Có người đã đi làm, bước đầu có những thành công nhưng vẫn sẵn sàng tạm xếp lại hiện tại để đi học lại ngành sư phạm.
Dù với con đường nào thì đích đến của họ là nghề trồng người, nghề mà họ biết trước là nhiều gian lao nhưng vô cùng ý nghĩa và thú vị.
Cùng lúc học cả cử nhân và thạc sĩ
Nguyễn Nhân Trí, 27 tuổi, quê Bình Dương, đang là sinh viên năm 2 ngành sư phạm tiếng Anh tại Trường đại học Sư phạm TP.HCM.
Đồng thời cũng tại trường này, Trí đang thực hiện luận văn tốt nghiệp chương trình thạc sĩ lý luận và phương pháp dạy học bộ môn toán. Hai năm qua, những ngày trong tuần Trí học chương trình cử nhân, còn cuối tuần học thạc sĩ.
Năm 2015, Trí trúng tuyển vào học cử nhân sư phạm toán tại Trường đại học Sư phạm TP.HCM và tốt nghiệp loại xuất sắc 4 năm sau đó. Năm 2020, Trí về Bình Dương thi tuyển viên chức, đạt điểm thủ khoa và về dạy toán tại Trường THPT chuyên Hùng Vương. Trí được đánh giá là một thầy giáo trẻ, năng động, nhiều học sinh yêu mến.
Tuy nhiên đến đầu năm 2023, Trí bất ngờ viết đơn xin nghỉ để trở lại giảng đường sư phạm. Trí ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2023, chung với lứa học sinh 2005, cũng là lứa của em ruột của mình. Trí xem việc mình thi lại cũng là một nguồn động lực cho em ôn tập.
Cuối cùng điểm thi tốt nghiệp THPT 3 môn toán - văn - Anh của Trí năm đó đạt 27,75 điểm, hơn điểm chuẩn sư phạm tiếng Anh đến 1 điểm. Em của Trí cũng trúng tuyển vào sư phạm tiếng Anh nhưng của Trường đại học Sài Gòn.
Đến cuối tháng 11-2023, Trí học thêm chương trình thạc sĩ lý luận và phương pháp dạy học bộ môn toán.
"Hồi mình quyết định tạm gác lại công việc ở trường cấp III để trở lại giảng đường, rất nhiều người thắc mắc. Cha mẹ khá bất ngờ, khuyên con đang có công việc tốt, sao lại từ bỏ. Nhiều học sinh cũng không tin thầy của mình lại đi học tiếp, mà còn học khóa... đàn em của mình", Trí kể.
Trí tâm sự có nhiều nguyên do dẫn tới quyết định này. Trước hết, Trí cho rằng nhiều người nghĩ nghề giáo là một nghề an nhàn, học xong cử nhân là có thể về dạy suốt hàng chục năm tiếp theo.
Tuy nhiên, Trí thấy bản thân muốn nâng cao kiến thức của mình hơn, không chỉ về chiều sâu (học thạc sĩ), mà còn về chiều rộng (học cử nhân sư phạm tiếng Anh). Khi người thầy càng biết rộng và sâu, người hưởng lợi chắc chắn là học sinh.
"Có thêm một chuyên môn tiếng Anh sẽ giúp mình có thể về quê hỗ trợ giảng dạy môn học này. Ngoài ra một giáo viên vừa có chuyên môn toán học, vừa có chuyên môn tiếng Anh sẽ có nhiều cơ hội dạy toán bằng tiếng Anh, theo chiến lược đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học", Trí chia sẻ.
Từ đầu năm nhất sư phạm tiếng Anh đến nay, điểm của Trí toàn A. Trí nói mình không ngại học và hỏi, kể cả những bạn học thua mình rất nhiều về tuổi đời và kinh nghiệm.
Thậm chí Trí không ngại hỏi cả chính những học trò của mình ở trường cấp III cũ có học sư phạm tiếng Anh để xin kinh nghiệm. Theo Trí, người thầy dạy bạn không phân biệt tuổi tác hay vị trí.
Cô học sinh giỏi quốc gia "cứng đầu"
Lê Phạm Khánh Linh (19 tuổi) đang là sinh viên ngành sư phạm tiếng Anh tại Trường đại học Sư phạm TP.HCM. Năm cấp III, Linh là học sinh lớp chuyên tiếng Anh tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Năm 2023, lớp 12, Linh đạt giải nhì kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia môn tiếng Anh.
Thành tích này mở đường cho Linh có thể vào hầu hết trường đại học trên cả nước. Gia đình Linh hướng bạn đi học y khoa hoặc nha khoa, một phần do cha Linh là giảng viên tại Trường đại học Y Dược TP.HCM, mẹ Linh là nha sĩ.
Giải nhì học sinh giỏi tiếng Anh có thể được tuyển thẳng vào các trường y danh giá. Còn nhiều trường đại học tư có đào tạo ngành nha khoa lại "trải thảm" để Linh theo học với những suất tuyển thẳng và học bổng.
Thế nhưng Linh "lén" đăng ký ngành sư phạm tiếng Anh tại Trường đại học Sư phạm TP.HCM. Chỉ đến khi có kết quả trúng tuyển, người nhà mới bất ngờ vì không thể thay đổi quyết định của con.
"Các ngành sư phạm những năm gần đây lấy điểm rất cao. Những bạn học cùng mình đều là những bạn rất giỏi. Và hầu hết các bạn đều đam mê với nghề giáo, với việc giảng dạy, chứ không chỉ theo ngành học này là vì một số lý do khác như miễn học phí hay được sinh hoạt phí", Linh nói.
Bản thân Linh thích làm cô giáo từ hồi tiểu học. Lúc đó trường của Linh tổ chức hoạt động cho các bạn thử làm cô giáo và Linh đã xung phong đại diện lớp làm cô giáo tiếng Anh. Linh tự hỏi phải chăng có một năng lực đứng lớp tiềm ẩn bên trong bạn mà ngay từ lần đầu tiên ấy, bạn đứng lớp rất trơn tru và cảm thấy mình rất cuốn vào công việc.
Sau này vào Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Linh tiếp tục được truyền cảm hứng bởi các thầy cô trong tổ tiếng Anh. Các thầy cô ngoài rất giỏi, còn rất thương học sinh, truyền động lực cho các bạn.
Bây giờ Linh đang mang những bài học của thầy cô truyền tải cho những đàn em của mình trong những tiết dạy tại các trung tâm tiếng Anh ngoài giờ học. Linh cố gắng khơi gợi cho các học trò của mình lý do, động lực các bạn đến trung tâm học. Ngoài ra, hơn chuyện có điểm số, thành tích tốt, Linh cùng các bạn tâm sự về điều gì sẽ đọng lại cho các bạn sau mỗi khóa học.
Khao khát trở lại trường xưa
Mục tiêu của Lê Phạm Khánh Linh là hoàn thành tốt nhất chương trình cử nhân và xa hơn một xíu là muốn có cơ hội trở về Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong giảng dạy, bởi các thầy cô tổ tiếng Anh của trường phần lớn cũng là cựu học sinh.
Lớp chuyên Anh của Linh năm đó chỉ có mình Linh học ngành sư phạm, nên nhiều thầy cô cũng bất ngờ và có chút chờ đợi về một sự kế thừa tiếp tục trong thời gian tới.
Chính sách đãi ngộ và môi trường làm việc
* PGS.TS Đỗ Văn Dũng (nguyên hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM):
Theo tôi, người thầy phải cao hơn học trò "một cái đầu", do vậy rất cần những sinh viên giỏi tham gia vào ngành sư phạm nâng cao chất lượng giảng dạy trong trường học. Muốn như thế, tôi nghĩ cần tiếp tục có thêm những chính sách đãi ngộ cho sinh viên theo ngành sư phạm và giáo viên trẻ mới ra trường.
Nên tập trung vào những nơi có học sinh giỏi như các trường chuyên để giới thiệu và triển khai các chương trình đãi ngộ này nhằm tăng thêm cơ hội thu hút được những học sinh giỏi theo nghề giáo.
* TS Nguyễn Thị Thu Huyền (nguyên hiệu trưởng Trường song ngữ quốc tế Canada - BCIS):
Ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, các bạn trẻ đều không chọn nghề giáo như một nghề để làm giàu. Phần lớn họ chọn làm thầy vì sự đam mê. Các bạn có tâm huyết với thế hệ trẻ và rất muốn đem những gì mình có được truyền đạt lại cho các lớp đàn em.
Cũng vì vậy, cái họ cần hơn là một môi trường tích cực, nơi họ có thể tự do đưa những tâm huyết của họ từ lý thuyết vào các bài giảng thực tế nói riêng và các hoạt động nuôi dưỡng những học sinh của mình nói chung.
Đời sống vật chất cũng cần đấy, nhưng cái lôi cuốn và níu chân người trẻ vào sư phạm hơn, theo tôi, vẫn là môi trường. Hãy cho họ một môi trường để họ thoải mái sáng tạo và thể hiện bản thân tốt nhất.
Tất cả cho ước mơ làm thầy giáo dạy văn
"Một ngày tôi chợt nhận ra tôi muốn trở thành một thầy giáo dạy văn. Nhiều người khuyên tôi nên chọn cách học rút ngắn thời gian nhưng đã đam mê thì phải dám bắt đầu lại, học cho ngay ngắn".
Phạm Văn Thành, chàng trai từng là trung úy công an, chia sẻ như vậy về quyết định mới đây của mình. Thành là một trong những tân sinh viên đạt điểm cao (29,45 điểm tổ hợp C00, trong đó môn văn được 9,25 điểm) đỗ vào ngành sư phạm ngữ văn Trường đại học Sư phạm Hà Nội năm học 2024 - 2025.
Bạn cũng là trường hợp đặc biệt vì từng tốt nghiệp Học viện An ninh nhân dân và có 3 năm công tác trong ngành công an, nhưng đã quyết định quay lại giảng đường đại học vì ước mơ trở thành thầy giáo dạy văn.
"Vì sao lại thay đổi, trong khi đã có một công việc là ước mơ của nhiều người khác?". Thành không trả lời ngay câu hỏi này mà kể về tình yêu với văn chương và những người mình có ảnh hưởng sâu sắc.
"Em muốn nhắc đến bà nội, vì bà là người ảnh hưởng nhiều đến em nhất", Thành nói. Từ nhỏ, bà là người hát ru, đọc thơ văn cho Thành nghe. Khi Thành đi học, công tác xa nhà, bà cũng là người thường ngày gửi cho Thành những câu nói hay, những lời nhắc nhở phải sống đẹp, sống tử tế.
Thành cũng yêu các thầy cô giáo của mình. Ký ức của chàng trung úy công an ngày nào đầy ắp kỷ niệm với thầy cô giáo. Cậu kể người đầu tiên khiến cậu thích học văn là cô giáo thời cấp II. Bắt đầu từ lời khen ngợi của cô, điều đó khích lệ Thành quan tâm và tự tin hơn về môn văn.
Khi vào THPT, Thành gặp cô Thu Trang, cô giáo dạy văn cũng là cô chủ nhiệm. Thành kể: "Trước đó em quyết tâm học tốt môn văn chỉ nhằm được điểm cao nhưng khi gặp cô Trang thì thực sự em đã thay đổi, biết học văn một cách đúng đắn hơn: học vì một tình yêu với văn, học để thấy cuộc sống có những điều thú vị, ý nghĩa hơn".
Thành kể thi vào Trường đại học An ninh nhân dân là gợi ý của cha mẹ. Bản thân Thành khi học ở Trường An ninh cũng nghiêm túc rèn luyện và từng nghĩ sẽ theo nghề này suốt đời. Nhưng rồi ngã rẽ đến bắt đầu bằng duyên gặp gỡ nhiều học sinh mà cậu giúp đỡ, kèm cặp.
"Có vài bạn tôi nhận giúp đỡ về môn văn để thi vào các trường thuộc khối công an, quân đội và sư phạm. Tôi dạy miễn phí, một cách cho đi không chờ nhận lại. Nhưng rồi có lúc tôi chợt nhận ra tôi đã được nhận lại món quà quý giá, đó chính là sự thay đổi, là kết quả học tập, thi cử của người tôi hướng dẫn.
Kể về quyết định quay lại giảng đường, Thành nhớ lại: "Trong nhà không ai ủng hộ tôi. Mẹ thì nói: "Nghe con nói, mẹ như rơi từ trên cao xuống đất". Còn bà từng định đến gặp lãnh đạo của tôi để xin rút lại đơn xin nghỉ việc của tôi. Nhưng lòng tôi đã quyết. Tôi quay lại trường cũ, xin ôn tập cùng các em học sinh lớp 12. Một lần nữa, tôi sống lại thời học sinh với những hồi hộp chờ mùa thi tới gần".
Ngoài nguyện vọng vào Trường đại học Sư phạm Hà Nội ngành ngữ văn, Thành đăng ký nguyện vọng vào các trường sư phạm ở cả ba miền và cậu đã chạm vào ước mơ.
Thành cho biết qua truyền thông cũng biết những vất vả, áp lực của nghề giáo. Nhưng vì đam mê, cậu nghĩ có thể vượt qua được khó khăn và sẽ hạnh phúc với công việc của mình. Và sự kiên định đó đã thuyết phục được bà nội và gia đình.
Kết thúc câu chuyện với Tuổi Trẻ, Thành kể thời gian còn công tác trong ngành công an, cậu có dịp đến một xã khó khăn. Cậu nhớ mãi khi tới một gia đình, trong nhà không có gì đáng kể ngoài những tấm giấy khen của đứa trẻ tiểu học. Cậu cảm nhận sâu sắc về khao khát đến trường của đứa trẻ. Nó thôi thúc cậu trở thành thầy giáo.
"Tôi muốn là một người thầy thấu hiểu và gần gũi với học sinh", Thành tâm sự.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận