Bất bình vì bảo vệ lạm quyền khóa xe
Phản ánh đến Tuổi Trẻ, một số bạn đọc bức xúc kể việc chung cư phạt tiền người dân khi đậu xe không đúng nơi quy định. Như trường hợp anh N.N.M.C. (phường Cát Lái, TP Thủ Đức) đến tòa nhà chung cư Saigon Royal (phường 13, quận 4, TP.HCM) để giải quyết công việc. Khi đó, anh C. được bảo vệ hướng dẫn chạy xe và gửi tại hầm tòa nhà.
Sau khi giải quyết công việc, anh C. quay trở lại hầm thì bị phía bảo vệ thông báo giữ xe và yêu cầu đóng phạt 500.000 đồng mới được đưa xe đi.
Ghi nhận thực tế tại khu vực chung cư Saigon Royal, nơi vào hầm gửi xe có bản thông báo xe vãng lai đậu tại hầm B3. Vi phạm lần thứ nhất sẽ đóng phạt 500.000 đồng, vi phạm lần hai phải đóng 1 triệu đồng.
Trường hợp khác, anh N.Q.N. (38 tuổi, quận 10) trước đó có đến khu vực chung cư Masteri Thảo Điền (TP Thủ Đức) để rút tiền. Khoảng 10 phút sau, xe của anh N. đã bị bảo vệ chung cư khóa bánh vì đậu xe không đúng nơi quy định.
Anh N. cho biết đã làm việc và giải thích với bảo vệ hơn 30 phút nhưng vẫn không được đồng ý mở khóa. Ngay sau đó, anh N. đã mời công an khu vực đến làm việc.
"Tôi không đồng ý với việc khóa xe, nếu tôi đậu sai thì cần nhắc nhở và hướng dẫn về vị trí cụ thể" - anh N. nói.
Rất nhiều phản hồi của bạn đọc gửi đến Tuổi Trẻ Online thể hiện sự bất bình với việc lạm quyền của ban quản lý các chung cư trên.
Bảo vệ chung cư không có quyền khóa xe
Theo bạn đọc Vinh: "Ban quản lý chung cư, khu đô thị hoạt động theo luật pháp. Luật không cho phép các ban quản lý này ban hành luật riêng, quy định riêng trái với pháp luật Việt Nam.
Đơn cử như các khu đô thị tự cắm biển báo sai quy chuẩn, vạch kẻ đường sai, phân luồng tuyến sai, lập biên bản xử phạt không có dấu mộc, không ban hành quyết định xử phạt hay biên lai thuế phí đóng phạt. Không thể chấp nhận chuyện vô thiên vô pháp như thế này được".
Bạn đọc Nguyễn Tòng có ý kiến thêm: "Nếu như được quy định bằng văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước về nơi dừng đỗ xe và xử phạt khi dừng đỗ sai quy định trong khuôn viên nhà chung cư thì các ban quản lý mới có thể cụ thể hóa quy định và xử phạt.
Các trường hợp trên mới chỉ là quy định trong nội quy của chung cư thông qua hội nghị nhà chung cư thì chỉ có giá trị đối với ban quản trị, ban quản lý và cư dân do đây chỉ là văn bản quy ước mang tính dân sự (không phải hành chính bắt buộc) giữa các bên tham gia xây dựng nội quy.
Do đó, đối với các phương tiện bên ngoài (không phải của cư dân chung cư đó) thì ban quản lý không được áp dụng xử phạt theo nội quy, trường hợp giam xe, phạt tiền có thể xem xét dấu hiệu của hành vi cưỡng đoạt tài sản…".
Còn bạn đọc Hoàn Mỹ cho rằng: "Thiết nghĩ đường nội bộ cũng là đường giao thông. Khi đưa vào hoạt động cần được đơn vị an toàn giao thông thuộc quản lý nhà nước khảo sát và đưa ra sơ đồ biển báo, kích thước nơi đỗ dừng... Tránh tùy ý đặt biển báo giao thông bởi việc bố trí nơi đổ dừng không khoa học sẽ gây nhiều hệ lụy.
Riêng việc khóa xe thì nên dẹp bỏ. Lỡ họ đang đưa người đi cấp cứu mà chờ tìm mở, có mà chết. Tôi không ủng hộ dừng đỗ xe bừa bãi, nhưng cần tìm ra cách chế tài hợp tình hợp lý hơn".
Và bạn đọc ngot****@gmail.com đưa ra giải pháp tham khảo: "Hãy học theo các nước văn minh khi xử lý vấn đề đậu xe trong khuôn viên chung cư. Chung cư phải có trách nhiệm quy định chỗ đậu xe, cung cấp biển báo hướng dẫn, vạch kẻ đường theo đúng quy chuẩn của pháp luật và quy hoạch của chung cư được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Xe nào vi phạm không gian công cộng và vi phạm quy tắc giao thông tại không gian công cộng trong chung cư thì phải do cảnh sát giao thông tại khu vực đó xử lý theo luật pháp như khu vực đường công cộng. Ban quản lý tòa nhà chỉ đóng vai trò như lực lượng cơ sở thông báo và hỗ trợ cho cảnh sát địa phương xử lý mà thôi".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận