Hai phụ nữ Mông vác gùi vào rừng hái măng
Đặc biệt đây là một trong những nơi lý tưởng nhất để mọi người ngắm mây, săn ảnh, "hít hà" hương hoa của đất trời mỗi độ xuân về.
Đi ngắm mây đêm
Từ Hà Nội có nhiều đường để lên Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Tà Xùa. Với những người đam mê du lịch bụi thường họ sẽ chọn đi theo Quốc lộ 32 rồi Quốc lộ 37 với độ dài khoảng 200km.
Ở đoạn cuối cùng từ Thị trấn Bắc Yên lên Tà Xùa dài gần 20km cũng là ấn tượng nhất với các phượt thủ. Đây là đoạn đường nhiều khúc cua với độ dốc lớn, xuất hiện liên tục đòi hỏi các tay lái phải có kỹ năng leo-đổ đèo tốt, làm chủ phương tiện của mình.
Bản làng Tà Xùa ngập tràn sắc xuân 2018
Lên đến trung tâm xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên cũng chính là vùng lõi của KBTTN là lúc chúng ta đang được hiện diện ở độ cao từ 1.500-2.000m so với mực nước biển. KBTTN Tà Xùa được thành lập từ năm 2002 với tổng diện tích hơn 42 nghìn ha (gồm cả vùng lõi và vùng đệm).
Sau một ngày mệt nhoài với những cung đường, khúc cua, đèo dốc chúng tôi và một số nhóm phượt chọn nhà trọ bình dân để qua đêm. Bữa cơm tối muộn có những món ăn dân dã như rau cải mèo, gà đồi, măng xào, canh chua... Một số bạn trẻ đi theo nhóm chọn phòng ngủ tập thể với giá 50 ngàn đồng/ đêm. Những ai cần riêng tư và có nhu cầu ngủ ít người thì chọn phòng trọ bình dân cũng chỉ mất 150 ngàn đồng/ đêm.
22h đêm, một nhiếp ảnh gia nghiệp dư từ Hà Nội lên rủ mọi người đi ngắm mây đêm. Theo kinh nghiệm của anh thì vào mùa xuân ở Tà Xùa mây thường xuất hiện nhiều ở các thung lũng từ 22h- 23h đêm.
Vừa ra khỏi khu nhà trọ, đã thấy mây xuất hiện tứ bề. Từ điểm nghỉ chân, nếu muốn ngắm mây đêm đẹp và nhiều chúng ta có thể chạy 2km lên Đỉnh Gió, 4km tới Bản Trò, hoặc đi xa hơn khoảng 11km sang khu vực "Sống lưng Khủng Long" (*)...
(*) Theo dân du lịch thì ở vùng Tây Bắc hiện có 2 địa điểm được gọi là "Sống lưng Khủng Long" mà nhiều người nhầm lẫn tưởng là một. Thực chất có một "Sống lưng Khủng Long" với những dãy núi cao chót vót trong đó đỉnh cao nhất đến 2.865m nằm ở huyện Trạm Tấu, Yên Bái. "Sống lưng Khủng Long" còn lại chính là ở KBTTN Tà Xùa, Bắc Yên, Sơn La với độ cao khoảng 1.200m. Vì độ cao thấp, lại có thể đi xe máy dọc theo sườn núi nên một số người dân vẫn gọi vui "Sống lưng Khủng Long" ở Tà Xùa là "Sống lưng Thằn Lằn".
Từ những chiếc đèn xe, ánh đèn điện của các ngôi nhà ở bản Mông trên núi, cộng với kỹ thuật chụp phơi sáng tốt, mấy người bắt đầu đua nhau săn mây đêm. Sau khoảng 1 giờ đứng ở các mỏm núi, nhiều người chụp được các bức ảnh ấn tượng. Những ngôi sao sáng xuất hiện trong ảnh thành những vệt nhỏ, như cơn mưa sao băng đổ xuống biển mây bồng bềnh bên ánh điện hắt ra. Nó cho ta cảm giác huyền ảo nơi núi rừng.
Khi trời tờ mờ sáng, KBTTN Tà Xùa hiện ra với khung cảnh mây vờn, sương giăng khắp lối. Đứng trên những đỉnh núi cao, chúng tôi ngỡ như mình đang lạc vào miền tiên cảnh. Đất trời giao hòa, xích lại gần nhau và con người thật nhỏ bé, cô liêu trong cái bao la, vời vợi đó. Đến thời khắc bình minh, mặt trời dần nhô lên khỏi biển mây bao la. Quầng mặt trời tỏa ánh vàng đỏ, chiếu xuống những thung lũng ngập tràn mây làm thỏa mãn bao chờ đợi của mọi người.
Mây bay, đào nở
Những thung lũng ở Tà Xùa thường được bao bọc kín bởi các dãy núi cao chót vót, ít gió nên mây thường quện lại, bồng bềnh rất lâu tan. Đến khi nắng đã nhô cao gần đỉnh đầu, đồng hồ điểm 10-11h mà biển mây vẫn chưa chịu tan.
Một đoạn đèo nhìn từ trên cao mang hình trái tim rất ấn tượng khi gần đến xã Tà Xùa, Bắc Yên
Tà Xùa được thiên nhiên ưu đãi với nền nhiệt độ quanh năm mát mẻ. Vào mùa xuân, thời tiết thường rất đẹp, từ 10-20 độ C. Đặc biệt ban ngày thường có nắng, trời trong xanh rất thích hợp cho các phượt thủ, tay máy đi săn mây, ngắm cảnh núi rừng.
Chúng tôi lang thang qua các bản làng thuộc nhiều xã như: Láng Chiều, Xím Vàng, Tà Xùa, Háng Đồng để thỏa mắt ngắm mây. Những ai đã đi Sapa, Tam Đảo, Sìn Hồ, Bình Liêu... để ngắm mây và chụp ảnh đều phải tận dụng tối đa thời gian, bởi mây ở những nơi này thường tan rất nhanh, không được thảnh thơi thưởng thức đã mắt như ở KBTTN Tà Xùa.
Vào mùa xuân nên mọi người còn rủ nhau đi ngắm hoa đào rừng. Ở Tà Xùa, đào rừng thường bung nở từ trước tết nguyên đán cho đến tháng 2 âm lịch năm sau. Những cánh đào đỏ thắm khoe sắc cùng đất trời càng làm cho khung cảnh thêm đậm sắc xuân.
Hoa đào đung đưa trong gió bên những bản Mông làm cho mọi người thêm vui tươi, cùng mong ước một năm tốt lành. Trong chuyến đi, chúng tôi còn biết thêm một loài hoa đào được gọi với cái tên đào chuông, đào của người Mông hay hoa Tớ Dày.
Lúc sáng sớm cung đường lên đỉnh núi mờ ảo
Ở nhiều thôn, bản vùng lõi của KBTTN, người Mông chiếm đến trên 90% dân số. Người Mông ở đây sáng sáng lại mang gùi vào rừng hái măng, kiếm củi. Một số khác rủ nhau lên nương chăm sóc mảnh ruộng trồng lúa, ngô, sắn của gia đình. Mấy năm trở lại đây nhờ có nhiều du khách tới tham quan, một số người Mông biết mở thêm các dịch vụ để có thêm thu nhập bên cạnh nghề nông, nghề đi rừng truyền thống.
Các thiếu nữ Mông hay mặc trang phục truyền thống với chiếc váy xòe nhiều màu sắc để lên nương, đi chợ phiên, đi chơi... Trai gái hẹn hò trên những mỏm núi cao, cùng thề ước lời yêu giữa biển mây, đất trời bao la.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận