20/08/2018 09:32 GMT+7

Bản quyền ASIAD 2018: Nhà đài bảo xa xỉ, khán giả nói nên mua

KHƯƠNG XUÂN - HOÀI DƯ
KHƯƠNG XUÂN - HOÀI DƯ

TTO - Asiad 18 đã khai mạc tại Indonesia tối 18-8, sau nhiều năm đây là lần đầu tiên VN không có bản quyền truyền hình sự kiện này. Trong khi nhiều người xem bức xúc thì các đài truyền hình cho rằng việc không mua bản quyền Asiad 18 là sáng suốt.

Bản quyền ASIAD 2018: Nhà đài bảo xa xỉ, khán giả nói nên mua - Ảnh 1.

Không có bản quyền truyền hình Asiad 2018, đa số người hâm mộ không thể trực tiếp chia sẻ những cảm xúc thăng hoa cùng đội bóng đá Olympic Việt Nam trong trận thắng Olympic Nhật Bản. Trong ảnh: người dân xem trận đấu qua đường link của nước ngoài - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Bức xúc của dư luận tập trung vào Đài truyền hình VN (VTV), người ta đặt câu hỏi vì sao VTV không mua bản quyền Asiad để phục vụ người dân. Vì VTV là đài quốc gia được xây dựng và phát triển bằng tiền thuế của người dân.

4 năm tăng 10 lần

Bản quyền truyền hình các đại hội thể thao chưa bao giờ là chuyện được quan tâm nhiều tại VN, ngoại trừ Asiad 18. Trước đó các kỳ SEA Games, Asiad, Olympic... VN luôn có được bản quyền bằng các cách khác nhau, không thuộc về đài này thì đài khác. 

Trước đây giá bản quyền truyền hình các sự kiện này rất rẻ, đôi lúc chỉ mang tính tượng trưng với mục đích được phát sóng tại VN.

Thế nhưng khoảng 10 năm trở lại đây khi thể thao VN đã phát triển bên cạnh sự phát triển của kinh tế đất nước, VN không còn là quốc gia được cho không bản quyền truyền hình thể thao nữa mà phải mua. 

Với Asiad, giá bản quyền truyền hình Asiad 14, Asiad 15 (2002, 2006) tại VN chỉ có giá tượng trưng là 10.000 USD. Sang đến Asiad 16 (2010) tại Quảng Châu giá đã lên mức 50.000 USD. 

Năm 2014 tại Asiad 17 (Hàn Quốc) câu chuyện bản quyền truyền hình ít nhiều được chú ý khi giá bản quyền truyền hình được rao bán 400.000 USD cho gói độc quyền và 200.000 USD cho gói không độc quyền. 

Năm đó VTV cũng không mua và SCTV là đơn vị truyền hình duy nhất tại VN mua bản quyền Asiad 17.

Bốn năm sau, giờ đây bản quyền truyền hình Asiad tăng lên 10 lần với mức giá 3 triệu USD cho gói độc quyền. Điều đáng nói nhà cung cấp KJSMWORLD Corp (đơn vị mua lại bản quyền truyền hình Asiad 18 từ Ban tổ chức Asiad 18) nhất quyết chỉ bán độc quyền và không giảm giá. 

Mặc dù tối 18-8 Asiad đã khai mạc, đội tuyển Olympic VN đã hoàn thành 3 trận vòng bảng nhưng giá KJSMWORLD Corp đang chào hàng tại VN vẫn là 1,8-2 triệu USD và kiên quyết không giảm. VTVcab là đơn vị truyền hình trả tiền có đủ tiềm lực và thương thảo đến giờ chót nhưng ngày 19-8 VTVcab cũng đã chính thức "buông súng".

Bản quyền ASIAD 2018: Nhà đài bảo xa xỉ, khán giả nói nên mua - Ảnh 2.

Nhiều người muốn xem trận đấu bóng đá giữa tuyển Olympic Việt Nam và Nhật Bản tại Indonesia nhưng không được vì không truyền hình trực tiếp tại Việt Nam - Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Nhà đài: "mặt hàng xa xỉ"

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 19-8, ông Nguyễn Hà Nam - trưởng ban thư ký biên tập VTV - cho biết cũng như các đài truyền hình khác, VTV muốn mua để phục vụ người dân xem Asiad 18. 

VTV muốn mua gói không độc quyền và phát miễn phí cho người dân nhưng đối tác đòi giá cao và chỉ bán gói độc quyền, vì thế VTV không mua được chứ không phải không muốn mua.

Ông Nam khẳng định: "VTV là đơn vị tự chủ tài chính và chúng tôi phải tự cân đối trong việc mua bản quyền truyền hình giải đấu nào cho phù hợp với khả năng của mình. Cũng có ý kiến nói rằng các đài ở VN nên liên kết với nhau để mua sau đó chia sẻ để được mua rẻ. Tôi khẳng định liên kết vậy giá nhà cung cấp đưa ra còn vọt lên nữa, không có giới hạn".

Ông Nam cho rằng có 75 quốc gia và vùng lãnh thổ mua bản quyền Asiad 18 nhưng các đài mua để phát miễn phí là rất ít mà chủ yếu là các đài truyền hình trả tiền. "Mua bản quyền truyền hình thể thao để phát miễn phí thực sự thời điểm này là xa xỉ và rất khó để VTV có thể đáp ứng được" - ông Nam nói.

Chia sẻ với VTV, ông Lê Văn Phú - trưởng ban thể thao HTV - cho biết rất ủng hộ quyết định không mua bản quyền Asiad 18 của VTV. 

Ông Phú nói: "HTV và VTV có thỏa thuận về vấn đề bản quyền truyền hình thể thao, HTV để VTV đứng ra mua và nếu giải đấu nào VTV mua được thì sẽ chia sẻ với HTV. Như vậy sẽ khiến giá của món hàng không bị đẩy lên cao vì tình trạng tranh mua tranh bán của các nhà đài VN". 

Theo đánh giá của ông Phú, bản quyền Asiad 18 chỉ có giá 400.000 USD trở lại là hợp lý. Thế nhưng nhà cung cấp có thể nắm được sự hâm mộ của người VN với đội tuyển Olympic sau thành tích HCB châu Á vào đầu năm 2018 nên đã "nâng giá một cách rất vô lý".

Trong khi đó, một lãnh đạo dịch vụ truyền hình trả tiền MyTV cho rằng quyết định không mua bản quyền Asiad 18 của các đơn vị truyền hình tại VN là "vô cùng sáng suốt". 

Cũng theo đại diện này, một số ý kiến cho rằng tại sao Lào, Campuchia, Myanmar... đều có bản quyền Asiad mà VN không có và đây là trách nhiệm của VTV là chưa công bằng. 

"Giá bản quyền truyền hình ở mỗi quốc gia là khác nhau. Có thể qua báo chí biết rằng Lào mua bản quyền truyền hình Asiad giá bấy nhiêu nhưng câu chuyện đằng sau nó thì ta không rõ. 

Cũng như VN, 20 năm về trước chúng ta cũng được cho không bản quyền các giải đấu này nhưng nay thì không. Người bán không hạn chế đối tượng mua nhưng chính vì những đòi hỏi vô lý của họ khiến người mua chối từ" - vị lãnh đạo này nói.

Bản quyền ASIAD 2018: Nhà đài bảo xa xỉ, khán giả nói nên mua - Ảnh 3.

Do Việt Nam không mua bản quyền truyền hình Asiad 2018 nên người hâm mộ xem bằng các đường link lấy lại của nước ngoài. Trong ảnh: xem trận Olympic Việt Nam gặp Olympic Nhật Bản trên YouTube hoặc Facebook tại một quán cà phê ở đường Phạm Văn Đồng, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nhà đài sợ rủi ro

Ông Lê Văn Phú cho biết việc mua bản quyền truyền hình thể thao với các đài truyền hình chứa rất nhiều rủi ro. Ông Phú nói: "Bản quyền Asiad 18 nếu mua sớm trước khi đội U-23 giành HCB châu Á thì có thể rẻ hơn, nhưng ai mà biết được U-23 VN sẽ có thể làm nên kỳ tích khiến bản quyền Asiad bị nâng giá lên cao. 

Giờ bỏ ra số tiền lớn để mua nhưng chỉ cần Olympic VN bị loại từ vòng bảng thì các đài lỗ nặng. Việc kinh doanh bản quyền các giải thể thao như Asiad chỉ phụ thuộc vào bóng đá, khi tường thuật các môn khác rất khó tìm quảng cáo".

Lãnh đạo một đơn vị truyền hình trả tiền khác cho biết câu chuyện bản quyền truyền hình thể thao giờ chỉ nên là cuộc đua của các đơn vị truyền hình trả tiền, người dân cũng phải làm quen với việc trả tiền để được xem thể thao. 

"Phát sóng miễn phí các giải thể thao lớn là điều không thể bởi các đài như HTV, VTV không thể thu được quảng cáo bù đắp được với giá mua bản quyền. Vì vậy cuộc chơi sẽ dành cho các đơn vị kinh doanh truyền hình trả tiền, họ phát triển thuê bao để lấy tiền mua bản quyền truyền hình thể thao" - vị này nói.

Ở VN hiện nay VTVcab, SCTV, K+ là các doanh nghiệp truyền hình trả tiền có lượng thuê bao, tiềm lực kinh tế tốt nhất. Hiện VTV đang sở hữu 100% VTVcab, 51% của K+. 

Theo chủ trương của Chính phủ, VTV sẽ phải thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn khỏi các doanh nghiệp truyền hình trả tiền này. Điều đáng nói là hiện VTV vẫn còn đang sắm cả hai vai, vừa là đài quốc gia vừa là cổ đông lớn nhất của các doanh nghiệp này.

Trả thêm tiền để xem sự kiện thể thao đặc biệt

Đây là điều rất phổ biến và quen thuộc với các quốc gia phát triển mạng lưới truyền hình trả tiền trên thế giới. Một đài truyền hình trả tiền sẽ mua bản quyền truyền hình của một sự kiện thể thao thuộc vào loại đặc biệt.

Sau đó, các đơn vị truyền hình trả tiền buộc các thuê bao đã đóng phí theo kỳ hạn phải trả thêm một số tiền nhất định mới có thể xem sự kiện thể thao này.

Tiêu biểu nhất là trận quyền anh thế kỷ giữa tay đấm người Philippines Manny Pacquiao và Floyd Mayweather (Mỹ). Trận đấu này được truyền hình trực tiếp trên hai kênh truyền hình trả tiền của Mỹ là Showtime và HBO.

Tuy nhiên, những gia đình có kênh HBO hay Showtime cũng không thể xem trực tiếp trận đấu nếu không trả một khoản tiền riêng cho trận đấu này.

Các khán giả Mỹ lúc đó phải trả thêm khoảng 100 USD để theo dõi trận đấu này.

Tuy nhiên, các thuê bao truyền hình trả tiền chỉ phải trả thêm tiền để xem một số sự kiện thể thao đặc biệt, chương trình giải trí, phim bom tấn. Theo ước tính từ năm 1988 đến nay, chỉ có khoảng 80 chương trình người xem phải trả thêm tiền để được theo dõi.

Mạng xã hội chi phối bản quyền truyền hình thể thao?

Facebook đã công bố sở hữu bản quyền truyền hình ngoại hạng Anh (EPL) trong ba mùa liên tiếp kể từ mùa giải 2018 trên lãnh thổ VN và một số quốc gia Đông Nam Á khác với giá 200 triệu bảng Anh.

Trước đó mạng xã hội này cũng đã phát sóng trực tiếp các trận đấu của giải vô địch quốc gia Tây Ban Nha - La Liga, vô địch quốc gia Mỹ - MLS tại một số khu vực trên thế giới trên nền tảng của Facebook. Ngoài Facebook, YouTube, Netflix, Amazon Prime cũng mở rộng phát triển sang lĩnh vực thể thao khi phát sóng trực tiếp nhiều giải đấu chất lượng.

Nhà báo Vũ Quang Huy, giám đốc kênh thể thao VTC3, cho rằng đây là xu thế tất yếu của xã hội hiện đại. Cách đây 10 năm thể thao được phát miễn phí trên truyền hình quảng bá.

10 năm gần đây cái gì "ngon" nhất của thể thao thì truyền hình trả tiền (Pay TV) mua. Còn xu thế hiện nay là mạng xã hội sẽ mua và phát sóng các giải thể thao hấp dẫn nhất thế giới.

Ông Quang Huy chia sẻ: "Với các quốc gia phương Tây, việc này dễ dàng chấp nhận bởi dân chúng ai cũng sử dụng smartphone, các thiết bị công nghệ khác.

Thế nhưng với người VN không phải ai cũng dùng Internet, smartphone..., vì vậy việc tiếp cận với các nền tảng mạng xã hội với một bộ phận dân chúng ở miền núi, nông thôn sẽ khó khăn.

Tuy nhiên bức xúc thì bức xúc, nhưng tôi tin sau đó người dân sẽ thích nghi với việc này. Việc các mạng xã hội phát sóng các giải thể thao cũng giúp người dân có thêm lựa chọn để xem thể thao".

Lại chuyện bản quyền truyền hình Asiad 2018

TTO - Cách đây bốn năm, chúng ta mua bản quyền truyền hình Asiad 2014 chỉ 200.000 USD. Có nghĩa là lần này, KJSM - đơn vị nắm bản quyền truyền hình Asiad trên lãnh thổ Việt Nam - đã hét giá cao gấp 20 lần!

KHƯƠNG XUÂN - HOÀI DƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên