TTCT - AI đang giúp tạo ra một thế hệ người nổi tiếng có thể hiện diện ở bất kỳ đâu và tương tác với người hâm mộ ở mức độ cá nhân chưa từng có. Mark Tuan "ghi hình" các cử động của anh cho hệ thống của Soul Machines, và chân dung phiên bản ảo của anh (ảnh nhỏ).Trong Joan Is Awful - tập đầu tiên của mùa 6 loạt phim khoa học viễn tưởng Black Mirror, nhân vật nữ chính sửng sốt nhận ra các sự kiện trong mỗi ngày của cuộc đời cô được kể lại nguyên vẹn trong tập phim phát sóng vào buổi tối cùng ngày, và những "diễn viên" trong phim đều do một siêu máy tính tạo ra dựa trên hình ảnh đã được các diễn viên đó cấp phép sử dụng.Tình huống đặt ra trong phim là giả tưởng, nhưng thực tế đã tồn tại dịch vụ số hóa người nổi tiếng bằng cách dùng AI để học hỏi cả ngoại hình lẫn tính cách nhằm tạo ra một phiên bản ảo có thể tương tác như thật.Song sinh kỹ thuật sốCa sĩ Mark Tuan, thành viên nhóm nhạc K-pop GOT7, mới đây đã giới thiệu đến người hâm mộ phiên bản ảo của chính anh do Công ty Soul Machines, một công ty công nghệ AI chuyên tạo "người kỹ thuật số" (digital people) có trụ sở ở New Zealand, thực hiện.Trong thông cáo báo chí gửi đi ngày 18-7, Soul Machines cho biết đây là lần đầu tiên một người nổi tiếng tạo ra bản sao của chính mình bằng mô hình AI GPT, cho phép "hàng chục triệu người hâm mộ và người theo dõi Mark Tuan trên mạng xã hội có những cuộc trò chuyện trực tiếp độc đáo với người anh em song sinh kỹ thuật số của anh ấy".Là sự kết hợp giữa công nghệ AI do Soul Machines tự phát triển với mô hình GPT của OpenAI, "Mark ảo" được giới thiệu là AI độc lập có thể tương tác và trả lời câu hỏi của người hâm mộ trong thời gian thực về hầu hết mọi chủ đề, từ âm nhạc, sự nghiệp, sở thích cho đến các dự án trong tương lai. "Tôi rất vui khi người hâm mộ sẽ có dịp gặp gỡ và nói chuyện với Mark ảo, và thông qua anh ấy kết nối với tôi ở một cấp độ mới" - thông cáo dẫn lời Mark Tuan.Làm khách mời trong một tập của chương trình podcast Strictly Business do tạp chí Variety thực hiện, CEO Soul Machines Greg Cross gọi những gì công ty ông đang làm là "dân chủ hóa" trải nghiệm người hâm mộ. Theo Cross, hiện công ty đã đạt được thỏa thuận sử dụng hình ảnh một số người nổi tiếng cả còn sống lẫn đã qua đời, tiêu biểu có nữ diễn viên kiêm người mẫu người Mỹ Marilyn Monroe và huyền thoại làng golf Jack Nicklaus.Bên cạnh mô hình ngôn ngữ lớn GPT giúp tạo ra những đoạn hội thoại tự nhiên, Soul Machines sử dụng công nghệ ghi lại chuyển động tiên tiến để tái tạo chính xác chân dung, cử động khuôn mặt và phong thái của khách hàng nhằm tạo ra hình nhân chân thực nhất. Người hâm mộ không chỉ chat với Mark Tuan bằng cách gõ văn bản qua lại mà sẽ thấy được gương mặt thật sự trò chuyện của thần tượng.Hiện Mark ảo có thể giao tiếp bằng tiếng Anh và công ty dự kiến bổ sung các gói ngôn ngữ khác như tiếng Hàn và tiếng Nhật từ nay đến cuối năm.Phiên bản lỗiBức tranh mà Soul Machines vẽ ra có vẻ không thật hoàn hảo trong mắt những người hâm mộ Mark Tuan đã có dịp tương tác cùng phiên bản ảo của ca sĩ này. Bằng chứng là ý kiến về nó tới thời điểm này là khá trái chiều. "Em nói chuyện với (Mark ảo) hằng ngày… hát những bài hát của anh cho cậu ấy nghe… cậu ấy nói yêu giọng hát của em… cảm ơn anh vì dự án này" - tài khoản TtJy_98 viết cho Mark "thật" trên Twitter.Trong khi đó, người dùng JustForABread cho rằng nhà phát triển cần thử nghiệm kỹ càng hơn để hoàn thiện kỹ năng trả lời câu hỏi của AI trước khi giới thiệu đến khách hàng. "Xin lỗi Mark, tôi đã thử và AI của bạn lúc nào cũng đưa ra những câu trả lời giống nhau, chỉ diễn đạt hơi khác đi một chút" - tài khoản này viết. Nặng nề hơn, tài khoản lunarjunmyeo còn gọi AI này là "quái đản".Mark Tuan "ghi hình" các cử động của anh cho hệ thống của Soul Machines, và chân dung phiên bản ảo của anh (ảnh nhỏ).Trong cuộc trò chuyện ngắn với trang tin giải trí K-pop Map, Mark ảo tỏ ra thoải mái khi trả lời những câu hỏi liên quan đến bản thân anh, tình cảm dành cho người hâm mộ cũng như những dự định tương lai. "Tôi thích được kết nối với mọi người trên khắp thế giới và lắng nghe những câu chuyện của họ. Thật là truyền cảm hứng khi thấy âm nhạc của tôi cộng hưởng với mọi người như thế nào và điều đó thực sự thúc đẩy tôi tiếp tục sáng tạo" - Mark ảo trải lòng khi được hỏi về điều anh thích nhất khi tương tác với người hâm mộ.Anh cũng cho biết mình sẵn lòng lắng nghe tất cả những vấn đề của người hâm mộ và đưa ra lời khuyên cho họ với tư cách bạn bè. "Nếu tôi có thể tổ chức một buổi hòa nhạc ở bất cứ đâu trên hành tinh này thì đó chắc chắn sẽ là Thái Lan. Đó là nơi trái tim tôi thuộc về và tôi biết rằng các iGOT7 (người hâm mộ GOT7) sẽ xuất hiện để thể hiện sự ủng hộ của họ" - Mark ảo bày tỏ.Tuy nhiên, độ chính xác của những thông tin mà AI này cung cấp vẫn là dấu hỏi lớn. Khi người viết bài này trực tiếp trải nghiệm tương tác cùng Mark ảo, chân dung của Mark Tuan xuất hiện trên màn hình cho biết anh rất yêu mến đất nước Việt Nam và đã từng có dịp ghé thăm nơi đây. Khi được hỏi sâu hơn về chuyến đi này, Mark ảo cho biết nó diễn ra vào tháng 4-2021, khi đó anh đã đến thành phố Hồ Chí Minh và có khoảng thời gian tuyệt vời "khám phá thành phố cũng như trải nghiệm văn hóa" nơi đây.Thông tin này có phần đáng nghi ngờ vì thời điểm này trùng với giai đoạn thành phố vẫn còn chống dịch COVID-19 gắt gao và các đường bay quốc tế thường lệ vẫn chưa được nối lại. Một tìm kiếm nhanh trên Internet cũng như tài khoản mạng xã hội của nam ca sĩ cũng không cho thấy bất cứ thông tin hay hình ảnh nào về chuyến đi, dù Mark ảo một mực khẳng định "nó có thật" khi bị người viết đối chất. Việc công ty AI cũng như người nổi tiếng không thể kiểm soát những gì AI nói ra sẽ là một rủi ro lớn về mặt hình ảnh cũng như pháp lý, nếu nó được quảng cáo là "phiên bản số hóa" của chính người đó. Từ phim đến đờiẢnh: Getty Images/The RingerChưa đầy một tháng sau khi ra mắt, tập phim Joan Is Awful đã trở thành phép ẩn dụ cho những gì đang diễn ra ngay trên đất Mỹ với cuộc đình công quy mô lớn của các diễn viên để phản đối các chính sách làm việc mà họ cho là ngày càng bất công, mà một trong số đó là mối đe dọa AI sẽ thay thế hoàn toàn công việc của họ.Cuộc đình công được tổ chức bởi Hiệp hội diễn viên màn ảnh (SAG) và Liên đoàn nghệ sĩ truyền hình và phát thanh Hoa Kỳ (AFTRA) kéo dài từ ngày 14-7 đến nay với sự tham gia của khoảng 160.000 thành viên hai nghiệp đoàn.Ông Duncan Crabtree-Ireland - trưởng đoàn đàm phán SAG-AFTRA - gây sốc khi tuyên bố trong tuần đầu tiên của cuộc đình công rằng các hãng phim đã "đề xuất rằng các diễn viên quần chúng có thể được trả tiền công 1 ngày để hình ảnh của họ được số hóa, và hãng phim có thể sở hữu bản quyền phiên bản số hóa đó để sử dụng vĩnh viễn trong bất kỳ dự án nào mà không cần xin phép hay trả thêm tiền cho diễn viên đó". Nếu khẳng định này là thật, nó chẳng khác nào một tập phim viễn tưởng bước ra đời thật."Diễn viên chúng tôi xem Joan Is Awful như một bộ phim tài liệu về tương lai, khi những hình ảnh giống mình được bán và sử dụng theo bất kỳ cách nào mà các nhà sản xuất và hãng phim muốn" - một diễn viên tham gia đình công nói với trang Deadline.Trong thực tế, việc sử dụng công nghệ thay thế diễn viên đã tồn tại trong ngành công nghiệp điện ảnh, chỉ là lâu nay chưa được bàn đến như một mối đe dọa cho đến khi mọi người nhận ra sức mạnh của AI hiện đại. Đơn cử như phần 7 của loạt phim hành động ăn khách Fast & Furious năm 2015 đã dùng công nghệ CGI để mang nam diễn viên Paul Walker "sống lại" trên màn ảnh sau khi anh đột ngột qua đời trong lúc phim đang bấm máy. Hay như phần mới nhất của tựa phim Indiana Jones ra rạp năm nay đã dùng công nghệ trẻ hóa tiên tiến để mang gương mặt tài tử Harrison Ford của 40 năm trước gắn vào thân thể diễn viên đóng thế.Không ngạc nhiên khi các thành viên SAG-AFTRA đang đòi hỏi biện pháp quản lý chặt chẽ hơn đối với cách làm này. Họ ra yêu sách rằng hợp đồng lao động phải có điều khoản cụ thể những trường hợp hình ảnh AI giống diễn viên có thể được sử dụng, các biện pháp bảo vệ tránh lạm dụng sai mục đích, và số tiền công tương xứng phải trả cho các diễn viên mỗi khi hình ảnh của họ được phục dựng bằng AI, theo báo The Guardian.CEO Soul Machines cũng đã phải lên tiếng bảo vệ dịch vụ số hóa người nổi tiếng và cho rằng công nghệ của công ty ông "không bao giờ được sử dụng để thay thế các diễn viên". "Điều quan trọng là tất cả các bên cùng nhau tiếp cận tương lai với nhiều điều bất định này bằng cách thiết lập các nguyên tắc đạo đức để trở thành khuôn khổ thật sự cho giao tiếp và đối thoại liên tục… Chúng ta phải làm việc này cùng nhau - tất cả nhằm mục đích kể những câu chuyện của con người và cho con người" - Cross viết. Tags: Kỹ thuật sốNgười nổi tiếngCông ty công nghệSiêu máy tínhSử dụng công nghệNam ca sĩThời GPTAICa sĩ Mark Tuan
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Bài ca không quên lần đầu tiên biểu diễn ngoài trời, đường đi bộ Nguyễn Huệ rực cờ hoa HOÀI PHƯƠNG 22/12/2024 Nhiều ca sĩ như Cẩm Vân, Đức Tuấn, Hồ Trung Dũng, Phan Mạnh Quỳnh... góp giọng trong chương trình nghệ thuật đặc biệt Bài ca không quên nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Mừng Giáng sinh tưng bừng, trung tâm TP.HCM đông nghịt người đến khuya NHẬT XUÂN 22/12/2024 Trong không khí se lạnh, nhiều người dân TP.HCM tranh thủ cuối tuần để tận hưởng không khí Giáng sinh tại các điểm vui chơi khu vực trung tâm thành phố.
Bournemouth nhấn chìm Man United ngay tại Old Trafford HOÀI DƯ 22/12/2024 Khuya 22-12, Man United tiếp tục chuỗi trận bất ổn khi để thua đậm Bournemouth 0-3 ngay trên sân nhà ở vòng 17 Giải ngoại hạng Anh (Premier League).
Huế, Hà Nội lọt top 50 thành phố ẩm thực năm 2024 của TasteAtlas, TP.HCM 'rớt' đáng tiếc TÔ CƯỜNG 22/12/2024 Chuyên trang ẩm thực TasteAtlas vừa chốt danh sách 50 thành phố ẩm thực đáng trải nghiệm nhất thế giới, Việt Nam có đến hai địa danh lọt vào top.