TTCT - World Cup 2022 chỉ còn hai tháng nữa sẽ khai cuộc, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa đơn vị nào của Việt Nam mua được bản quyền truyền hình. Với mức giá 15 triệu USD (khoảng 350 tỉ đồng), đàm phán giữa bên bán và bên mua tạm thời đóng băng vì chưa tìm được tiếng nói chung.Biếm họa của DADGiá bản quyền truyền hình thể thao, đặc biệt là bóng đá, đã tăng chóng mặt trong hơn một thập kỷ qua tại VN. Từ chỗ bản quyền được "cho không" hay phải trả với mức giá tượng trưng, giờ để có thể tham gia những gói bản quyền như World Cup, số tiền doanh nghiệp và nhà đài phải bỏ ra rất cao. Đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới lao đao vì đại dịch hai năm qua, nhưng FIFA và các đối tác vẫn tăng tiền bản quyền đều như vắt tranh.Bước tăng giá thần tốcNhững lần đầu World Cup có mặt tại VN, mức giá bản quyền truyền hình chỉ mang tính tượng trưng, không đáng là bao. Phải đến World Cup 2006, bản quyền truyền hình mới là câu chuyện gây xôn xao dư luận. Thời điểm đó, Đài truyền hình Việt Nam (VTV) không phải đơn vị mua được bản quyền, mà là Tập đoàn FPT - mua lại từ Công ty Infront (Thụy Sĩ).Sau đó, FPT đàm phán bán lại cho VTV và VTV đã phải mua lại với mức giá cao chưa từng thấy cho đến lúc bấy giờ là 2,1 triệu USD. World Cup 2010, Tập đoàn Dentsu (Nhật Bản) là đơn vị thay mặt FIFA phân phối bản quyền truyền hình tại VN. Khi đó, VTV đã mua bản quyền với giá 2,7 triệu USD. Giá bản quyền truyền hình World Cup 2014 tiếp tục tăng lên hơn gấp đôi, thành 7 triệu USD, lần này VTV mua lại từ MP&Silva.Câu chuyện về bản quyền truyền hình World Cup 2018 gây chú ý hơn hết khi sát ngày khai mạc vẫn không có đơn vị nào mua được. Ngày 14-6-2018, trái bóng World Cup lăn trên các sân cỏ của nước Nga thì phải đến ngày 8-6, VTV mới chính thức công bố mua được bản quyền thông qua sự tài trợ của Vingroup. Thời điểm đó, Vingroup đã tài trợ 5 triệu USD để VTV có đủ tiền mua bản quyền World Cup 2018 từ đối tác Infront Sports & Media. Ngoài ra, tập đoàn Viettel được biết cũng đã chi một khoản không nhỏ để cùng VTV sở hữu gói bản quyền này. Sau đó, World Cup 2018 được phát sóng trên VTV và truyền hình Viettel. Tổng số tiền mà VTV, Viettel cùng nhà tài trợ Vingroup bỏ ra để mua bản quyền truyền hình World Cup 2018 tại VN được cho là tới hơn 300 tỉ đồng (khoảng 12 triệu USD).Hy vọng vào Viettel, FPT?World Cup 2022 sẽ diễn ra tại Qatar từ ngày 20-11 đến 18-12. Đến thời điểm này (ngày 19-9) vẫn chưa có đơn vị truyền hình, doanh nghiệp truyền thông hay viễn thông nào của VN mua được bản quyền truyền hình giải đấu. Thời gian qua, đơn vị nắm bản quyền World Cup 2022 tại VN là Infront Sports & Media đã rao bán với mức giá lên tới 15 triệu USD (tương đương 350 tỉ đồng).Trao đổi với Tuổi Trẻ Cuối Tuần, người trực tiếp tham gia đàm phán bản quyền World Cup 2022 tại VN của một doanh nghiệp truyền thông nói: "Giá mà nhà cung cấp đưa ra với chúng tôi là 15 triệu USD và đến nay họ không có dấu hiệu giảm giá. Vì giá giữa người bán và người mua chưa tiến lại gần nhau nên tạm thời tiến trình đàm phán đang đóng băng. Tôi được biết không chỉ chúng tôi mà không ít đơn vị khác của VN cũng đang trong quá trình đàm phán, nhưng chưa bên nào mua được. Thực sự mức giá 15 triệu USD là quá cao, nếu mua được thì việc kinh doanh để hòa vốn cũng là điều bất khả thi".Trước đó vào năm 2016, Hiệp hội Truyền hình trả tiền VN (VNPayTV) đã đứng ra tập hợp 10 đơn vị có nhu cầu mua bản quyền Giải ngoại hạng Anh nhằm tránh phải mua giá cao, không bị đối tác nước ngoài nâng giá vô lý. Năm đó, đối tác nước ngoài ra giá 80 triệu USD cho gói truyền hình 3 mùa Giải ngoại hạng Anh 2016-2019 tại VN. Tổ đàm phán của VNPayTV khi đó tuyên bố chỉ mua với giá dưới 46 triệu USD. Dù vậy thương vụ này vẫn không đi đến đâu, các doanh nghiệp không thống nhất được với nhau, nên cuối cùng K+ tách ra và mua riêng bản quyền giải đấu.Có vẻ từ đó, các đơn vị truyền hình, viễn thông, truyền thông tại VN đã kết luận rằng mô hình tập hợp các đơn vị để cùng mua bản quyền những sự kiện thể thao lớn trên lý thuyết thì hay, nhưng thực tế không khả thi. Vì thế với bản quyền truyền hình World Cup 2022, mạnh ai nấy đàm phán và mua. Theo thông tin của chúng tôi, Tập đoàn Viettel và FPT vẫn là những đơn vị được đánh giá có tiềm lực nhất hiện nay và vẫn đang tích cực đàm phán.Trao đổi với Tuổi Trẻ Cuối Tuần, đại diện của một trong hai tập đoàn này cho biết: "World Cup là thứ không thể thiếu với người hâm mộ bóng đá VN và vì thế việc đàm phán vẫn đang được chúng tôi tiến hành rất khẩn trương. Chúng tôi rất hy vọng sẽ sở hữu được gói bản quyền để phục vụ người hâm mộ. Khi nào quá trình đàm phán kết thúc, chúng tôi sẽ tổ chức họp báo công khai để thông tin đến người yêu bóng đá. Giá để mua bản quyền World Cup 2022 tôi nghĩ không thể đến 350 tỉ được, vì con số đó quá cao, không hợp lý trong bối cảnh hiện nay".■ Tags: World Cup 2022Thể thaoBản quyền truyền hìnhTruyền hìnhFPT
Tiền đạo Văn Quyết đi vào lịch sử V-League HOÀNG TÙNG 09/11/2024 Tiền đạo Nguyễn Văn Quyết có bàn thắng thứ 117 và chính thức trở thành cầu thủ Việt Nam ghi nhiều bàn thắng nhất lịch sử V-League.
Qatar rút làm trung gian ngừng bắn vì Hamas và Israel thiếu thiện chí NGHI VŨ 09/11/2024 Trong bối cảnh vòng đàm phán mới đây không đạt được kết quả, Qatar tuyên bố rút khỏi nỗ lực trung gian cho lệnh ngừng bắn tại Gaza, đồng thời cho ngừng văn phòng đại diện của Hamas tại Doha.
Khán giả quẩy cực sung tại đêm nhạc Ngày hội Việt Nam Xanh HỒ LAM 09/11/2024 Khán giả tham dự đêm nhạc Ngày hội Việt Nam Xanh 2024 đa phần là người trẻ. Họ đến chương trình với tâm thế vừa để giải trí, gặp gỡ thần tượng vừa góp phần thực hiện các hoạt động cộng đồng giúp ích cho môi trường.
Điều kỳ lạ xảy ra 15 phút trước khi núi lửa phun gây sóng thần khắp Thái Bình Dương BÌNH MINH 09/11/2024 Trước khi núi lửa Tonga phun trào dữ dội làm rung chuyển Thái Bình Dương, không có hoạt động bề mặt nào được ghi nhận, nhưng máy đo địa chấn đã phát hiện điều kỳ lạ.