Một bàn thờ tổ tiên, ông bà của người Sài Gòn - Ảnh tư liệu |
Thật ra, quan niệm “sau khi qua đời, linh hồn của con người sẽ đầu thai trở lại thế gian” là quan niệm “Luân Hồi”của đạo Bà La Môn có cội nguồi từ Ấn Độ. Nghĩa là đạo này cho rằng, bất cứ linh hồn con người nào ở thế gian này đều phải trải qua bốn bước: sinh, lão, bệnh, tử. Sau đó, linh hồn con người ta sẽ quay lại thế gian, gọi là đầu thai, để bắt đầu bước một là “sinh” của chu kỳ luân hồi bốn bước.
Khi quan niệm “Luân Hồi” du nhập vào Trung Quốc đã được mở rộng và cụ thể hơn. Mười vị Diêm Vương đều có tên gọi và chức năng rất rõ ràng.
Quan niệm về “Luân hồi” của Ấn Độ và quan niệm về “Địa ngục” của Trung Hoa đã được truyền sang nước ta từ những năm đầu công nguyên.
Tuy nhiên, người Sài Gòn cũng như đa số người Việt cho rằng sau khi qua đời, linh hồn ông bà sẽ trú ngụ tại nơi thờ phụng ngay trong gia đình. Do vậy, con cháu sẽ bày mùng, mền, chiếu, gối ngay trên nới thờ phụng để ông bà được ngủ nghỉ yên giấc. Vì thế mà có tên gọi “giường thờ” (phong tục này, ngày nay, vẫn còn thấy ở một vài nơi).
Phía sau bàn thờ tổ tiên nhiều người Sài Gòn đến nay vẫn là một bức tranh phong cảnh - Ảnh: HỒ TƯỜNG |
Phía bên ngoài giường thờ là bàn thờ, bày các đồ thờ truyền thống, như: bài vị hay di ảnh, đỉnh trầm (người miền Nam gọi là “lư hương”), cặp chân đèn, lư nhang, bình hoa, dĩa trái cây…
Theo thời gian, ý nghĩa chiếc “giường thờ” bị quên lãng. Thêm vào đó là các tác động kinh tế trực tiếp vào hoàn cảnh sống của nhiều gia đình, nhà cửa bị thu hẹp, đã khiến cho chiếc “giường thờ” đã bị dẹp đi, chiếc bàn thờ được lui vào sát vách.
Trở lại quan niệm tâm linh của người Việt. Quan niệm này cho rằng linh hồn ông bà, sau khi qua đời, thường xuyên trú ngụ trên bàn thờ gia tiên. Do vậy, có thể nói nơi đặt bàn thờ ông bà trong căn nhà người Việt là không gian thiêng liêng nhất.
Bên cạnh những đồ thờ truyền thống như đã nêu trên, nhiều gia đình người Việt còn trang trí cho khu vực đăt bàn thờ ông bà nhiều dụng cụ thờ cúng truyền thống khác, như: hoành phi (tấm bảng treo ngang trên cao, phía trước bàn thờ ông bà), liễn đối (hai tấm bản nhỏ, treo dọc hai bên bàn thờ ông bà (ngày trên vách phía sau lưng bàn thờ hay trên hai cây cột cái đứng thẳng hai bên bàn thờ), bao lam (bức chạm gỗ trên mặt tấm ván gỗ, treo phía trên, ở trước bàn thờ ông bà, nói lên ấm lòng tôn kính và hiếu thảo của con cháu đối với ông bà)…
Những gia đình khá giả còn điểm tô thêm cho khu vực đặt bàn thờ ông bà bằng các đồ thờ “cao cấp” khác. Chẳng hạn như: cặp lọng, cặp tàn (hai dụng cụ che nắng dành cho những người gàu có, uy quyền ngày xưa) dựng hai bên.
Cạnh đó là cặp tượng hạc đứng trên lưng rùa, cũng được dựng hai bên trái phải, phía trước bàn thờ. Trước mặt bàn thờ có thêm dàn bát bửu gồm tám pháp khí của Bát Tiên nhằm bày tỏ đây là chốn linh thiêng…
Ngày trên bức vách liền phía sau với bàn thờ tổ tiên, nhiều gia đình người Sài Gòn cố cựu vẫn còn bài trí bức tranh kiếng to cao, vẽ cảnh sơn thủy rất hữu tình, có căn nhà xinh xắn, có chiếc xuồng tam bản nho nhỏ.
Người Sài Gòn xưa tin rằng đó là một cõi đi về của ông bà. Có nơi thêm chính giữa tranh là một chữ “Phước” viết bằng chữ Nho khá to, ngụ ý phước đức tổ tiên để lại cho con cháu, phù hợp với nội dung của cặp liễn treo hai bên ghi cặp câu đối: “Tổ tông công đức thiên niên thịnh, Tử hiếu tôn hiền vạn đại xương” (Công đức của tổ tông ngàn năm thịnh vượng - Con hiếu, cháu hiền giúp cho vạn đời thơm danh).
Phong tục thờ cúng ông bà của người Việt Nam từ truyền lại bao đời, đã được người Sài Gòn kế thừa, cho thấy một bản sắc văn hóa đặc trưng giữa đất Sài Gòn đô thị của những người đi khai phá đất phương Nam, góp phần tạo nên một nội lực vững vàng cho người Sài Gòn giữa bao thăng trầm của lịch sử cũng như trong thời kinh tế thị trường hôm nay. |
Đón đọc bài 2: Mâm cúng ông bà của người Sài Gòn ngày tết
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận