Bạn gái mới lần đầu về nhà bạn trai, bắt rửa bát là không thích hợp. Nhiều bạn đọc chia sẻ như vậy dưới bài viết Bạn trai mời về ăn cỗ, có cần rửa bát không? trên Tuổi Trẻ Online.
"Khách thì không cần rửa bát"
Bạn đọc Lam chia sẻ ngắn gọn: "Mời khách đến nhà ăn mà lại để họ rửa bát, có kỳ không vậy?".
"Mời về ăn hay mời về rửa bát? Mà cũng lạ, ai mà mời về ăn không dễ thế. Cả hai phải nghĩ cho kỹ" - độc giả Đời.
Còn bạn đọc Dovantha có góc nhìn: "Bây giờ hiện đại, đám giỗ toàn đặt người ta làm trọn gói, khỏi tranh luận. Và con gái về ra mắt cũng tranh thủ vào phụ bếp, không ai để cho làm dâu".
Đặc biệt, bạn đọc Tuan Saigon cho biết mình là "ông già U70" nhưng đưa ra quan điểm hiện đại: "Cô gái được mời thì cô gái là khách. Mà khách thì không cần phải đi rửa chén".
Dung hòa hơn, anh Dương Tử chia sẻ: "Tiện thì phụ rửa bát, chứ tuyệt nhiên không bắt buộc và không làm một mình".
Đồng tình với anh, một số ý kiến cho rằng rửa bát hay không còn tùy quan điểm, không nên cứng nhắc. Và có thể phụ giúp chút ít, không cần phải ôm đồm.
Như anh Nguyễn Hoàng Công viết: "Tùy cách cư xử của mỗi người mà thôi. Người thì không suy nghĩ gì, xắn tay vào phụ rửa bát vui vẻ. Khi đi về mà lòng nhẹ tênh!".
Anh Huy Tran bày tỏ: "Mình là đàn ông, nhưng đi ăn cỗ nhà họ hàng, hàng xóm thì cũng cố gắng đi sớm phụ giúp chuẩn bị. Ăn xong cũng phụ dọn dẹp.
Mỗi người một tay một chân làm cho nhanh. Không để gánh nặng cho chủ nhà".
Rửa bát là kỹ năng ứng xử?
Bạn đọc Lan Le cho rằng lối suy nghĩ của giới trẻ ngày nay khác xưa quá nhiều. Còn bạn đọc Da Nang viết:
Người "hiểu chuyện" thì chẳng có vấn đề gì cả. Việc rửa bát hay không rửa, người nhà không cần. Điều cần ở đây là thái độ của bạn lần đầu tiên về ra mắt.
Khi con trai nói dẫn bạn gái về ra mắt, bạn trở thành "tâm điểm" của bữa tiệc. Nên bạn phải làm sao để mọi người đánh giá cao bạn, là sự hãnh diện của bạn trai bạn. Còn không, sẽ ngược lại.
Nói là ra mắt gia đình bạn trai, chắc chắn bạn không phải là khách mời bình thường, bạn phải hiểu điều đó.
Câu chuyện được chuyển hướng sang vấn đề kỹ năng hành xử. Độc giả Vietroad cho rằng vấn đề này đơn giản là kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp.
"Rửa bát chính là cơ hội để tìm hiểu về gia đình bạn trai cũng như tạo sự gần gũi với nhau. Không ai bắt buộc mình phải rửa bát. Nhưng người có trách nhiệm không cần chờ bắt buộc mới làm.
Hàng xóm họ cũng là khách, họ cũng bắt tay vào phụ.
Còn mình ngồi bấm điện thoại, vậy chỉ chứng tỏ mình không bằng mấy cô hàng xóm thôi", độc giả này chia sẻ.
Tán thành, anh Trần Thanh Tùng cho biết: "Không biết hòa đồng để hòa nhập thì dù có tới đâu cũng cô đơn, vì mọi người xa lánh mình. Đừng rước về cho thêm khổ!".
Chị Hangminh bày tỏ: "Xin thưa rằng việc rửa bát sau khi ăn tiệc không nói lên việc gì. Người am hiểu sẽ nhìn vào thái độ của bạn để đánh giá bạn, chứ không nhìn vào hành động của bạn để nhận xét về bạn".
Quan điểm lỗi thời chia tay sớm càng tốt
Không phê phán bên nào, bạn đọc Linh cho rằng vấn đề không phải là rửa bát hay không rửa.
Theo Linh, nếu đa số mọi người cả nam nữ cùng chung tay làm một ít, cô gái ngồi không từ đầu đến cuối là không được.
"Nếu nấu nướng, dọn rửa mặc định là việc của phụ nữ trong nhà, đàn ông không làm gì hết, ăn xong ngồi trà nước buôn chuyện, nhắn kêu phụ nữ xuống rửa bát là không được.
Quan điểm tôi là mọi việc cùng làm, cùng sẻ chia thì tốt. Còn quan niệm bếp núc dọn dẹp là chuyện của phụ nữ, thì nên chia tay bạn trai đó càng sớm càng tốt".
Bạn Minh thì chốt hạ: "Bỏ đi em, cưới chồng khác cho khỏe người".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận