Giữa các khe núi, những thửa ruộng bậc thang chỉ còn lại gốc rạ trơ vàng cùng vài chú ngựa nhởn nhơ lắng tai nghe tiếng chim chiều rớt xuống từ bầu trời xanh thăm thẳm. Giờ này trong mỗi nhà của bản, mùa đã cất im lìm trong những rương gỗ bồ giang để sẵn sàng cho một cái tết mừng mùa đương tới.
Người bản Rịn đa số là dân tộc Tày. Vào dịp tết mừng mùa (tức khi mẻ lúa cuối cùng của vụ lúa đã được phơi khô và cất vào rương vào bồ, cùng với đó là những vạt chè phía chân đồi chớm hơi lạnh phía Bắc lười ra búp non báo hiệu cho dân bản những ngày tới nông nhàn), người dân thường giã bánh giầy và làm rượu đao để cúng tổ tiên, trời đất, tỏ lòng biết ơn một thế lực vô hình đã giúp đỡ một vụ mùa tươi tốt.
Ai đến nơi đây vào khoảng thời gian này đều có thể nghe thấy đâu đó dưới các lùm cây trong chân đồi thỉnh thoảng vọng về tiếng rậm rịch giã bánh. Có thể là lúc sáng mai tiếng chày vồn vã xua màn sương về với chốn hư vô nào đó. Và cũng có thể là vào lúc ban chiều tiếng chày như nâng cánh diều sáo bay cao quyện vào làn khói của những đứa trẻ chăn trâu đốt nương đốt rạ - Đó là tiếng chày giã bánh để cúng dường tiên tổ. Còn khi bóng chiều tà khuất sau những rặng bương, rặng nứa, tiếng chày đêm lại đều đều vang lên - Đó là tiếng chày giã bánh của đám thanh niên trai gái trong bản rủ nhau giã bánh ăn chơi.
Theo lời người trong bản, để có được một mâm bánh giầy không hề đơn giản chút nào. Đó là cả một quá trình mà chỉ những ai được tham gia mới cảm nhận được hết sự tinh túy của một loại bánh mang biểu tượng của ông trời trong quan niệm dân gian của dân tộc Tày.
Bánh giầy làm từ loại nếp hương, hạt tròn mẩy được trồng từ những thửa ruộng bậc thang cao trên núi. Lúa nếp sau khi phơi khô mang xay xát lọc bỏ bụi cát đem ngâm với nước đun sôi để nguội chừng năm giờ. Sau đó vớt gạo vào một cái hông gỗ dài chừng năm mươi phân hình tròn đường kính rộng khoảng mười phân to ở miệng và thắt nhỏ ở đáy. Hông đồ nếp được làm từ thân cây cọ già đục đẽo cẩn thận. Mỗi hông có thể đồ được mười hai bơ gạo. Khi nồi nước đồ bắc trước đó sôi mới đặt hông lên miệng nồi có lỗ thông cho hơi nước hấp vào gạo. Duy trì lửa liu riu cho đến khi cơm trong hông chín dẻo thì bắc cơm xuống đổ vào cối đá đã được thoa một lớp mỡ heo để khi giã bánh cơm không bị dính. Khâu giã bánh vất vả nhất vì cơm nếp dù đã chín dẻo nhưng vẫn còn nguyên hạt. Người giã bánh phải giã cho đến khi cơm nhuyễn dẻo quánh lại với nhau. Mỗi cối giã phải hai người đứng đối diện nhau. Khi cơm đã nhuyễn quánh lại thì mang ra nặn bánh. Bánh giầy người Tày to bằng miệng chiếc bát con ăn cơm. Nhân bánh được làm bằng vừng hoặc đậu đã được tẩm đường hoặc tẩm muối tùy thuộc khẩu vị từng người. Bánh làm xong mang cúng tổ tiên trước sau mới được ăn.
Trong mâm cỗ mừng mùa của người Tày ở bản Rịn ngoài đĩa bánh giầy còn có cút rượu đao. Đó là thứ rượu được làm từ men lá ủ với lõi cây đao trong rừng. Cách làm rượu đao cũng rất cầu kỳ. Cây đao để nguyên trong rừng không mang về lấy dao khoét một khoanh thân đao rồi bỏ men vào. Dưới phần gần gốc lấy một ống nứa nhỏ có lỗ hổng cắm vào thân đao. Phía đầu ngoài ống nứa lấy một chai hứng rượu vào. Men lá và lõi cây đao tướp lại với nhau chảy một dòng nước ra theo ống nứa. Theo quan niệm của người dân bản, trong thời gian ủ rượu đàn bà con gái không được lại gần...
Lửa vẫn cháy bập bùng trên gian giữa gác nhà sàn. Nhâm nhi đĩa bánh giầy và những chén rượu đao cứ đầy lại cạn, lòng tôi đã bắt đầu nhảy múa những vũ điệu chỉ người say mới hiểu. Và tiếng chày, tiếng cụm chén, tiếng cười chúc tụng cứ văng vẳng lơ lửng bên tai tôi một lát rồi mất hẳn trong giấc say nồng...
Buổi sáng, một buổi sáng tháng 10 gió bấc hanh hao thổi nghiêng những cánh xoan vàng. Tôi chia tay bản Rịn khi màn sương vẫn còn giăng giăng khắp lưng chừng núi. Dọc ven đường cây đào, cây mơ bắt đầu rụng lá thưa thớt, e dè như vẫn còn ngượng ngùng với cái lạnh đầu đông. Chiếc xe lăn xa qua mấy quả đồi mà lòng tôi tiếng chày vẫn đều đều vọng tiếng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận