09/05/2019 15:21 GMT+7

Ban nhạc đồng đội của trung đoàn 88

MINH PHƯỢNG
MINH PHƯỢNG

TTO - Đến trung đoàn 88, sư đoàn 302 - Quân khu 7, giữa tiếng hô điều lệnh dõng dạc vọng lại tiếng nhạc du dương, réo rắt như làm dịu đi cái nắng, cái gió, cái khắc nghiệt của thao trường.

Ban nhạc đồng đội của trung đoàn 88 - Ảnh 1.

Cán bộ, chiến sĩ của Ban nhạc đồng đội đang tập luyện để phục vụ cho chương trình của đơn vị - Ảnh: MINH PHƯỢNG

Tiếng nhạc ấy do các chiến sĩ của ban nhạc đồng đội thuộc trung đoàn đang tập luyện, chuẩn bị cho một chương trình sắp tới của đơn vị.

Dù chưa qua trường lớp bài bản, nhưng chiến sĩ của "ban nhạc áo xanh" này biểu diễn trông rất chuyên nghiệp: người chơi trống jazz, người đánh guitar, organ, người thổi saxophone... 

Ngoài nhạc công còn có một dàn giọng ca được tuyển chọn từ đơn vị, có thể "bao sân" chương trình văn nghệ từ đầu đến cuối.

"Nhạc cụ này đơn vị tự đầu tư, đầy đủ không thiếu thứ gì" - đại úy Phạm Tiên Phong, trợ lý thanh niên trung đoàn 88, cho biết.

Ban nhạc đồng đội được thành lập năm 2017, do anh Phong đề xuất ý tưởng và xin ý kiến lãnh đạo đơn vị. Khi nhóm ra đời, đại úy Phong là đội trưởng ban nhạc kiêm đội trưởng đội văn nghệ.

"Trong ban nhạc, anh em mày mò tự học, lứa trước chỉ lứa sau. Thỉnh thoảng tôi nhờ bạn bè là những người có kiến thức trong lĩnh vực này bồi dưỡng thêm cho anh em. 

Chiến sĩ sau hai năm sẽ kết thúc nghĩa vụ quân sự. Nhằm duy trì ban nhạc, khi có những lứa chiến sĩ mới vào, đơn vị lại tổ chức thi "Got Talent" tuyển chọn tài năng để bổ sung. 

Đây là ban nhạc đầu tiên trong quân khu thành lập và hoạt động thành công, được các đơn vị học tập để nhân rộng" - anh Phong hào hứng kể.

Là người chơi trống jazz, chiến sĩ Kơ Sắ Ka Huân (19 tuổi, Lâm Đồng) vui vẻ chia sẻ khi vào đơn vị, Huân tham gia cuộc thi của tiểu đoàn. Những lần tập hát ấy, chàng trai thử ngồi vào chơi trống, thấy có năng khiếu nên "các anh chọn vào đánh trống cho ban nhạc".

Chiến sĩ trẻ này bảo mình thích đánh trống và từng mua một bộ trống tự học ở nhà. "Mình tự học và đang tính đi học thêm về trống thì có lệnh gọi nhập ngũ. 

Nghĩ chắc phải từ bỏ sở thích nhưng không ngờ vô đây có ban nhạc, lại được các anh chọn vào chơi trống. Mình cũng mê hát lắm, cuộc thi của tiểu đoàn mình được giải nhất nhưng vẫn thích đánh trống hơn. 

Sau những giờ học tập, rèn luyện, được tham gia ban nhạc mình thấy thoải mái lắm. Hơn nữa, có những lúc đi biểu diễn phục vụ cũng khá vui" - Huân cho biết.

Hơn hai năm ra đời, ban nhạc đồng đội phát huy được khả năng, "tài lẻ" của anh em trong đơn vị. Đây cũng là sân chơi cho người lính sau những giờ huấn luyện, được "sống" với đam mê của mình.

"Do yêu cầu nhiệm vụ cùng mức độ cảm thụ âm nhạc ngày càng cao, nên chúng ta đâu thể như ngày xưa là hát chay và đánh guitar mãi. Với các hoạt động chung của đơn vị, nếu có một ban nhạc hoàn chỉnh sẽ tốt hơn. 

Đến bây giờ, các chương trình, hoạt động của đơn vị đều do ban nhạc đảm nhiệm hết. Ngoài ra, chúng tôi còn tham gia biểu diễn trong các chương trình ở địa phương cũng như trên quân khu" - đại úy Phong nói.

Trung đoàn 146 và những người lính từ rừng ra biển…

TTO - Ngày 8-5-1978, bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Trung đoàn 146 (sau này thành lữ đoàn) trực thuộc Bộ tư lệnh Hải quân. Cho nên ngày này trở thành ngày truyền thống của một lữ đoàn 40 năm gắn bó với quần đảo Trường Sa.

MINH PHƯỢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên