Các bạn trẻ huyện vùng cao Quan Sơn (Thanh Hóa) làm công nhân cho một xưởng chế biến lâm sản trên địa bàn huyện - Ảnh: HÀ ĐỒNG |
Anh Thay cho biết nhiều năm nay người trẻ ở địa phương không đi làm ăn xa, mà ở quê nhà gắn bó với rừng do Nhà nước giao quản lý, bảo vệ, chăm sóc, khai thác lâu dài cho từng hộ gia đình.
Rừng và sản xuất lâm nghiệp là thế mạnh của Quan Sơn với trên 87.800ha. Mỗi hộ dân trong xã được giao từ 1-3ha rừng luồng, vầu, nứa. Đây là các loại cây dùng làm nan thanh để sản xuất thành đũa ăn một lần, tăm, chân nhang...
Hằng năm khai thác cây thành phẩm trong 10 tháng (trừ hai tháng cây ra măng), các bạn luôn có thu nhập ổn định 4-6 triệu đồng/tháng.
Huyện Quan Sơn hiện có 4.802 đoàn viên, trong đó hơn 3.000 lao động trẻ đang gắn bó với rừng. Mỗi chi đoàn được UBND xã giao chăm sóc, bảo vệ, khai thác từ 1-2ha rừng tại bản. Số tiền bán cây hằng năm được từ 8-10 triệu đồng/chi đoàn, các bạn dùng để thăm hỏi gia đình chính sách, mừng đám cưới, thăm hỏi các bạn lúc ốm đau, tổ chức hoạt động phong trào cho thiếu niên, nhi đồng.
Bạn Hà Văn Tập - đoàn viên ở bản Piềng Khóe, xã Tam Lư - tâm sự: “Bên cạnh việc lên đồi rừng khai thác luồng, nứa, vầu bán cho tư thương, chúng tôi còn có thể làm công nhân trong xưởng chế biến lâm sản ở huyện, với mức thu nhập từ 3-5 triệu đồng/tháng.
Có việc làm, thu nhập ổn định tại địa phương, nên hầu hết chúng tôi không đi làm ăn xa. Hằng tháng tại buổi sinh hoạt chi đoàn, chúng tôi được trao đổi kinh nghiệm phát triển kinh tế, kiến thức tiền hôn nhân, xây dựng gia đình hạnh phúc”.
Anh Lữ Văn Hà - bí thư Huyện đoàn Quan Sơn - cho biết năm 2016, huyện đoàn phối hợp với Trung tâm hỗ trợ phát triển nông thôn Trung ương Đoàn tổ chức lớp tập huấn nâng cao chất lượng ủy thác vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, tư vấn giới thiệu việc làm cho hàng trăm lượt người. Năm 2017, huyện đoàn tiếp tục triển khai nhiều chương trình hỗ trợ người trẻ lập thân, lập nghiệp trên diện tích rừng của gia đình.
Theo ông Vũ Văn Đạt - chủ tịch UBND huyện Quan Sơn, huyện luôn hỗ trợ tốt nhất cho các bạn trẻ lập nghiệp tại quê nhà. Các bạn nhận xây dựng mô hình thâm canh cây nứa, vầu sẽ được huyện hỗ trợ vốn vay, đầu tư làm đường giao thông để thuận tiện khi khai thác, cấp cây giống, tập huấn kỹ thuật.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận