Maiko Bikkey Mizubayashi - MC tiếng Nhật cho Câu chuyện hòa bình số 4 |
Nổi bật trong số đó là Phạm Hải Triều, một giọng ca người Việt hoạt động rất năng nổ tại Nhật. Tuổi Trẻ đã có cuộc trò chuyện với Hải Triều vào những ngày trước khi chương trình diễn ra, khi Hải Triều đang tất bật trong phòng thu để hoàn tất những bản thu hoàn chỉnh cho Cánh hoa hòa bình.
* Là một ca sĩ gốc Việt hoạt động rất sôi nổi và được biết đến tại Nhật với hai album Diễm xưa (2006) và From Tokyo (2008), vì sao Hải Triều lại chọn hai ca khúc Lời mẹ ru và Hana wa saku - Và hoa sẽ nở để trình diễn trong Câu chuyện hòa bình số 4?
- Người Nhật rất thích bài Diễm xưa của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Lời mẹ ru cũng được người Nhật yêu thích. Tôi thường xuyên biểu diễn ca khúc này và nhận được nhiều sự ủng hộ từ khán giả Nhật.
Bác Matsushima Yoshio, một nghệ sĩ người Nhật rất yêu mến nhạc Trịnh, đã viết lời Nhật cho ca khúc này. Hôm đi thu âm, bác ấy đi theo và uốn nắn từng chỗ cho tôi, rất nâng niu.
Lời ca khúc phiên bản tiếng Nhật không mang tính triết lý cao như của phiên bản gốc nhưng rất đằm thắm và tình cảm, có thể chạm vào trái tim người nghe.
Người Nhật rất ngưỡng mộ về sợi dây gắn kết các thành viên trong gia đình người Việt Nam, đặc biệt là tình mẫu tử. Vì vậy tôi chọn ca khúc này, thông qua đó, một lần nữa tôi muốn giới thiệu đến khán giả Nhật Bản một ca khúc rất hay, rất Việt Nam của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Hi vọng người Nhật sẽ cảm nhận được cái đẹp, sự hiền lành, mộc mạc của người Việt Nam.
Còn Và hoa sẽ nở là ca khúc chủ đề của dự án Hana wa saku do Đài truyền hình NHK thực hiện nhằm hỗ trợ nạn nhân động đất và phục hưng những vùng thiên tai do trận động đất gây ra vào ngày 11-3-2011.
Ca khúc buồn nhưng không ủy mị, vẫn chứa đựng bao nhiêu là thông điệp tích cực trong đó. Đau thương, mất mát, ăn năn, yêu thương, hi vọng, an ủi... Nội dung ca khúc nói lên phần nào tính cách của người Nhật.
Tôi đã sống, học tập và làm việc ở Nhật 16 năm nên cũng có thể coi Nhật là quê hương thứ hai với rất nhiều cảm thông và chia sẻ. Khi nghe ca khúc Hana wa suki, tôi thật sự thấu hiểu cho nỗi đau này của người dân Nhật Bản. Tôi bị thôi thúc phải dịch ca khúc này ra tiếng Việt...
* Khi chọn hát Và hoa sẽ nở tại Câu chuyện hòa bình, anh kỳ vọng điều gì?
- Đây là một sự kiện âm nhạc lớn của Việt Nam tại Nhật nên hầu hết người Việt bên này đều biết về chương trình. Mọi người đang rất khó khăn để chờ được tấm vé vào cửa. Nói như vậy để biết được sự háo hức của mọi người mong đến với buổi hòa nhạc.
Hi vọng sau khi ca khúc được các ca sĩ nổi tiếng của Việt Nam cùng đồng ca trong chương trình lần này và cùng với sức ảnh hưởng của báo Mainichi (Nhật Bản), Hana wa suki phiên bản tiếng Việt này sẽ đến gần hơn nữa với khán giả Việt Nam và cả Nhật Bản.
Âm nhạc mang sức mạnh rất lớn, hi vọng sẽ làm quan hệ Nhật - Việt thêm thắt chặt. Mong những người đến tham gia buổi hòa nhạc sẽ gửi đi thông điệp hòa bình mà họ cảm nhận được tại buổi diễn đến với những người khác nữa.
Ca sĩ Phạm Hải Triều |
Đồng hành cùng chương trình Câu chuyện hòa bình số 4 - Cánh hoa hòa bình - diễn ra lúc 19g ngày 14-4 tại Tokyo International Forum Hall C, Tokyo, Nhật Bản - là Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, Công ty tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu GIBC, báo Mainichi, Công ty Tempo Primo, Tổ chức VYSA cùng các nhà tài trợ VietinBank, Yến sào Khánh Hòa, Suntory Pepsico, Công ty Thái Bình và Vietnam Airlines. Câu chuyện hòa bình số 4 - Cánh hoa hòa bình có sự tham gia của các ca sĩ: Hồng Nhung, Tấn Minh, Đoan Trang, Hà Anh Tuấn, Phương Linh, Uyên Linh, Hoàng Quyên, nhóm Oplus, Hải Triều, Minh Hiệp, Oguri Kumiko, nhóm Arabesque... Toàn bộ chương trình sẽ được Đài truyền hình Việt Nam quay hình và phát sóng lại trên VTV. |
*Xem tiếp: Câu chuyện hòa bình: Những “cầu nối” văn hóa Việt - Nhật
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận