11/05/2019 11:46 GMT+7

Bạn trẻ lên vùng cao dạy tiếng Anh, giúp bà con làm du lịch

HÀ THANH - MAI THƯƠNG
HÀ THANH - MAI THƯƠNG

TTO - Không chọn xây dựng điện - đường - trường - trạm, nhóm bạn trẻ đến với bà con ở nhiều vùng đất hoang sơ nhưng có tiềm năng du lịch, giúp bà con làm du lịch cộng đồng, dạy tiếng Anh cho những đứa trẻ.

Bạn trẻ lên vùng cao dạy tiếng Anh, giúp bà con làm du lịch - Ảnh 1.

Nhóm bạn trẻ VEO hướng dẫn các em ở xã Hồng Thái, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang tham gia các hoạt động nâng cao kỹ năng - Ảnh: HÀ THANH

Tối thứ sáu, nhóm bạn trẻ thuộc tổ chức tình nguyện Volunteer for education (viết tắt là VEO) khoác balô trên vai, tham gia chuyến xe khách lên miền ngược. Điểm đến của họ hôm nay là thôn Khâu Tràng, xã Hồng Thái, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang.

Hình thức dạy học của tổ chức tình nguyện VEO phần nào giúp các em nuôi dưỡng đam mê đọc sách và ước mơ của mình.

Nguyễn Thúy Quỳnh


Khơi niềm đam mê đọc sách

Sinh viên Nguyễn Thị Hải Yến (ĐHQG Hà Nội, điều phối viên điểm dự án du lịch Na Hang) nhớ lại chuyến khảo sát đầu tiên đến bản làng người Dao Tiền ở xã Hồng Thái. 

"Thiên nhiên đẹp, hoang sơ, chưa nhiều người biết đến. Bản làng có tiềm năng phát triển du lịch, tại sao mình không giúp bà con?", ý tưởng đó thôi thúc các tình nguyện viên quyết định thành lập dự án du lịch cộng đồng ở xã Hồng Thái, huyện Na Hang.

Hơn 7 giờ đồng hồ vượt những cung đường ngoằn ngoèo, ai cũng say xe mệt lả nhưng xe vừa dừng lại, họ khoan khoái hít một hơi đầy không khí mát lành của Hồng Thái. Cất vội balô, các bạn mang theo sách vở đến với học sinh Trường tiểu học và THCS Hồng Thái. 

Những đứa trẻ được tiếp cận với các kỹ năng nghe, đọc tiếng Anh tỏ ra thích thú. Cậu bé Triệu Quốc Đạt (học sinh lớp 3A) luôn xung phong phát âm từ vựng mới. Em phát âm khá chuẩn nên được các anh chị tình nguyện viên trao nhiều phần quà nhất. Vừa nhận quà, Đạt vừa bày tỏ: "Những lần sau các anh chị nhớ lên đây nhiều hơn nghe".

Ở vùng cao, trẻ em chưa được học tiếng Anh hay các kỹ năng cần thiết nhiều. Chính ước muốn của Đạt và nhiều em nhỏ là động lực để các bạn trẻ mở lớp dạy học tiếng Anh. 

"Chúng tôi mang con chữ đến các bản làng bằng giáo án tiếng Anh, khoa học, kỹ năng, lịch sử... Hình thức dạy học của VEO phần nào giúp các em nuôi dưỡng đam mê đọc sách và ước mơ của mình" - bạn Nguyễn Thúy Quỳnh, điều phối viên của dự án, chia sẻ. 

Quỳnh cho biết thêm việc dạy tiếng Anh sẽ hỗ trợ người dân đón tiếp du khách nước ngoài đến tham quan, trải nghiệm văn hóa cộng đồng dễ dàng hơn, nhờ đó bà con tăng thêm thu nhập.

Cho đi, nhận lại hạnh phúc

Trải nghiệm du lịch kết hợp tổ chức hoạt động tình nguyện là hình thức mà VEO theo đuổi suốt 5 năm qua. Không chỉ đơn thuần là du lịch, khám phá cảnh đẹp thiên nhiên, các bạn trẻ còn có cơ hội giúp đỡ những bản làng xa xôi. 

Từ điểm đầu tiên trên "bản đồ du lịch của VEO" là Bản Lác 2 (huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình), đến nay hàng trăm tình nguyện viên đã ghi dấu chân tại nhiều địa điểm nổi tiếng ở phía Bắc như Lô Lô Chải (Hà Giang), thác Bản Giốc (Cao Bằng), Sa Pa (Lào Cai), Mù Cang Chải (Yên Bái)...

Đến mỗi điểm du lịch, nhóm bạn làm việc với địa phương để xin giúp đỡ bà con làm du lịch cộng đồng, bắt đầu từ việc sửa sang nhà cửa làm homestay đón khách, tổ chức các hoạt động du lịch trải nghiệm và mở lớp dạy tiếng Anh. 

"Khi các bạn trẻ có cơ hội đến những vùng đất hoang sơ, khó khăn và biết được người dân ở đó thực sự muốn thay đổi cuộc sống của mình tức các bạn đã nhận thức được trách nhiệm với xã hội, có ý thức sống chia sẻ. Đó cũng là cơ hội cho các bạn phát triển bản thân" - chị Nguyễn Huyền Phương, đồng sáng lập và giám đốc điều hành tổ chức VEO, nhấn mạnh.

Ngày đầu gặp nhiều khó khăn, du lịch tình nguyện là hình thức mới mẻ nên nhóm phải vận động nhiều nguồn lực, kết hợp phát triển mô hình "tình nguyện thu tiền". Mỗi tình nguyện viên đăng ký tham gia dự án sẽ đóng một khoản kinh phí trang trải chuyện xe cộ, ăn uống, chỗ nghỉ. 

Những nơi họ đến, đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, ban đầu nhiều người nghi ngại không biết dự án có thành công hay không. Nhưng bằng tâm huyết, chỉ sau 4-5 tháng đến hỗ trợ, bản làng thay đổi rõ rệt. Bà con bảo nhau cải tạo nhà cửa làm homestay, trẻ con học tiếng Anh, đóng gói các sản phẩm trải nghiệm..., từ đó thu hút khách du lịch đến đông hơn.

"Lúc đầu, bà con bỡ ngỡ thấy một đoàn khách đến dạy học nhưng từ lần hai, lần ba, hằng tháng đều thấy chúng tôi nên mọi người quen dần. Từ xa chỉ cần thấy áo tím của VEO là mọi người ồ lên các anh chị VEO đã đến rồi" - Thúy Quỳnh kể. Hiện nhóm tiếp tục xây dựng các tour như trekking, nấu ăn, trải nghiệm văn hóa dân tộc...

Thành lập dự án phía Nam

Ra đời từ tháng 6-2013, VEO là một tổ chức phi chính phủ, mạng lưới kết nối các tình nguyện viên trên toàn thế giới nhằm chung tay giúp đỡ những đối tượng khó khăn thông qua các chương trình giáo dục, với các dự án chính gồm: "Tủ sách trong VEO", "Kiến tạo tương lai người Việt trẻ" và dự án "Du lịch thiện nguyện".

Hàng trăm thành viên, tình nguyện viên VEO đã có mặt ở nhiều vùng đất phía Bắc. Sắp tới, nhóm dự định thành lập các điểm dự án ở phía Nam để kết nối rộng rãi thành viên tham gia.

Cô gái người Dao làm du lịch cộng đồng

TTO - Học xong đại học, cô gái người Dao quyết định về quê hương cùng bà con dân bản làm du lịch, nơi bao đời nay nổi tiếng với giống lê đặc sản, là tiềm năng sẵn có để bà con thu hút khách du lịch đến với địa phương.

HÀ THANH - MAI THƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên