Hình minh họa các loại vắc xin của AstraZeneca, Pfizer - BioNTech, Johnson & Johnson, Sputnik V - Ảnh: Reuters
Theo báo The Guardian, liên quan đến tranh cãi về bản quyền vắcxin COVID-19, châu Âu cuối tuần qua đã "đá bóng" về cho Washington với yêu cầu Mỹ phải đưa ra được một lộ trình cụ thể cho vấn đề này và quan trọng là phải cam kết xuất khẩu vắc xin trước khi đòi hỏi chuyện từ bỏ bản quyền.
EU thất vọng
Từ Hội nghị thượng đỉnh EU ở Porto (Bồ Đào Nha) ngày 8-5, chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel ra tuyên bố: "Chúng tôi sẵn sàng thảo luận vấn đề này (với Mỹ) ngay khi một đề xuất chi tiết được đặt lên bàn".
Đó là một phản hồi hết sức "ngoại giao" từ phía EU, bởi lẽ tâm trạng chung ở Porto được báo giới mô tả là "đầy thất vọng" với sáng kiến của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Hầu hết các nhà lãnh đạo châu Âu giữ nguyên quan điểm rằng đây không phải là ưu tiên trong hoàn cảnh hiện nay.
Thủ tướng Ý Mario Draghi không ngại đi thẳng vào vấn đề: "Trước khi bàn đến tự do hóa vắc xin, có những chuyện đơn giản có thể làm như dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu ở Mỹ và Anh. Tôi nói đây là điều đầu tiên nên làm, vì có dỡ rào cản bản quyền cũng không đảm bảo sẽ có vắc xin".
Nói cho đúng thì Mỹ không chính thức cấm xuất khẩu vắc xin COVID-19, nhưng nước này kích hoạt Đạo luật sản xuất quốc phòng để buộc nhà sản xuất ưu tiên đơn hàng trong nước. Tương tự, đơn hàng của Chính phủ Anh với AstraZeneca cũng phải ưu tiên nhu cầu của Anh.
Trong khối EU thì Đức là tiếng nói phản đối mạnh mẽ nhất. Thủ tướng Angela Merkel nêu quan điểm: "Tôi không nghĩ từ bỏ bản quyền là giải pháp mang vắc xin đến cho mọi người. Thay vào đó, tôi nói chúng ta cần sự sáng tạo và sức mạnh đổi mới của doanh nghiệp, và theo tôi nó bao gồm việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Bây giờ một tỉ lệ lớn dân số Mỹ đã được tiêm ngừa, tôi hi vọng chúng ta có thể tiến tới tự do trao đổi nguồn nguyên liệu và một thị trường mở cho vắc xin".
Nói cách khác, giải pháp của châu Âu chính là... Mỹ.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rõ hơn: "Tôi kêu gọi Mỹ chấm dứt lệnh cấm xuất khẩu không chỉ vắc xin mà cả nguyên liệu bào chế. Chìa khóa để có thêm vắc xin cho các nước nghèo và đang phát triển là tăng cường sản xuất hơn là dỡ lệnh cấm".
Cũng tại hội nghị ở Porto cuối tuần trước, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen công bố EU đã chốt xong hợp đồng với liên minh dược Pfizer/BioNTech cung ứng 1,8 tỉ liều vắc xin COVID-19, đủ để khối này viện trợ cho các quốc gia khác.
Một "biến thể" của con virus này là chủ nghĩa dân tộc khép kín, nó ngăn chặn khả năng quốc tế hóa vắc xin. Một "biến thể" khác là khi chúng ta đặt luật thị trường và tài sản trí tuệ lên trên luật của tình yêu và sức khỏe nhân loại.
Giáo hoàng Francis lên tiếng ủng hộ, sau khi Mỹ bất ngờ đề xuất ý tưởng chia sẻ bản quyền vắc xin COVID-19 trên toàn cầu.
Nỗi lo Nga, Trung Quốc "đi tắt đón đầu"
Theo các nhà phân tích, chia sẻ công thức vắc xin là một chuyện, cạnh tranh nguồn nguyên liệu lại là một vấn đề lớn chưa bàn tới, đó là chưa kể đến những bí quyết như nhiệt độ, điều kiện môi trường bào chế... vốn là bí mật riêng của mỗi công ty dược mà đến Chính phủ Mỹ cũng không tài nào biết.
Luật sư James Pooley - cựu giám đốc Tổ chức Tài sản trí tuệ thế giới thuộc Liên Hiệp Quốc - nhận xét để đi đến cùng ý tưởng của mình, Mỹ sẽ phải thuyết phục các công ty dược ngồi vào bàn đàm phán và công khai hết mọi bí mật bào chế vắc xin - điều vô cùng khó.
Ngoài những yếu tố trên, hiện nay trong nội bộ Chính phủ Mỹ bắt đầu dấy lên nỗi lo Trung Quốc sẽ "đi tắt" được nhiều năm nghiên cứu nếu tiếp cận được công thức vắc xin mRNA của Pfizer hoặc Moderna, từ đó làm giảm ưu thế của Mỹ trong lĩnh vực dược sinh học.
Theo Reuters, một quan chức trong chính phủ Tổng thống Biden chia sẻ rằng mặc dù ưu tiên là cứu sinh mạng, "Mỹ vẫn cần nghiên cứu hệ quả của việc Trung Quốc và Nga tiếp cận được thông tin về vắc xin" vì một khi đã chuyển giao thì rất khó kiểm soát công nghệ được khai thác ra sao.
Công nghệ mRNA dùng trong vắc xin COVID-19 của Pfizer/BioNTech và Moderna là một thành tựu mới mang tiềm năng rất lớn, có thể phát triển ra nhiều phương pháp chữa bệnh chứ không chỉ giới hạn ở vắc xin. Trung Quốc và Nga chưa có vắc xin dùng công nghệ này.
"Pfizer và Moderna mất nhiều năm để phát triển thành công các loại vắc xin đó. Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Nam Phi và các nước khác muốn tiếp cận nó. Ý định của họ là nắm được bí quyết để phát triển các vắc xin khác sau này" - ông Gary Locke, cựu bộ trưởng thương mại Mỹ, nhận định.
Nhiều bang Mỹ từ chối nhận vắc xin
Theo báo The Guardian ngày 9-5, nhiều bang ở Mỹ từ chối nhận đủ lượng vắc xin được phân phối từ chính phủ liên bang do số lượng người đăng ký tiêm vắc xin giảm.
Bang Iowa chỉ đăng ký nhận 29% lượng được phân phối, bang Kansas đăng ký 9%, bang Connecticut đăng ký 26%, South Carolina đăng ký 21%, North Carolina và Washington mỗi bang chỉ muốn nhận 40% lượng phân phối.
Theo Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), đến nay gần 46% người Mỹ đã được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin và khoảng 34% dân số đã được tiêm đủ liều vắc xin COVID-19.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận