TTCT - Thành phố là nơi tiếp nhận đa chiều, được bồi đắp bởi các văn hóa khác nhau, các nhóm khác nhau, năng động chứ không tĩnh tại. Thành phố phải chấp nhận trong lòng nó tất cả sự tương phản và đa dạng, cả tinh hoa lẫn bình dân, cả các nhóm giàu có và nghèo túng, các nhóm đầy quyền lực và những người yếu thế, chính cư và ngụ cư… Như thế này mà là thành phố đáng sống ư? Những con thuyền - nhà rách nát nửa neo đậu nửa trôi dạt trên bờ sông vắng đìu hiu, nước đục đỏ ngầu, những đứa trẻ đen nhẻm gầy gò nửa chèo nửa đẩy chiếc thuyền tôn bé tí là hình ảnh lạ lẫm trong triển lãm ảnh Vì một Hà Nội đáng sống, tới nỗi có những bạn trẻ đã thốt lên “Như thế này mà là một thành phố đáng sống ư!” khi xem. Các bức ảnh trong bài của Vũ Quang Huy trong cụm ảnh "Xóm ven sông" tại triển lãm ảnh Vì một Hà Nội đáng sống. Quả thực, những xóm chài đô thị gồm chủ yếu là dân ngụ cư, sống trong những “ngôi nhà” nửa chìm nửa nổi như vậy vẫn hiếm khi được coi là một phần của Hà Nội, mặc dù những xóm chài nghèo này chỉ cách trung tâm thành phố, bờ hồ Hoàn Kiếm và ngôi Tháp Rùa cổ kính chừng một kilômet. Những hình ảnh lưu lại ký ức về một thời ngụ cư của những thân phận trôi dạt ấy hoàn toàn đối lập với nét thanh bình yên ả trong công viên Bách Thảo, nơi hai cụ già ngồi xích đu trò chuyện, hay với những người tản bộ dưới vòm hoa ban đỏ tháng 4. Những đứa trẻ nhếch nhác nghèo đói đang chèo chiếc thuyền thủng, nước lắp xắp đáy thuyền ấy là hình ảnh trái ngược với những em bé đang tập trung cao độ, ánh mắt hướng lên chơi bóng chuyền trong sân chơi giữa phố hiện đại và rộng rãi. “Ồ, anh suy nghĩ, nhớ về thành phố của anh chỉ gồm những khu chung cư được quy hoạch chỉn chu cũng được, còn trong ký ức của tôi thì thành phố phải là nơi có những con ngõ nhỏ, có chợ dân sinh, có trà đá vỉa hè cũng được. Điều quan trọng là chúng ta chấp nhận, tôn trọng những không gian khác biệt ấy của nhau, không cố tìm cách xóa đi những không gian của người khác” - anh Lê Quang Bình, trưởng Nhóm làm việc vì sự tham gia của người dân (PPWG), người khởi xướng triển lãm này, nói với tôi. Nói khái quát hơn, sự dung hòa các bản sắc khác nhau của Hà Nội đã mang đến một tinh thần rất khác biệt. Mở ngay tại không gian phố đi bộ quanh hồ Gươm, có lẽ đây là một triển lãm hiếm hoi đem lại những mảng màu đối lập như vậy về một thành phố vẫn được tin rằng có duy nhất một bản sắc ngàn đời, nơi trong truyền thống chỉ có những thị dân và tinh hoa gìn giữ lối sống thanh lịch riêng. Cách tổ chức và lựa chọn những khuôn hình định nghĩa mới về Hà Nội như thế là theo cách làm “từ dưới lên” - lấy tiếng nói những người trong cuộc, đang sinh sống ở Hà Nội chứ không phải những nhà chuyên môn. Triển lãm này được PPWG và Đại sứ quán Đan Mạch tổ chức, nhưng việc đưa ra tiêu chí chọn lọc từng tấm ảnh để thể hiện tinh thần “như thế nào là một Hà Nội đáng sống” lại hoàn toàn do các thành viên nhóm ảnh 9194 tự quyết định. Và kết quả là, những ký ức, khoảnh khắc đáng nhớ về Hà Nội của “những người Hà Nội” - vốn không chỉ là những người Hà Nội “gốc” mà từ nhiều “gốc” khác nhau - không mang nặng những diễn ngôn về một thành phố hàm chứa những giá trị tinh hoa, mà chủ yếu là những điều giản dị, thân thuộc trong cuộc sống hằng ngày. Đó có thể là những quán hàng ăn quen, vườn hoa công viên, con ngõ nhỏ chật chội, khu tập thể cũ nát... cho đến những xóm nghèo của dân ngụ cư. Ảnh của Vũ Quang Huy trong cụm ảnh "Xóm ven sông" tại triển lãm ảnh Vì một Hà Nội đáng sống. Việc tự định nghĩa, với những cảm nhận đa dạng, thậm chí trái ngược về Hà Nội ấy cho thấy không có một Hà Nội duy nhất, mà có nhiều Hà Nội, với những “bản sắc khác biệt”, của những thân phận trái ngược nhau. Có thể nhận thấy rõ ràng điều khác biệt của triển lãm này so với những triển lãm trước đó vốn vẫn tập trung vào “một Hà Nội thanh lịch, văn minh”. Trong đời sống trước đấy, diễn ngôn, các khái niệm “người Hà Nội”, “bản sắc Hà Nội”, “lối sống Hà Nội”, “ngôn ngữ Hà Nội”... đã gần như được đóng đinh và nhắc đi nhắc lại một cách hiển nhiên, thể hiện cho một quan điểm tưởng như không thể chối cãi rằng đây là nơi kết tinh của tinh hoa văn hóa. Nhưng những diễn ngôn ấy có vô hình trung loại trừ những thân phận bấp bênh của những dân chài, hình ảnh những xóm nghèo đô thị, người di cư đang ngày đêm đổ về thành phố này tìm kiếm kế sinh nhai hay không? Trước khi thảo luận câu hỏi này, xin kể thêm cho các bạn nghe về một dự án khác - “Di sản ký ức: Thành phố của tôi”. Ký ức của ai? Có một thực tế là lâu nay, việc nghiên cứu, viết lách, xuất bản về các giá trị di sản dường như chỉ thuộc về một số ít những người có chuyên môn. Nhưng chính điều đó làm bật ra câu hỏi: Ký ức lịch sử được lưu trữ đó là ký ức của ai, trong đó có ký ức của tôi không? Có phải của những người bình thường nhất, không làm nên kỳ tích vĩ đại hay đột phá nào cho thành phố này nhưng vẫn đang chứng kiến và tham gia lịch sử, từ những biến đổi long trời lở đất cho tới từng nhịp thở thường ngày của thành phố? Với mỗi người, lịch sử của thành phố, thậm chí của đất nước, dân tộc sẽ chỉ trở nên gần gũi, đầy cảm xúc, có ý nghĩa thân thương hơn khi gắn với những dấu mốc cuộc đời mình. Hãy thử nghĩ mà xem, một người mẹ sẽ chỉ nhớ về những mốc lớn trong lịch sử của đất nước như năm 1975 hay trước Đổi mới 1986 chủ yếu thông qua niềm vui hạnh phúc đoàn viên, tới những khó khăn mà cả gia đình đã trải qua như nỗi khổ cực trong chăm sóc con cái, nỗi thiếu đói, hành trình cực nhọc tìm nơi an cư... Chính những ký ức bình dân sống động và sâu bền ấy mới khiến cho thành phố, dù trẻ trung vài trăm tuổi hay nghìn năm tuổi, trở nên có sức sống hơn so với việc phải ghim vào những dấu mốc lịch sử to tát, khô khan. Nhưng ta cũng đã thấy, thật tiếc là lịch sử “chính thống” thường rất hiếm khi chạm tới những xúc cảm đa dạng và sống động thường ngày đó. Một bức trong cụm ảnh "Xóm ven sông" của Vũ Quang Huy tại triển lãm Vì một Hà Nội đáng sống. Ảnh: Huy Vũ Vậy làm cách nào trao cho đại chúng cơ hội cất lên tiếng nói về nơi chốn mà mình gắn bó? Điều này tưởng chừng như rất khó, khi đại chúng ở đây hầu hết là người dân ở các tầng lớp, cội rễ và hoàn cảnh khác nhau, họ có vô vàn ký ức nhưng ai sẽ là người viết lại? Nhóm của PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện Nghiên cứu đời sống xã hội (SocialLife), quyết định làm một điều mới lạ: mời chính những người chưa từng có chuyên môn gì tự viết lịch sử bình dân ấy. Anh xin tài trợ, khảo sát hàng trăm người trẻ ở TP.HCM, tổ chức các lớp tập huấn cho họ để tiến hành ghi chép lại những câu chuyện về vùng đất và con người Sài Gòn xưa và nay là TP.HCM. Không gian tương tác mà dự án tạo ra cho đại chúng sẽ góp phần tạo ra một dòng sử học “bình dân”, giúp nó tồn tại một cách bình đẳng bên cạnh dòng sử học “chính thống”. Đi tìm câu trả lời về bản sắc Trở lại vấn đề ban đầu: diễn ngôn Hà Nội có riêng một bản sắc, người Hà Nội có riêng một phẩm chất hay rộng ra hơn là thành phố phải là nơi kết tụ tinh hoa? Đây không phải là những thông điệp chung chung cửa miệng chỉ được nhắc tới bởi các chính quyền thành phố, hay trên truyền thông mà còn được thể hiện trong các chính sách (1), được lập luận trong hàng loạt nghiên cứu (2). Chẳng thế mà PGS.TS Nguyễn Văn Chính, Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội, đã thốt lên rằng “nỗi ám ảnh của giả thuyết về một bản sắc văn hóa riêng của Hà Nội đã làm nảy sinh chủ nghĩa hoài cổ và biến các công trình khoa học thành những bản tụng ca, gán cho thành phố này những giá trị vượt thời gian và không gian, tạo ra một lớp sương mờ ảo như huyền thoại phủ lên trên thành phố ngàn năm tuổi nhưng vẫn đang không ngừng đổi thay này”. Trên thực tế, Hà Nội cho đến tận ngày nay vẫn là không gian bao gồm cả phố và làng, vẫn có cả những thị dân và nông dân, vẫn có cả những công dân quốc tế cho tới người dân tộc ít người từ những xã miền núi xa xôi, vẫn có những khu đô thị đẹp lộng lẫy nhưng không thiếu những nơi bùn lầy nước đọng. Lịch sử đã chứng minh, các đô thị luôn là điểm đến hấp dẫn của nhiều luồng di cư, trong đó nếu tạm phân loại thì sẽ có luồng tinh hoa và luồng bình dân, tinh hoa được tuyển chọn và thu hút, bình dân hoặc những người bần hàn tứ chiếng tự đổ về đây tìm kế sinh nhai. Cũng không thể phủ nhận một thực tế rằng, từ trong lịch sử xa xưa, các chính quyền thủ đô đã có lúc chỉ mong thu hút tinh hoa, muốn đẩy và đuổi người nhập cư nghèo ít giá trị (3). Chẳng hạn, tài liệu lịch sử cho thấy từ thế kỷ 15, vua Lê Thánh Tông từng ra lệnh đuổi tất cả những người dân tứ xứ đổ về Thăng Long kiếm kế sinh nhai, và nhà vua chỉ kịp sửa sai sau khi nhận thấy chính những người di cư đã góp phần quan trọng phát triển kinh tế của đô thành và đóng thuế nuôi triều đình. Những nghiên cứu gần đây hơn thì cho thấy nhóm nhập cư nghèo luôn chịu sự phân biệt đối xử và thiệt thòi trong tiếp cận các nguồn lực chung ở đô thị (4). Nhưng bản chất của những đô thị, siêu đô thị như Hà Nội và các thành phố mới nổi khác là thu hút, tập hợp về mình nguồn lực đa dạng, không thể đòi hỏi chỉ nhận lấy những gì tinh hoa đẹp đẽ, loại bỏ những thành phần xấu xí bần cùng khác. Do đó, những phát ngôn về một bản sắc đẹp đẽ duy nhất vô hình trung đã lờ đi những nhóm nhỏ, yếu thế nhưng đông đảo và trên thực tế đang góp phần tạo ra một diện mạo thành phố - như nó vốn có và không thể phủ nhận, mà đang bị lờ đi. Đã đến lúc nghĩ tới việc định nghĩa bản sắc của thành phố chính là sự đa dạng thay vì tôn sùng một bản sắc duy nhất có phần tưởng tượng và duy ý chí, tìm các diễn ngôn dung hợp những bản sắc khác nhau. Thành phố là nơi tiếp nhận đa chiều, được bồi đắp bởi các văn hóa khác nhau, các nhóm khác nhau, năng động chứ không ngủ yên, tĩnh tại. Thành phố phải chấp nhận trong lòng nó tất cả sự tương phản và đa dạng, cả tinh hoa lẫn bình dân, cả các nhóm giàu có và nghèo túng, các nhóm đầy quyền lực và những người yếu thế, chính cư và ngụ cư... Và thực tế thành phố đủ chỗ cho tất cả sự khác nhau ấy, vấn đề là chính sách và diễn ngôn của thành phố ra sao để truyền đi một thông điệp cởi mở đúng đắn. Bởi chính nhờ thế mà các thành phố trở nên giàu có hơn, cả theo nghĩa giàu vật chất và văn hóa. Khi tôn trọng các tiếng nói đa dạng như vậy thì lịch sử của thành phố sẽ thêm màu sắc sống động và trung thực, sẽ không có một lịch sử duy nhất, một quá khứ duy nhất, mà từ mỗi điểm nhìn của từng cư dân sẽ có một lịch sử, một câu chuyện, một dáng hình thành phố. ■ Tham khảo: (1): Chẳng hạn như Luật thủ đô. (2): Có thể tìm đọc những ấn bản trong dự án “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến” do TP Hà Nội thực hiện, nhằm thu thập toàn bộ tư liệu liên quan đến thành phố. (3): Free Migrants in Urban Space: The Case Study of a Slum in Hanoi. In: Vo Quang Trong & Amareswar Galla (eds.), Museum and Urban Anthropology, Vietnam Museum of Ethnology: Hanoi, 2009, p.242-262 và Nguyễn Văn Chính, Cấu trúc và giải cấu trúc bản sắc Hà Nội, in trong Khoa Lịch sử: Một chặng đường nghiên cứu (2006-2011), NXB Thế Giới, Hà Nội 2011, tr.163-169. 4) Phạm Văn Quyết, Trần Văn Kham, Sự kỳ thị đối với lao động nhập cư nghèo tại các đô thị Việt Nam, Khoa Học Xã Hội, số 11, 2015, trang 42-50. Hai dự án nhỏ bé và khác biệt này đã đặt ra những câu hỏi mới mẻ nhưng căn cốt về diễn ngôn về bản sắc của các thành phố. Thành phố này của ai? Lịch sử thành phố của ai và do ai nắm giữ? Nó cũng mở ra một không gian vô tận cho tất cả mọi người nhìn vào: hóa ra thành phố này có muôn vàn điều ta chưa biết và cần khám phá tìm tòi, miễn là cần nhìn bằng nhiều quan điểm khác, lăng kính khác, chiều cạnh khác, độ sâu khác. Tags: Hà NộiĐô thịNhập cưTinh hoaBình dânGóc nhìn khác
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Nhân viên quán bia kể lúc đập khóa, dập tắt ngọn lửa trong căn nhà bốc cháy HỒNG QUANG 22/11/2024 Phát hiện đám cháy bùng lên trong căn nhà khóa cửa, 3 người đàn ông làm việc ở quán bia gần đó đã tiếp cận để phá khóa. Họ sau đó dùng bình cứu hỏa để dập tắt ngọn lửa.
Chỉ có 10% người tiêu dùng thực hiện những gì họ tuyên bố về hành vi môi trường NHƯ BÌNH 22/11/2024 72% người Việt nói sẵn sàng trả thêm tiền cho sản phẩm thân thiện môi trường. Nhưng khảo sát cho thấy chỉ có khoảng 10% người tiêu dùng thực hiện những gì họ tuyên bố khi nói đến hành vi môi trường.
Đình chỉ nhiều kiểm toán viên, có cả ‘phó tổng’ từng ký báo cáo tài chính SCB BÌNH KHÁNH 22/11/2024 Một số kiểm toán viên thuộc các công ty nổi tiếng như Ernst & Young Việt Nam, KPMG vừa bị đình chỉ đến hết năm 2024. Ngoài ra, Kiểm toán DFK Việt Nam và Moore AISC cũng có kiểm toán viên bị đình chỉ.
Bà Tôn Ngọc Hạnh trở thành bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước A LỘC 22/11/2024 Bà Tôn Ngọc Hạnh, 44 tuổi, được điều động, chỉ định làm tân bí thư Tỉnh ủy Bình Phước và là bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước hiện nay.