Cùng bạn bè đạp xe thư giãn. Ảnh: totalwomenscycling.com
Trong nhịp sống hiện đại, ngày càng nhiều người bị căng thẳng tinh thần (còn gọi là stress) do các áp lực trong công việc, cuộc sống. Stress sẽ làm gia tăng nguy cơ bị tăng huyết áp, béo phì hay đái tháo đường. Vậy mỗi khi bị stress, bạn hãy nhớ những việc nên và không nên làm như sau để kiểm soát stress.
Những việc nên làm
Tìm đến bác sĩ hay chuyên viên tâm lý
Trước áp lực cuộc sống, có người sẽ bỏ ăn, trầm cảm nhưng cũng có người thấy đau đầu, tức ngực hay thậm chí là tăng cân, tăng glucose máu, tăng huyết áp. Do vậy, việc đầu tiên bạn cần làm là tìm bác sĩ, chuyên viên tâm lý để được chẩn đoán, tư vấn kịp thời. Trái với quan niệm trước đây, tư vấn tâm lý ngày nay đã rất phổ biến tại Việt Nam và việc đi khám tâm lý là hoàn toàn bình thường, tốt cho sức khỏe tinh thần của bạn. Chẩn đoán và tư vấn của bác sĩ sẽ là nền tảng vững chắc trước khi bạn tiến hành những bước tiếp theo.
Chăm tập luyện thể dục thể thao
Cơ thể khỏe mạnh là tiền đề cho một tinh thần thoải mái để đánh bại stress. Chỉ cần tập luyện khoảng 30 phút mỗi ngày là bạn đã có thể nâng cao được sức khỏe, tránh căng thẳng tinh thần và nhờ vậy, phòng ngừa nhiều bệnh nguy hiểm như béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường. Bạn nên bắt đầu tập với cường độ vừa phải (bơi, đạp xe, chạy bộ…) và chọn môn thể thao yêu thích của bản thân.
Mở rộng quan hệ xã hội
Mỗi khi bị căng thẳng tinh thần, chúng ta hay có thói quen tách mình ra khỏi cộng đồng. Tạo không gian riêng cho bản thân không có gì sai, nhưng bạn nên nhớ rằng cảm giác thấu hiểu, chia sẻ từ mọi người cũng giúp ích rất nhiều. Khoa học đã chứng minh hoạt động giao tiếp góp phần sản sinh ra endorphins, loại hormone thần kinh giúp não bộ thư giãn, làm tạm ngưng cơ chế phản ứng với áp lực cuộc sống. Tâm sự về khó khăn của bản thân không khiến bạn trở nên yếu đuối hay gánh nặng cho mọi người. Ngược lại, nó giúp bạn cảm thấy nhẹ nhõm, gắn kết thêm mối quan hệ xã hội và hòa đồng hơn vào nhịp sống xung quanh.
Những việc không nên làm
Tìm quên trong bia rượu thuốc lá, chất gây nghiện
Uống rượu, hút thuốc lá, hay nghiêm trọng hơn là sa vào chất gây nghiện đều là cách phản ứng rất phổ biến ở người bị căng thẳng tinh thần. Trong khi tác dụng thư giãn từ những chất này là tức thời, hậu quả mà nó để lại cho cuộc sống và sức khỏe của bạn là không thể lường hết. Chẳng riêng gì bệnh đái tháo đường, thuốc lá, rượu bia và chất gây nghiện tiềm ẩn nguy cơ gây nhiều căn bệnh mãn tính, nguy hiểm khác (tăng huyết áp, đột quỵ, ung thư phổi, bệnh gan…). Hãy luôn nhớ rằng mọi vấn đề đều giải quyết được, bạn có rất nhiều giải pháp mà chỉ cần bình tĩnh sẽ nhận thấy ngay.
Cáu gắt, đổ lỗi cho mọi người xung quanh
Dân gian có câu "Giận quá mất khôn" và căng thẳng tinh thần cũng là một trường hợp như vậy. Khi bị stress, chúng ta dễ cáu gắt, nóng giận hay thậm chí là đổ lỗi cho mọi người xung quanh, làm tổn hại các mối quan hệ xã hội. Tệ hơn, việc này chỉ khiến bạn càng thêm căng thẳng và không giải quyết được vấn đề gì. Như đã trình bày ở trên, sự cảm thông, chia sẻ của người thân, bạn bè là liều thuốc tinh thần tốt hơn nhiều, giúp bạn nhanh chóng tìm lại sự thư giãn, cân bằng trong cuộc sống.
Cam chịu tiếp tục sống chung với stress
Cách bạn suy nghĩ, nhìn nhận về vấn đề quyết định đến 50% cách bạn giải quyết chúng. Stress khó tránh khỏi trong nhịp sống hiện đại, nhưng như vậy không có nghĩa là bạn phải cam chịu sống mỗi ngày với stress. Khoa học đã chứng minh người thường xuyên căng thẳng phải đối diện với rất nhiều nguy cơ sức khỏe, cả về tinh thần lẫn thể chất. Bạn hoàn toàn có thể chủ động tìm giải pháp, sự hỗ trợ của mọi người với từng vấn đề. Nhờ vậy, bạn sẽ nhanh chóng giải quyết suôn sẻ và bảo vệ bản thân khỏi stress.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận