25/03/2014 01:54 GMT+7

Bàn thảo cho hai năm tới

TS ĐINH HOÀNG THẮNG (nguyên đại sứ Việt Nam tại Hà Lan)
TS ĐINH HOÀNG THẮNG (nguyên đại sứ Việt Nam tại Hà Lan)

TT - NSS-3 tại The Hague, khai mạc hôm qua (24-3), được tổ chức theo sáng kiến của Tổng thống Mỹ Barack Obama nhằm ngăn ngừa việc phổ biến vũ khí giết người hàng loạt (WMD) cũng như bằng các chất phóng xạ. Hà Lan đã dành nhiều tháng chuẩn bị cho kỳ thượng đỉnh lần này.

FZQc7fza.jpgPhóng to
Binh sĩ hải quân Hà Lan tuần tra tại nơi tổ chức NSS-3. An ninh tại đây đang được tăng cường tối đa với sự hiện diện của 20.000 cảnh sát và binh sĩ - Ảnh: Reuters

Trong ba loại WMD, ngoài vũ khí sinh học và hóa học, vũ khí hạt nhân vẫn luôn là một trong những vấn đề nhức nhối trong đời sống chính trị quốc tế. Sau nhiều nỗ lực của quốc tế, bên cạnh việc phi quân sự hóa, năng lượng hạt nhân đã được đề xuất cho rất nhiều ứng dụng dân sự.

Sau an toàn là an ninh

Trước đây, cộng đồng quốc tế chỉ quan tâm đến vấn đề an toàn hạt nhân. Nhưng những thập kỷ gần đây, vấn đề an ninh đã được quan tâm sau các sự kiện mất an ninh trong việc sử dụng vật liệu hạt nhân, chất phóng xạ.

Thực tế việc phát triển hạt nhân dân sự tại các nước có trình độ quản lý khác nhau đã đặt ra vấn đề nguy cơ các vũ khí hạt nhân, vật liệu hạt nhân, công nghệ hạt nhân rơi vào tay các đối tượng phi nhà nước, hoặc các quốc gia có tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân. Rồi tình trạng buôn lậu vật liệu hạt nhân và chất phóng xạ không suy giảm cùng với sự xuất hiện nhiều ý đồ tấn công cơ sở hạt nhân trên khắp các châu lục.

Các chuyên gia đã định nghĩa an ninh hạt nhân là các biện pháp nhằm ngăn chặn, phát hiện và ứng phó đối với hành động phá hoại, lấy cắp và tiếp cận trái phép hoặc chuyển giao trái phép vật liệu hạt nhân và các chất phóng xạ khác.

Hội nghị NSS-3 đi sâu thảo luận các vấn đề nói trên, đặc biệt tập trung thảo luận, khuyến nghị các biện pháp áp dụng để giảm số lượng nguyên liệu hạt nhân, bảo vệ nguyên liệu phóng xạ và củng cố sự hợp tác quốc tế về an ninh hạt nhân.

Kế tiếp các hội nghị thượng đỉnh trước đây (NSS-2 năm 2012 tại Seoul và NSS-1 năm 2010 tại Washington), NSS-3 năm nay bàn thảo chi tiết về các nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm ngăn chặn khủng bố hạt nhân, vốn là mối đe dọa ngày càng lớn đối với an ninh toàn cầu.

Căn cứ vào kết quả của NSS-3, Tổng thống Barack Obama sẽ đề ra các mục tiêu cho hai năm tới. NSS-4 do Mỹ chủ trì vào năm 2016 nhiều khả năng cũng là NSS cuối cùng.

Trong bối cảnh Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) về pháp lý vẫn còn hiệu lực nhưng về tinh thần thì đã bị khai tử từ lâu, các cam kết của cộng đồng quốc tế từ nay đến năm 2016 có ý nghĩa rất quan trọng đối với vấn đề an ninh hạt nhân.

Bị Ukraine phủ bóng

Tại NSS-3, tình hình bán đảo Crimea và Ukraine đã phủ bóng lên hội nghị. Đấy là lý do sau hội nghị ở The Hague, Tổng thống Mỹ Obama sẽ sang Brussels để gặp lãnh đạo khối các nước EU và NATO. Một hội nghị G7 bất thường được triệu tập để bàn cách tiếp tục cô lập và trừng phạt Nga sau khi ông Putin đồng ý sáp nhập Crimea vào Liên bang Nga.

Ukraine trở thành tâm điểm chú ý tại NSS-3 do các biến cố chính trị thời gian qua. Theo một số chuyên gia, Ukraine đang rất bất ổn nên nước này càng có ít nguyên liệu hạt nhân càng tốt. Về phần mình, Ukraine đã đồng ý từ bỏ vũ khí hạt nhân theo Bản ghi nhớ Budapest ký với Anh, Mỹ và Nga hồi năm 1994, trong đó ba cường quốc trên bảo đảm rằng họ sẽ tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.

Trước khi diễn ra NSS-2 ở Seoul năm 2012, Ukraine đã trả lại tất cả urani làm giàu cao độ cho Nga và đã thay đổi các lò phản ứng hạt nhân của mình để sử dụng urani làm giàu ở độ thấp.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự NSS-3

Theo chương trình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ tham dự phiên khai mạc NSS-3, có bài phát biểu quan trọng vào hôm nay (giờ Việt Nam) và tiếp xúc song phương với lãnh đạo cấp cao một số quốc gia.

Chuyến đi tham dự hội nghị của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhằm mục tiêu khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam về sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, bảo đảm an toàn và an ninh hạt nhân, các biện pháp Việt Nam đã thực hiện trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân, đóng góp vào những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế.

Việt Nam đã và đang có nhiều nỗ lực thực hiện các cam kết chính trị sau Hội nghị thượng đỉnh năm 2010 và 2012 và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Theo TTXVN

TS ĐINH HOÀNG THẮNG (nguyên đại sứ Việt Nam tại Hà Lan)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên