Câu chuyện bản quyền truyền hình World Cup 2018 ngày càng nóng rực, khi ngày khai mạc chỉ còn đúng một tuần. Đặc biệt, mọi chuyện càng nóng hơn khi đại diện của VTV bảo rằng mua bản quyền World Cup 2018 sẽ lỗ đến 90%!?
Những chuyên gia kinh tế, tài chính như ông Lê Văn Phước, Nguyễn Ngọc Thơ đã gọi cho Tuổi Trẻ để phản ứng chuyện này. Họ khẳng định không thể như thế được, khi mà ai cũng biết người Việt cực kỳ mê bóng đá. Cụ thể, chỉ cần 10% người Việt xem bóng đá và mỗi người đóng 1,5 USD thì cũng đủ tiền để mua bản quyền!
Còn một chuyên gia trong lĩnh vực truyền hình thì nêu vấn đề: Đúng là tiền bản quyền truyền hình World Cup ngày một tăng cao và việc này không chỉ riêng Việt Nam. Chúng ta cứ xem nguồn thu của FIFA từ nguồn này tăng đều với tốc độ chóng mặt qua các kỳ World Cup thì đủ thấy.
Và nên nhớ giá bản quyền World Cup 2018 cho Việt Nam là rẻ vào bậc nhất thế giới, khi Thái Lan có dân số bằng 2/3 chúng ta nhưng phải mua đến 44 triệu USD, Singapore chỉ vài triệu dân nhưng phải mua đến 18 triệu USD... Vậy tại sao các nước lại không kêu lỗ?
Vị này giải thích: Thứ nhất, các nhà đài ở Việt Nam không bắt tay được với nhau, dù tất cả đều là của Nhà nước! Trong khi đó, nhìn xem Thái Lan, Singapore, Malaysia... nơi nào cũng có vài ba đài cùng hợp tác để khai thác.
Và nguyên tắc khi chia nhỏ ra thì mọi chuyện sẽ dễ giải quyết hơn. Họ sẽ cạnh tranh nhau bằng việc sản xuất các chương trình "ăn theo" sao cho hấp dẫn để thu hút khán giả, chứ không dùng bản quyền để cạnh tranh. Đó là vấn đề lớn nhất cần phải thay đổi trong lĩnh vực truyền hình ở Việt Nam.
Thứ hai, tất cả các đơn vị truyền hình của các nước tham gia khai thác bản quyền World Cup đều là tư nhân. Đài truyền hình quốc gia thuộc chính phủ chỉ làm những gì mang tính chất phục vụ cho nhà nước, cho lợi ích chung của dân tộc.
Ví dụ, Đài truyền hình quốc gia Đức chỉ có nhiệm vụ trực tiếp các trận đấu của đội tuyển Đức, còn ai muốn xem đầy đủ tất cả các trận khác của World Cup xin mời mua các gói khác nhau của truyền hình trả tiền của tư nhân.
Khi tư nhân tham gia lĩnh vực truyền hình, chắc chắn sẽ năng động hơn vì họ làm càng tốt thì thu nhập càng cao. Trong khi đó, VTV dù là tự hạch toán, nhưng dù làm nhiều cũng không được hưởng nhiều nên sinh ra chuyện chậm trễ.
Ngày nào giải quyết được hai vấn đề nêu trên, ngày ấy người Việt mê bóng đá mới hết lo khi các kỳ World Cup, Euro đến.
Ngoài ra, hôm qua người viết cũng nhận được một ý kiến từ chính người làm trong lĩnh vực truyền hình như sau: Cứ cho VTV lỗ trong phi vụ World Cup thì đó cũng là điều nên chấp nhận trong kinh doanh. Có những lúc VTV thắng cực to, ví dụ như với sự kiện U-23 mua bản quyền với giá rẻ đến mức gần như không đáng kể.
Nhưng nhờ thầy trò ông Park đã thi đấu xuất sắc, đi đến tận chung kết, tạo nên một hiệu ứng tuyệt vời ở Việt Nam, giúp VTV thu một khoản tiền không nhỏ từ quảng cáo (chỉ số rating của sự kiện U-23 đạt trên 70 - một con số lịch sử trong lĩnh vực truyền hình và giá tiền quảng cáo trên truyền hình luôn tỉ lệ thuận theo chỉ số rating).
Thắng lớn ở U-23 thì lỗ lại chút đỉnh ở World Cup có là sao? Chưa kể dọn bàn tiệc World Cup cũng là một cách xây dựng thương hiệu cho bản thân VTV kia mà.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận