Phóng to |
Sinh viên lớp kế toán chương trình đào tạo đặc biệt của Trường ĐH Mở TP.HCM trong giờ học tiếng Anh nâng cao của học kỳ III chiều 1-8 - Ảnh: Như Hùng |
“Mùa hè năm nay tôi dự định về Hoài Nhơn, Bình Định thăm gia đình mấy hôm. Sau đó, tôi sẽ trở lại thành phố xin làm phục vụ nhà hàng kiếm tiền trang trải việc học. Tôi cũng dự định học thêm tiếng Anh, tin học trong hè. Tuy nhiên, những dự định của tôi đã... phá sản khi trường thông báo áp dụng học kỳ hè” - bạn Nguyễn Thị Kim Chi, sinh viên năm nhất Trường ĐH Mở TP.HCM, nói. Nhiều sinh viên trường này cho biết đã hủy những kế hoạch trong dịp hè như đi Mùa hè xanh, tham gia công tác xã hội, làm thêm, học tiếng Anh, tin học, học thêm văn thể mỹ... để học chính khóa trong hè theo lịch của trường.
Học chính khóa suốt hè
Trước đó, Trường ĐH Mở TP.HCM thông báo từ mùa hè năm nay trường sẽ triển khai học kỳ III cho sinh viên các khóa 2009, 2010 và 2011. Những lớp này khai giảng từ ngày 16-7 và kết thúc vào giữa tháng 10. Trong thông báo thời hạn đăng ký môn học trực tuyến cho học kỳ này, trường lưu ý: “Học kỳ III cũng như học kỳ I và học kỳ II. Vì vậy, yêu cầu sinh viên tham gia đăng ký học đầy đủ”.
Th.S Nguyễn Thành Nhân - trưởng phòng quản lý đào tạo Trường ĐH Mở TP.HCM - cho biết: “Việc tổ chức ba học kỳ tạo điều kiện cho sinh viên khi rớt môn học có thể đăng ký học lại mà không phải đợi đến năm sau. Học kỳ hè không bắt buộc. Sinh viên có nhu cầu thì đăng ký học và trường sẽ mở lớp. Giảng viên muốn dành thời gian nghỉ ngơi, nâng cao nghiệp vụ trong dịp hè có thể không tham gia giảng dạy”.
Dù ông Nhân khẳng định như vậy nhưng với lưu ý trên của nhà trường, Chi và nhiều sinh viên cho biết đã đăng ký học chính khóa suốt mùa hè năm nay. “Không kịp thở nữa. Học suốt cả năm luôn. Vừa thi xong học kỳ II đã phải đăng ký học đến hết hè. Nhiều bạn vừa thi học kỳ vừa tranh thủ đăng ký môn học trực tuyến các môn học kỳ III. Cũng đuối lắm nhưng trường quy định thì phải học” - một sinh viên ta thán.
“Trường xếp lịch thì học thôi”
Tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng, môn thi chính khóa học kỳ II kết thúc ngày 2-6 thì 4-6 sinh viên đã phải vào lớp học hè. Các khóa học này sẽ kết thúc ngày 29-7. “Lớp tôi đăng ký học kỳ hè đông lắm. Bạn này thấy bạn kia đăng ký học cũng ở lại thành phố học cho yên tâm. Dù không bắt buộc nhưng nhiều sinh viên vẫn đăng ký tham gia bởi trường xếp lịch thì phải học thôi” - một sinh viên ngành bảo hộ lao động cho biết.
Tương tự, theo danh sách sinh viên đăng ký học kỳ hè năm học 2011-2012 của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), có khoảng 1.800 lượt đăng ký của sinh viên học các môn đại cương, kỹ năng mềm trong hè này. Sinh viên khoa cơ điện tử Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM cũng sẽ kết thúc học kỳ hè vào ngày 5-8 và thi từ ngày 6 đến 19-8. Sinh viên Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn cũng thi các môn ở học kỳ hè đến ngày 3-8 mới kết thúc...
Đỗ Đức Hoàng - sinh viên Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM - cho biết: “Có gần một nửa lớp tôi đăng ký học hè trong năm nay. Trước đó tôi cũng không định đăng ký học hè mà về quê thăm gia đình. Tuy nhiên, thấy mấy bạn học cũng...sốt ruột quá nên ở lại học”. Hoàng đăng ký học bốn môn và kết thúc vào giữa tháng 8.
Ảnh hưởng tiêu cực đến người học Thời gian nghỉ hè có rất nhiều ích lợi cho những người đi học để họ có thể nghỉ ngơi, nhìn lại một năm học và tìm cách thức, giải pháp đổi mới trong năm học tới. Nếu “lấy mất” đi kỳ nghỉ hè chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần, sức khỏe của người học. Do đó, cần phải bảo đảm thời gian nghỉ hè thích hợp cho tất cả đối tượng đi học. Nhà trường nên lưu ý phải tổ chức sao cho người học có thời gian nghỉ hè. Bên cạnh đó, giảng viên cũng cần có nhu cầu được nghỉ hè nhưng khi mở lớp ra họ bị vào thế “buộc” phải dạy. Tôi nghĩ các trường cần thiết mới tổ chức học hè để người học, người dạy chuẩn bị tinh thần sảng khoái cho năm học mới. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận