chí 300 người bán dạo.Trước kia, giải thưởng đặc biệt có 14 vé, bây giờ còn 12 vé nhưng người mua vẫn không giảm. Lúc còn ít người bán dạo, các đại lý không giới hạn số vé, để người bán dạo có sức bán bao nhiêu lấy bấy nhiêu. Nay có nhiều người lấy vé bán dạo nên hầu hết các đại lý vé số phân phối số lượng hạn chế cho mỗi người để ai cũng có vé số bán.Chủ một đại lý vé số trên đường 30-4 ( Cần Thơ) chia sẻ: "Những người bán vé số thường là người già yếu, trẻ em, người khuyết tật. Nhưng gần đây, nhiều người bán vé số dạo là người trẻ, họ là công nhân bị mất việc từ các đợt cắt giảm lao động của các nhà máy, doanh nghiệp lớn ở TP.HCM, Bình Dương, Cần Thơ, Tiền Giang. Những người bán dạo mới nói họ đi khắp các nơi vẫn không xin được việc, nếu không đi bán vé số thì không biết lấy gì sống".Vì thế, nhiều người bán vé số cho biết trước đây mỗi ngày họ có thể bán được 300 vé nhưng nay chỉ bán được hơn 100 vé là nhiều. Dù người mua vé số tăng nhưng số người bán vé số cũng tăng, số lượng vé bán được của mỗi người giảm. Tags: Bán vé sốKhủng hoảng kinh tếCông nhân mất việcTrúng sốCạnh tranhBuôn bán ế ẩm
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Ông Phan Văn Mãi: TP.HCM phải 'đá tiền đạo' khi đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình THẢO LÊ 23/12/2024 Ví như một đội bóng, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi xác định TP.HCM phải nằm trong đội hình chính và có vai trò đá tiền đạo.
Công bố Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2025 với nhiều nội dung mới TRỌNG NHÂN 23/12/2024 Ngoài tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp, năm 2025, báo Tuổi Trẻ tổ chức thêm ba ngày hội Tự tin vào lớp 10 tại TP.HCM và Hà Nội.
Quyền lực của tỉ phú Elon Musk lớn cỡ nào? DUY LINH 23/12/2024 Sự kết hợp giữa tỉ phú Elon Musk và Tổng thống đắc cử Donald Trump đang bắt đầu tạo ra những cơn sóng làm chao đảo chính trường Mỹ.
Houthi tuyên bố tấn công tàu sân bay USS Harry Truman, hạ tiêm kích của Mỹ THANH BÌNH 23/12/2024 Lực lượng Houthi tuyên bố đã tấn công tàu sân bay USS Harry Truman của hải quân Mỹ ở Biển Đỏ và bắn hạ một chiếc tiêm kích F/A-18.