Học sinh Trường tiểu học Nguyễn Du (TP Biên Hòa) lên xe đưa về nhà giáo viên sau khi tan trường - Ảnh: A LỘC
Cùng lúc đó, tỉnh Đồng Nai đang tìm cách đưa cơ sở vệ tinh vào nề nếp thì xuất hiện khoảng trống khác khiến phụ huynh lo lắng: chất lượng bữa ăn và an toàn giao thông.
Điều đó càng khiến xã hội mong muốn sớm có những quy định cụ thể, hoạt động kiểm tra... cho hoạt động này.
Kiểm tra bữa ăn ở điểm giữ trẻ ra sao?
Theo chị Hải - phụ huynh có con đang học ở một trường tiểu học có tiếng tại TP Biên Hòa, mỗi tháng đóng tiền gửi trẻ gồm tiền học, tiền ăn, tiền xe vận chuyển là 1,2 triệu đồng.
Chị đến chỗ con học thấy giáo viên kèm cặp từng trẻ, công khai bữa ăn mỗi bữa của trẻ làm chị cảm thấy vui. "Nhưng có điều lo bởi giáo viên thường thuê mặt bằng lớn vừa làm chỗ dạy vừa bố trí chỗ ăn, nên tôi và nhiều phụ huynh không biết nguồn nước, nguồn thực phẩm có an toàn, bữa ăn có chất lượng không?" - chị Hải nói.
Còn chị N. (ngụ P.Long Bình, TP Biên Hòa) cho biết con chị học ở Trường tiểu học Nguyễn Chí Thanh (KP 6, P.Long Bình). Mỗi tháng chị phải đóng phí khoảng 1,2 triệu đồng gồm tiền đưa đón, ăn uống, dạy thêm từ trưa đến chiều cho con. Tuy nhiên, theo chị N., một trong những bức xúc mà chị N. nhiều lần phản ảnh là khẩu phần ăn của con thiếu chất, không rõ nguồn gốc.
"Tiền thì tháng nào cũng thu đủ nhưng mỗi ngày chỉ có một món, hết trứng lại thịt quay vòng ăn cùng canh "đại dương". Con tôi về kể nếu không ăn thì bị người nhà giáo viên quát mắng. Mỗi lần phụ huynh ý kiến thì giáo viên có thay đổi chút rồi đâu lại vào đó" - chị N. bức xúc.
Theo chị N., chỗ con chị học là giáo viên dạy tiểu học, rồi sau đó về đi chợ hoặc nhờ người mua đồ về nấu ăn luôn cho học sinh như trong gia đình. Đã lo chất lượng bữa ăn lại thấy cơ sở nhếch nhác, chật hẹp, thiếu vệ sinh.
Để quản lý hàng chục con người, người nhà giáo viên được huy động hỗ trợ, nhiều khi còn kiêm luôn việc dạy học cho học sinh khi giáo viên có việc đi vắng. Chị N. giải thích thường phụ huynh - giáo viên thỏa thuận về việc dạy học, nhưng các cơ quan chức năng cần sớm có quy định cụ thể về các hoạt động ở những cơ sở này, nhất là vệ sinh an toàn thực phẩm cho học sinh...
Trong khi đó, ông Phan Huy Anh Vũ - giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai - cho biết: "Các đơn vị của sở chỉ kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm các cơ sở có đăng ký kinh doanh.
Đối với bếp ăn ở các nhà cô giáo nấu cho học sinh ăn thì ngoài thẩm quyền kiểm tra của sở. Vấn đề này đang có khoảng trống. Vì vậy, để tránh những rủi ro như xảy ra ngộ độc... chính quyền cơ sở tăng cường việc phối hợp kiểm tra, nhắc nhở ở những điểm dạy học kiểu này".
Đại diện Sở GD-ĐT Đồng Nai cho hay hiện phụ huynh trên địa bàn có nhu cầu gửi con vào học trường bán trú rất lớn.
Vì vậy, sở đã tổ chức huấn luyện chuyên môn cho cán bộ phụ trách bán trú xây dựng được thực đơn đa dạng, đảm bảo dinh dưỡng phù hợp với từng lứa tuổi học sinh, nâng cao chất lượng bữa ăn học đường. Tuy nhiên, việc kiểm tra, kiểm soát bữa ăn ở các cơ sở giữ trẻ theo sự thỏa thuận giữa phụ huynh và giáo viên còn gặp khó khăn.
Xe đưa rước học sinh không có "phù hiệu"
Một nỗi lo khác của nhiều phụ huynh hiện nay là việc đưa rước học sinh đến các điểm học bán trú. Chị Tuyết có con học tiểu học ở trung tâm TP Biên Hòa tâm sự: "Ngày đầu tiên tôi đi xe máy chạy theo ôtô đang chở con để biết địa chỉ nhà cô giáo mới thấy được nỗi lo. Lúc đó vừa tan trường, xe khách mười mấy chỗ nhưng tài xế cho dồn hết hơn 20 em học sinh vào. Nhìn cảnh này nóng nực rồi chứng kiến tài xế phóng nhanh, tôi rất lo cho con mình...".
Nhắc đến tâm trạng của phụ huynh, anh L., tài xế xe hợp đồng đưa đón học sinh trên địa bàn TP Biên Hòa, nói: "Hiện tình trạng xe đưa đón học sinh hết hạn sử dụng, xuống cấp đã giảm, nhưng vẫn có một số xe cơi nới, chỉnh sửa băng ghế để chở được nhiều học sinh hơn nhưng lại gây nguy hiểm cho các em. Riêng tình trạng chở quá số người vẫn diễn ra rất nhiều".
Đề cập việc này, đại diện Sở GD-ĐT giải thích: "Trước và đầu năm học, sở đã có văn bản đề nghị các phòng GD-ĐT, các trường phải quản lý, hợp đồng xe đưa rước học sinh đảm bảo chất lượng, có đăng ký, đăng kiểm... Sở vừa tiếp tục có văn bản nhắc nhở, yêu cầu người đứng đầu ở các đơn vị, trường học phải có trách nhiệm trong việc quản lý xe đưa rước học sinh.
Chúng tôi sẽ giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm túc việc này". Trong khi đó, một hiệu trưởng trường tiểu học cho hay: "Giáo viên chọn xe và họ có trách nhiệm báo cho nhà trường về tài xế, chất lượng xe đảm bảo các điều kiện theo quy định, chứ không thể buộc họ chọn xe buýt hay xe nào khác".
Sẽ lưu mẫu thức ăn như trường bán trú
Một lãnh đạo Phòng GD-ĐT TP Biên Hòa cho hay do điều kiện mỗi nơi mỗi khác nên phụ huynh làm đơn xin gửi con mình ở nhà giáo viên để giáo viên lo luôn việc học, ăn uống giữa buổi đã trở nên phổ biến.
Vấn đề mới phát sinh lại ở việc kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm ở những nơi này khó thực hiện vì phòng GD-ĐT không có chức năng vào nhà giáo viên kiểm tra những việc này.
"Do đó, để phụ huynh an tâm hơn về chất lượng bữa ăn, sắp tới phòng sẽ đề nghị các trường phối hợp với chính quyền phường, xã kiểm tra việc giữ trẻ ngoài giờ học như điều kiện phòng học, đồng thời đề nghị cả việc lưu mẫu thức ăn… như ở các trường bán trú" - vị này giải thích.
Hầu hết là xe cũ đưa rước học sinh
Ông Trịnh Tuấn Liêm - giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Nai - nói: "Thời gian qua, nhiều phụ huynh và nhà trường đã hợp đồng thuê xe đưa đón con em đến trường là cần thiết. Tuy nhiên, đáng báo động là chất lượng các xe dùng để đưa đón học sinh.
Các bậc phụ huynh ít quan tâm vấn đề này vì nghĩ xe chỉ đưa một đoạn đường ngắn, giá thành phù hợp, xe người quen. Còn chất lượng xe ra sao thì chủ xe lo.
Trong khi hầu hết xe đưa đón học sinh đều là xe cũ, mua giá rẻ, sửa chữa lại để đưa rước học sinh kiểu tự phát. Thậm chí ghế ngồi cũng được "chế" thêm để nhồi nhét học sinh…".
Cụ thể, qua kiểm tra 78 xe đưa rước học sinh thì có đến 27 xe không có phù hiệu. Theo ông Liêm, hiện sở vẫn đang phối hợp với sở GD-ĐT, công an kiểm tra, xử lý nghiêm các xe đưa rước học sinh vi phạm an toàn giao thông…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận