31/08/2017 08:25 GMT+7

'Bản thân tôi cũng thường xuyên dùng xe buýt để đi làm'

THU DUNG - MAI HƯƠNG ghi
THU DUNG - MAI HƯƠNG ghi

TTO - Ông Trần Chí Trung - giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM đã trả lời với Tuổi Trẻ như vậy sau ý kiến đề xuất: Công chức hãy đi xe buýt!

*** Error ***
hị Đoàn Thị Huỳnh Dung (nhân viên ở Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, TP.HCM) thường xuyên sử dụng xe buýt để đi làm - Ảnh: HỮU KHOA

Như đã thông tin từ đề xuất nhiều ý kiến cho rằng phải tăng chất lượng xe buýt, đặc biệt là việc không trễ giờ, mới thu hút công chức, viên chức sử dụng.

Nhằm góp thêm một góc nhìn, Tuổi Trẻ xin giới thiệu các ý kiến tiêu biểu sau đây:

* Ông Trần Chí Trung (giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng):

Đi xe buýt để biết hướng cải cách

Ông Trần Chí Trung  - Ảnh: ĐỖ LOAN

Từ hơn một năm nay, trung tâm đã khuyến khích cán bộ, nhân viên của đơn vị sử dụng xe buýt đi lại hằng ngày. Mỗi tuần, một nhân viên đi xe buýt ít nhất hai lần nhằm giảm tần suất sử dụng xe cá nhân, góp phần giúp TP giảm kẹt xe, giảm ô nhiễm môi trường.

Việc cán bộ, nhân viên ngành xe buýt đi lại bằng xe buýt hằng ngày như vậy còn giúp chúng tôi đánh giá chất lượng xe buýt, thái độ phục vụ của tài xế xe buýt một cách trực tiếp. 

Qua đó, trung tâm phát hiện những ưu điểm, hạn chế mà ngành xe buýt đang mắc phải để kịp thời có phương án khắc phục. 

Bản thân tôi cũng thường xuyên dùng xe buýt để đi làm. Nhờ vào đó, tôi nhìn từ góc nhìn của hành khách để lên kế hoạch thay đổi xe buýt cho gần gũi với người dân hơn, thu hút họ chọn xe buýt để đi lại.

Trong thời gian tới, trung tâm sẽ tổng kết về cuộc vận động nhân viên đi xe buýt, từ đó tiến hành các cải cách trong hệ thống xe buýt.

Ông Cao Thanh Bình (phó Ban kinh tế - ngân sách HĐND TP.HCM):

Chưa thu hút công chức

Đừng biến việc khuyến khích cán bộ, công chức đi xe buýt thành một phong trào hình thức. Thay vào đó, nên vạch ra lộ trình, xác định vận động dần dần theo từng cụm, từng khu vực, từng quận huyện. Nhân viên cơ quan này thấy nhân viên cơ quan kia đi xe buýt thuận tiện, tiết kiệm, an toàn... thì tự khắc họ cũng sẽ muốn đi."

Ông Cao Thanh Bình - Ảnh: T.T

 

Chuyện khuyến khích cán bộ công chức, viên chức ở TP.HCM đi làm bằng xe buýt không phải mới.

Khoảng năm 2014-2015 đã có một đợt vận động khá sôi nổi, nhiều cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước, các công ty đã hưởng ứng bằng cách tặng vé xe buýt cho nhân viên, hỗ trợ một phần tiền vé, cộng điểm thi đua cho người nào đi xe buýt thường xuyên...

Cán bộ công chức lúc đó cũng hưởng ứng rất nhiệt tình.

Thế nhưng sự hưởng ứng không được lâu vì xe buýt hay trễ giờ khiến nhiều người bị trễ giờ làm, ảnh hưởng đến công việc.

Đặc biệt, nhiều khâu liên quan đến tiếp công dân, giải quyết nhu cầu của người dân càng không thể đi trễ. Thế là xe buýt không còn được lựa chọn.

Hiện tại, dù ngành giao thông vận tải TP đã có nhiều nỗ lực cải tiến chất lượng nhưng kết quả chưa được như mong mỏi của hành khách. Số xe buýt kém chất lượng - theo thời gian - lại đang gia tăng.

Trong khi đề án đổi mới xe buýt (xe buýt xanh, sạch, chạy bằng khí gas thiên nhiên) lại đang gặp khó khăn khi triển khai do trục trặc ở công đoạn tiếp nhiên liệu. Tình hình ùn tắc giao thông chưa được giải quyết nên hễ kẹt xe là xe buýt chậm giờ.

Để khuyến khích cán bộ công chức, viên chức đi xe buýt, trước hết phải có sự thống nhất, đồng lòng hưởng ứng từ cấp lãnh đạo cao nhất của TP, lan tỏa xuống lãnh đạo các sở, ngành, quận huyện, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.

Kế đến và quan trọng hơn là thu hút bằng chính chất lượng của xe buýt. Sở Giao thông vận tải nên rà soát tính toán, bố trí luồng tuyến tạo thuận lợi cho khu vực tập trung nhiều cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, các công ty...

Với nơi có nhiều cơ quan thì tổ chức nhiều tuyến xe buýt. Những nơi các cơ quan phân bổ rải rác thì tính đến phương án tổ chức xe đưa đón cán bộ công chức theo từng cụm gần nhau. Thời gian đầu có thể áp dụng tặng vé, giảm giá vé xe buýt để tạo thêm sức hút.

Về lâu dài, cần tính toán lại cách trợ giá xe buýt theo hướng hợp lý hơn. Trợ giá trực tiếp cho hành khách và áp dụng thanh toán tiền vé qua thẻ thông minh là việc cần thiết phải làm. Thực tế cho thấy cách trợ giá cho nhà xe hiện nay là không ổn.

Đã có rất nhiều hội thảo mổ xẻ, phân tích, nhiều đại biểu HĐND TP và cử tri đã lên tiếng bức xúc về hiệu quả của việc trợ giá xe buýt, nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng.

* Ông Lê Văn Lộc (công chức, Q.Thủ Đức, TP.HCM):

Thấy tôi đi xe buýt, có người ngạc nhiên...

Nhà tôi ở Q.Thủ Đức và tôi chọn xe buýt làm phương tiện đi lại đã 10 năm nay. Lúc trước làm gần nhà thì tôi còn đi xe máy. Từ khi chuyển công tác về Q.3 vào năm 2013, tôi đi làm bằng xe buýt. Tôi đi xe buýt vì tính an toàn, tiện lợi lại kinh tế. Bất kể ngày mưa hay ngày nắng, ngồi xe buýt cũng không bị ảnh hưởng.

Thấy tôi làm cán bộ lãnh đạo lại chọn đi xe buýt, có người ngạc nhiên. Nhưng tôi cho rằng việc đi lại bằng phương tiện công cộng là điều bình thường, thậm chí cần khuyến khích cán bộ công chức sử dụng phương tiện này nhiều hơn để giảm tình trạng kẹt xe.

So với 10 năm trước, xe buýt hiện nay đã đẹp hơn, sạch hơn; tài xế, tiếp viên văn minh lịch sự hơn. Tuy nhiên, tôi cũng mong xe buýt đúng giờ hơn. Buổi sáng đi làm, tôi thường phải đón chuyến xe sớm để trừ hao khi xe trễ giờ hoặc bị kẹt xe. Ngoài ra, nhiều lúc tôi thấy xe buýt còn bỏ trạm, bỏ khách; tài xế thỉnh thoảng vẫn còn phóng nhanh, vượt ẩu. Những chuyện này phải khắc phục.

Một điều quan trọng nữa: muốn cán bộ công chức lựa chọn xe buýt thì cần thiết kế lại hệ thống luồng tuyến sao cho họ có thể từ nhà đến cơ quan chỉ bằng một chuyến xe - hạn chế phải đi nhiều chuyến. Trường hợp có chuyển tuyến thì thời gian đấu nối giữa các tuyến chuyển tiếp cũng phải thật khớp để khách khỏi phải chờ lâu.

THU DUNG - MAI HƯƠNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên