Ảnh: T.Đạm |
* Đến năm 2020 VN có 2.000km đường cao tốc
Xung quanh vấn đề này, ông Mai Tuấn Anh - tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC) - cho biết:
- Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tái cơ cấu nguồn vốn đầu tư năm dự án cao tốc của VEC và chỉ đạo của bộ trưởng Bộ GTVT xung quanh vấn đề trên, VEC đang hoàn thiện đề án tái cơ cấu tổng thể mô hình tổ chức và hoạt động gắn với đổi mới phương thức quản lý tài chính và cơ chế quản lý dự án của tổng công ty sau tái cơ cấu.
Theo đó, VEC đang xây dựng phương án cổ phần hóa tổng công ty song song với việc xây dựng phương án thành lập các công ty cổ phần dự án, phương án chuyển nhượng quyền thu phí để kêu gọi các nhà đầu tư tham gia.
Đây là chủ trương mới, nếu thực hiện thành công sẽ góp phần giảm áp lực đầu tư công và vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, giúp VEC sớm thu hồi vốn để đầu tư triển khai các tuyến đường cao tốc khác đã được phê duyệt.
Bán đường cao tốc cần quan tâm mức phí và thời gian thu phí Theo ông Nguyễn Như Tha - giám đốc Công ty Tư vấn thiết kế công trình giao thông công chánh TP.HCM, việc Nhà nước bán đường cao tốc cho doanh nghiệp thu phí là cần thiết vì vốn ngân sách nhà nước hạn hẹp và vốn vay khó khăn. Tuy nhiên, ông Tha cho rằng khi bán đường cao tốc cần quan tâm đến việc quản lý mức phí hợp lý và không để xảy ra tình trạng tăng mức phí quá mức. Ngoài ra, cần khống chế thời gian thu phí đối với doanh nghiệp. |
Dự kiến, năm dự án cao tốc được đề xuất bán gồm: tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Đà Nẵng - Quảng Ngãi và Bến Lức - Long Thành (đang thi công). Tổng mức đầu tư năm dự án đường cao tốc có tổng chiều dài 540km, trị giá khoảng 125.572 tỉ đồng (gần 6 tỉ USD).
Trong đó, vốn ngân sách đầu tư trực tiếp 71.555 tỉ đồng, tương đương 57%, tự huy động 54.000 tỉ đồng. Hiện có ba tuyến có thể bán được là Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây vì ba tuyến này đã đưa vào khai thác.
Tuy nhiên, việc nhượng quyền các “siêu dự án” này là một chủ trương mới, chưa từng có tiền lệ nên không thể làm một sớm một chiều.
* Hiện đã có doanh nghiệp trong nước và ngoài nước nào dự định mua lại quyền thu phí đường cao tốc không, thưa ông?
- Bước đầu VEC đã gửi thư và có những cuộc tiếp xúc với một số nhà đầu tư danh tiếng trong lĩnh vực quản lý, khai thác đường cao tốc trong khu vực và trên thế giới, từ Nhật Bản, Hàn Quốc, tới EU và Mỹ.
Đối với chúng ta, đây là một nghiệp vụ kinh doanh mới nhưng trên thế giới thì trong phân khúc thị trường này đã có những tập đoàn dày dạn kinh nghiệm. Với tiềm năng của VN, khi mở cửa lĩnh vực này chắc chắn sẽ có rất nhiều nhà đầu tư quan tâm.
* Tại sao đến nay chưa có nhà đầu tư tư nhân nào đầu tư BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) đường cao tốc, thay vì Nhà nước đầu tư làm đường xong mới bán đường cao tốc?
- Như tôi đã nói ở trên, số tiền để đầu tư đường cao tốc là rất lớn nên các nhà đầu tư tư nhân đầu tư xây dựng đường cao tốc sẽ gặp khó khăn về tài chính.
Vừa qua, Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc việc đầu tư đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận theo hình thức BOT và phương án Nhà nước hỗ trợ đầu tư bằng quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương.
* Với tình hình đầu tư xây dựng đường cao tốc hiện nay, liệu đến năm 2020 VN hình thành đường cao tốc Bắc - Nam phía đông không, thưa ông?
- Ðể giảm đầu tư công, thu hút nguồn vốn từ nước ngoài, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT, VEC đang nghiên cứu chuyển nhượng năm tuyến đường cao tốc cho nhà đầu tư nước ngoài để lấy vốn đầu tư dự án mới. Kêu gọi các nhà đầu tư BOT các dự án đường cao tốc, như cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (Tiền Giang) được đầu tư theo hình thức BOT.
Nếu việc này thành hiện thực, một thị trường chuyển nhượng, đầu tư hạ tầng giao thông với giá trị lớn chưa từng có sẽ hình thành. Việc chuyển nhượng đường cao tốc nhằm tạo ra nguồn vốn quay vòng đầu tư các tuyến đường khác. Nếu chỉ trông vào ngân sách nhà nước hay trái phiếu chính phủ sẽ rất khó thành công. Do đó, với quyết tâm thay đổi cách làm, mục tiêu đầu tư xây dựng 2.000km đường cao tốc hoàn toàn có thể thực hiện.
* Hiện cả nước mới có 590km đường cao tốc, theo ông, cần có những giải pháp đột phá nào để đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam?
- Chuyển nhượng lại các dự án đường cao tốc đã hoàn thành, dùng nguồn vốn đó để tiếp tục đầu tư, chắc chắn sẽ rút ngắn rất nhiều thời gian so với hiện nay khi không phải chờ đợi làm thủ tục vay vốn và nhiều trình tự buộc phải tuân thủ khi vay vốn ODA.
Đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương chuyển nhượng quyền thu phí 2.040 tỉ đồng Cuối năm 2013, Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long - chủ đầu tư dự án đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương (TP.HCM, Long An và Tiền Giang - ảnh) - đã ký kết hợp đồng với Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh - đơn vị mua quyền thu phí tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương với giá 2.040 tỉ đồng trong thời gian năm năm. Theo đó, từ 1-1-2014, đơn vị mua quyền thu phí bắt đầu thu phí tuyến đường này với mức phí không thay đổi. Theo chủ đầu tư dự án, trong hợp đồng, từ những năm sau sẽ cho điều chỉnh tăng mức thu phí theo tỉ lệ phù hợp. Hiện nay, doanh thu phí trên đường cao tốc này bình quân khoảng 1 tỉ đồng/ngày. Dự án đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương có tổng mức đầu tư 9.980 tỉ đồng. Hiện nay mức phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương là 1.000 đồng/km đối với xe bốn chỗ, trong khi mức phí đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây là 1.500 đồng/km/xe bốn chỗ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận