Máy bay đậu hàng dài tại sân bay Nội Bài và đến nay vẫn chưa xác định được ngày dịch vụ vận chuyển hành khách công cộng quay trở lại - Ảnh: T.P.
Hà Nội đề nghị cân nhắc việc triển khai chuyến bay thương mại và vận tải hành khách đường sắt đến Hà Nội. Nhưng trên phạm vi cả nước, tàu hỏa vẫn đang dừng hoạt động, chuyến bay chở khách, xe khách liên tỉnh hầu như dừng khai thác.
Nới giãn cách, nhưng vẫn dừng tất cả các phương tiện vận tải
Tại cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 sáng 25-9, Phó bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đề nghị Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải cân nhắc việc triển khai chuyến bay thương mại và vận tải hành khách đường sắt đến Hà Nội.
Trước đó, ngày 20-9, chủ tịch UBND thành phố Hà Nội ban hành chỉ thị số 22 điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố trong tình hình mới.
Theo đó, từ 6h ngày 21-9, Hà Nội thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 theo nguyên tắc của chỉ thị số 15 của Thủ tướng và một số biện pháp cao hơn, phù hợp với tình hình thực tế cho đến khi hoàn thành tiêm chủng 2 mũi cho toàn bộ người dân trong độ tuổi tiêm chủng và có thông báo mới của thành phố.
Trong chỉ thị, UBND thành phố Hà Nội tiếp tục đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo dừng các chuyến bay thương mại đến sân bay Nội Bài và vận tải hành khách bằng đường sắt đến Hà Nội. Tiếp tục tạm dừng hoạt động vận tải hành khách đường thủy; đường bộ như xe khách liên tỉnh, xe buýt, taxi, xe hợp đồng, xe du lịch, xe máy.
Thực tế, từ ngày 18-7-2021, Hà Nội đã tạm dừng xe khách đến 37 tỉnh, thành phố. Từ ngày 24-7, Hà Nội thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16 của Thủ tướng nên tiếp tục dừng xe khách liên tỉnh, xe buýt với tất cả các tỉnh từ ngày 24-7. Trên địa bàn Hà Nội, dừng hoạt động chở khách của taxi, xe hợp đồng, xe du lịch, xe máy.
Với đường sắt, từ ngày 25-8, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã tạm dừng chạy đoàn tàu chở khách số hiệu SE8 do nhiều địa phương giãn cách theo chỉ thị 16. Do đó, từ ngày 25-8 đến nay trên toàn bộ hệ thống đường sắt Việt Nam không còn khai thác bất cứ đoàn tàu chở khách nào.
Với hàng không, khi xảy ra đợt dịch COVID-19 nhiều đường bay chở khách thường lệ đã dừng khai thác theo đề nghị của các địa phương. Từ ngày 22-7, đường bay TP.HCM - Hà Nội và ngược lại chỉ được khai thác tối đa 2 chuyến chở khách khứ hồi/ngày (mỗi chiều 2 chuyến), giao Vietnam Airlines thực hiện.
Một số đường bay còn lại giữa các địa phương chưa thực hiện chỉ thị 16 vẫn được khai thác. Tuy nhiên, do nhu cầu khách đi máy bay trên các đường bay này gần như không còn nên đến cuối tháng 7-2021 các hãng hàng không đều ngừng khai thác các đường bay này.
Đường bay TP.HCM - Hà Nội do Hà Nội chỉ bố trí được chỗ cách ly tập trung cho 1 chuyến bay từ TP.HCM ra vào ngày 22-7, từ đó đến nay Vietnam Airlines chỉ khai thác được 1 chuyến chở khách từ TP.HCM ra Hà Nội. Chiều Hà Nội vào TP.HCM Vietnam Airlines vắng khách nên thường chở khách kết hợp trên các chuyến bay chở đoàn công tác, nhân viên y tế đi chống dịch.
Hạn chót, các bộ vẫn im lặng
Ngày 21-9, Bộ Giao thông vận tải có văn bản gửi 5 bộ cùng UBND các tỉnh, thành phố lấy ý kiến dự thảo kế hoạch tổ chức hoạt động vận tải hành khách của 5 lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không trong thời gian các địa phương nới lỏng biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 (chuyển sang thực hiện chỉ thị 15, 19).
Do một số địa phương đã chuyển đổi cấp độ phòng, chống dịch COVID-19 từ chỉ thị 16 sang chỉ thị 15 nên kế hoạch cần được ban hành gấp, Bộ Giao thông vận tải đề nghị các cơ quan liên quan sớm có ý kiến, gửi văn bản về qua thư điện tử trước 17h ngày 23-9. Nhưng đến 12h ngày 24-9 chỉ nhận được 17 ý kiến của 1 hiệp hội và 15 địa phương, chưa có bộ nào có ý kiến.
Ngày 24-9, Bộ Giao thông vận tải có văn bản đề nghị Bộ Y tế cho ý kiến về kế hoạch trên, vì căn cứ quan trọng nhất để ban hành kế hoạch vận tải hành khách chính là các quy định và quy trình, thủ tục kiểm soát y tế đối với người tham gia giao thông.
"Các doanh nghiệp vận tải đều mong được sớm hoạt động trở lại để giảm bớt khó khăn. Nhiều người đã tiêm 2 mũi vắc xin, sẵn sàng xét nghiệm để có chứng nhận âm tính với COVID-19 để đi lại giải quyết công việc, làm ăn, về quê sau thời gian bị mắc kẹt ở địa bàn khác.
Tuy nhiên, để triển khai được cần chờ sự đóng góp ý kiến của các cơ quan liên quan, sự chấp thuận của cấp có thẩm quyền" - đại diện Bộ Giao thông vận tải cho biết. Hiện đang có lượng người rất lớn kẹt lại địa phương khác chưa được về nhà, trong đó có cả học sinh không kịp vào năm học mới.
Đã phân bổ trên 51 triệu liều vắc xin
Bộ Y tế cho biết đến nay đã tiêm được 37,6 triệu liều vắc xin, tỉ lệ sử dụng đạt 72% so với tổng số vắc xin phân bổ, trong đó khoảng 22,3 triệu người đã tiêm 1 liều vắc xin và 7,3 triệu người tiêm đủ 2 liều (tỉ lệ tiêm ít nhất 1 liều vắc xin trong nhóm dân số từ 18 tuổi trở lên là trên 41%).
Còn khoảng 14 triệu liều đang tiếp tục tiêm, trong đó có khoảng 10,5 triệu liều mới được phân bổ từ ngày 16-9. Ngày 25-9 có trên 400.000 liều vắc xin do Nhật Bản tài trợ và trên 1 triệu liều mua/được tặng từ Cuba về đến Việt Nam.
Riêng tại Hà Nội, tổng số tiêm chủng đến nay là trên 6,7 triệu mũi, trong đó có trên 5,76 triệu người tiêm 1 mũi, đạt 95,71% dân số trên 18 tuổi, gần 949.000 người tiêm đủ 2 mũi, đạt 15,76% dân số trên 18 tuổi.
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế vừa có văn bản gửi dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương khẩn trương xây dựng hướng dẫn sử dụng các vắc xin mới (vắc xin Hayat, vắc xin Abdala) và cập nhật hướng dẫn các loại vắc xin đang sử dụng nếu có.
Tại khu vực phía Bắc, gần 1 tuần gần đây đã ghi nhận một khu vực mới bùng phát dịch là tỉnh Hà Nam. Kể từ ca bệnh BN687.470 ở xã Phù Vân, Phủ Lý xét nghiệm dương tính ngày 19-9, đến 18h ngày 25-9 Hà Nam ghi nhận 130 ca bệnh đã được Bộ Y tế cấp mã. Các bệnh nhân vẫn chủ yếu tập trung ở 3 phường thuộc Phủ Lý.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận