LTS:World Cup 2018 còn vài ngày nữa nữa sẽ khai mạc tại nước Nga. Và người Việt yêu bóng đá chỉ mới vừa thở phào vì bản quyền truyền hình mới có! Tác giả bài viết sau đây là một người đang công tác trong lĩnh vực truyền hình thể thao, anh cung cấp thêm thông tin, và lý giải vì sao bản quyền truyền hình World Cup 2018 đối với Việt Nam lại bị chậm đến thế... Bản quyền truyền hình World Cup 2018 đã trở thành câu chuyện quá dài kỳ ở Việt Nam. -Ảnh: goal.com “Cái bẫy” thoát nghèo Trước tiên, tôi xin điểm lại một chút về câu chuyện xem truyền hình trực tiếp World Cup với người Việt Nam mê bóng đá. World Cup đầu tiên người Việt được xem truyền hình trực tiếp là vào năm 1982, tổ chức tại Tây Ban Nha. Khi ấy, đất nước vẫn còn hết sức khó khăn, nhưng nhờ có Đài vệ tinh Hoa Sen, chúng ta xem “ké” World Cup qua tín hiệu truyền từ Liên Xô. Do xem ké, nên chẳng có gì chắc chắn, dẫn đến việc nhiều đêm ngồi thức đợi xem nhưng rồi phải đi ngủ! Đến năm 1986 cũng vậy, nhưng chúng ta “chơi bạo” hơn, khi không có tín hiệu từ Đài Hoa Sen thì lấy sóng của vài nước láng giềng. Ngày ấy, chuyện bản quyền còn là chuyện xa lạ! Từ World Cup 1990 cho đến 2002, việc xem truyền hình trực tiếp sự kiện này như là điều đương nhiên với người Việt, và tất cả đều được phát trên sóng quảng bá, tức là miễn phí. Trong những năm ấy, cũng chẳng ai quan tâm đến giá bản quyền, đơn giản vì các nhà đài Việt Nam chỉ trả một khoản tiền tượng trưng mà thôi. FIFA hồi ấy chưa đẩy giá bản quyền lên quá cao với những khách hàng mới, còn đang làm quen như Việt Nam, và một phần họ cũng muốn quảng bá World Cup rộng rãi hơn, với nguồn thu lớn nhất đến từ quảng cáo. Nhưng từ năm 2006 trở đi, chuyện mua bán bản quyền đã chính thức diễn ra với các nhà đài Việt Nam. Tuy nhiên, giá cả lúc bấy giờ cũng ở mức hết sức dễ chịu, vào khoảng 2 triệu USD cho World Cup 2006 tại Đức. Với số tiền này, các nhà đài dễ dàng lấy quảng cáo để bù chi và có lãi. Nhưng rồi giá bản quyền tăng dần với tốc độ phi mã khi khán giả đã “ăn quen bén mùi”: Năm 2010 là 4 triệu USD và 2014 là 7 triệu USD. Rồi năm nay, cái giá được chào là 18 triệu USD, và thông tin hậu trường cho biết VTV đang muốn thương lượng ở mức 8 triệu USD. Có một điều mà chính dân làm truyền hình cũng không hiểu nổi là các công ty nắm bản quyền truyền hình World Cup nói riêng, bóng đá nói chung đã chào giá dựa trên cơ sở nào? Có lẽ không phải dựa vào dân số, mà nhiều hơn vào sức mua của từng nền kinh tế, bởi Thái Lan có hơn 60 triệu dân, nhưng lại phải mua bản quyền World Cup 2018 với giá gần 44 triệu USD. Tính theo đầu người thì Singapore còn cao hơn: chỉ có 4,5 triệu dân mà phải mua với giá 18 triệu USD. Tức là tính trên đầu dân số, giá bản quyền của Việt Nam hiện vẫn còn thuộc dạng dành cho nước có thu nhập thấp. Chính vì vậy, giá bản quyền truyền hình World Cup giống như cái “bẫy” thoát nghèo. Nghĩa là khi chúng ta nằm trong danh sách nước nghèo, sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi. Nhưng khi ra khỏi danh sách các quốc gia nghèo rồi thì phải tham gia thị trường và chịu giá khác. Có béo bở đến thế? Chúng tôi xin nói một cách rất thật lòng là bản quyền truyền hình World Cup không béo bở như nhiều người vẫn nghĩ. Bài tính không phải đơn giản là chỉ căn cứ vào bảng giá quảng cáo cho World Cup 2014, với một spot (30 giây) có giá từ 150 triệu đồng đến 300 triệu đồng (tùy theo khung giờ và trận đấu từng vòng. Cụ thể, vào vòng đấu loại trực tiếp sẽ đắt hơn vòng đấu bảng), nhân với 10 phút nghỉ giữa hiệp (không tính chương trình bình luận giữa trận đấu khoảng 5 phút) là ra con số hơn 400 tỉ đồng cho 64 trận đấu. Rồi lấy con số này trừ đi 7 triệu USD mua bản quyền là ra số tiền lời! Thật sự, chuyện kiếm quảng cáo cho World Cup ở Việt Nam không hề đơn giản chút nào. Cũng có thể là do truyền hình Việt Nam là đơn vị nhà nước, chưa thật sự năng động trong việc khai thác quảng cáo, hay chưa đủ sáng tạo trong việc sản xuất chương trình hấp dẫn ăn theo World Cup nhằm tăng nguồn thu. Có một thực tế được phân tích từ các công ty quảng cáo lớn ở Việt Nam là đặc thù mua sắm của người Việt: khi mua sắm bất cứ vật dụng gì cho gia đình, thì vai trò người phụ nữ quyết định là chính, chứ không phải quý ông (theo phân tích của các công ty quảng cáo, tỉ lệ phụ nữ quyết định mua sắm trong gia đình chiếm đến 70%). Mà phụ nữ thì rõ ràng ít xem bóng đá hơn hẳn nam giới, nên các nhà sản xuất, kinh doanh không đổ quá nhiều tiền cho quảng cáo sản phẩm vào World Cup. Tại World Cup 2010, đơn vị mua bản quyền truyền hình phát sóng trên lãnh thổ Việt Nam là Công ty Dentsu (Nhật Bản). Nên nhớ đây là một tập đoàn đứng trong tốp 3 thế giới về lĩnh vực quảng cáo. Ngày ấy, chúng tôi cho rằng việc Dentsu mua bản quyền là một cách hay, khi họ phối hợp với các nhà đài ở Việt Nam để khai thác. Tuy nhiên, sau kỳ World Cup đó thì Dentsu cũng bỏ lĩnh vực này, do quá vất vả và lãi chả bao nhiêu. Với World Cup 2014, theo thông tin chúng tôi nắm được, VTV gần như hòa vốn mà thôi. Nhìn sang các nước tiên tiến, thật sự World Cup không phải là một miếng mồi béo bở. Nó chỉ là một món đặc sản để làm tăng giá trị bàn tiệc truyền hình - đặc biệt là truyền hình trả tiền. Hầu hết các nước đều không gộp chung gói xem World Cup vào với gói truyền hình thông thường. Họ thu tiền qua nội dung, tức là ai muốn xem World Cup khi đến mùa sẽ phải trả thêm tiền. Tuy nhiên, nhiều nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền coi đó là một ưu tiên tối quan trọng, vì đó là đặc sản mà. Cái khó của Việt Nam Xem xét nhiều chiều thì có thể tạm đi đến kết luận rằng Việt Nam chưa có sự rạch ròi trong lĩnh vực truyền hình. Đài truyền hình quốc gia vừa đóng vai nhà nước để phục vụ, lại vừa đóng vai kinh doanh để tự hạch toán qua hai đứa con VTVCab và K+. Việc đóng vai nhà nước muôn đời vẫn khó ở chỗ những người có trách nhiệm khai thác không thể năng động như đòi hỏi của thị trường. Người làm không có động cơ, vì có làm giỏi, khai thác được nhiều tiền thì thu nhập cho bản thân cũng chả tăng là bao. Bởi thế, mua được giá hời thì mua, còn không thì thôi. Chính tâm lý này khiến VTV không thiết tha vào cuộc từ sớm để chủ động hơn trong việc tìm nguồn thu. Khó khăn thứ hai là người Việt đã quen với World Cup miễn phí, không thể một sớm một chiều chuyển ngay sang thị trường. Người dân cứ đơn giản nghĩ rằng VTV sống (hay nói chính xác hơn là lớn được như hôm nay) là nhờ tiền thuế của dân, sao lại không “phục vụ” dân? Ngày xưa, chúng ta toàn xem World Cup miễn phí (hiểu ở khía cạnh là không phải bỏ tiền ra để mua, chứ thật sự là cũng không miễn phí khi phải xem quảng cáo), tại sao nay lại không? Nếu có một chút tiếc nuối thì đó là việc đi xuống của HTV (Đài truyền hình TP.HCM). Nơi đây ngày xưa là một đối trọng về lĩnh vực thể thao để VTV phải dè chừng. Trong những kỳ World Cup đầu tiên mà chúng ta phải mua bản quyền, VTV luôn kêu gọi HTV hợp tác để chia sẻ nhằm đảm bảo lượng người xem và thu hút quảng cáo. Nhưng trong mấy kỳ World Cup gần đây, HTV đã không còn như xưa. Thậm chí năm nay, được biết HTV hoàn toàn không quan tâm đến bản quyền truyền hình World Cup mà chỉ mua một gói tin World Cup từ truyền hình Nga. HTV đã hoàn toàn “nhường” thị trường World Cup cho VTV. Và thói đời, khi độc quyền, không có đối thủ để cạnh tranh thì không bao giờ hay ho cả!■ Tags: NgaTruyền hìnhBóng đáWorld Cup 2018Bản quyền truyền hình World Cup 2018
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Tin tức thế giới 23-11: Ông Putin tuyên bố sản xuất thêm tên lửa Oreshnik vì thấy hiệu quả BÌNH AN 23/11/2024 Mỹ hạn chế nhập khẩu thực phẩm, kim loại từ nhiều công ty Trung Quốc; Ukraine cầu cứu xin hệ thống phòng không tốt hơn.
Nghiên cứu chục năm vẫn chưa xong tiến sĩ MINH GIẢNG 23/11/2024 Có nghiên cứu sinh làm chục năm chưa xong tiến sĩ, nhiều người bỏ ngang. Cơ chế hiện nay không khuyến khích giảng viên học tiến sĩ vì quá cực.
Tin tức sáng 23-11: Quốc hội họp bàn về AI; Người Việt đầu tiên giành giải TechWomen 100 TUỔI TRẺ ONLINE 23/11/2024 Một số tin tức đáng chú ý: Quốc hội họp bàn về công nghệ số, phát triển trí tuệ nhân tạo; Người Việt đầu tiên giành giải TechWomen 100; TP.HCM tiêm vắc xin sởi cho trẻ 6 - 9 tháng tuổi...
Ông Putin nói 'không ai trên thế giới' có tên lửa siêu vượt âm giống Oreshnik THANH BÌNH 23/11/2024 Ông Putin nói tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung Oreshnik không phải là phiên bản nâng cấp của các vũ khí có từ thời Liên Xô.