24/10/2023 11:38 GMT+7

Ban Mai tỏa nắng trên vùng đất mỏ

Phải thay đổi nguyện vọng xét tuyển vì biến cố ập đến nhưng Ban Mai vẫn trở thành thủ khoa trúng tuyển Trường ĐH Hạ Long.

Hứa Ban Mai khoe giấy khen của trường đại học tặng thủ khoa trúng tuyển vào trường mùa tuyển sinh 2023 - Ảnh: T.THẮNG

Hứa Ban Mai khoe giấy khen của trường đại học tặng thủ khoa trúng tuyển vào trường mùa tuyển sinh 2023 - Ảnh: T.THẮNG

Cô tân sinh viên ấy đến giảng đường với hành trang là số tiền gom góp được từ những lần "săn" giải thưởng các loại. Luôn giữ nét mặt rạng rỡ, Hứa Ban Mai (Quảng Ninh) nói đã sẵn tâm thế để đối mặt và vượt qua khó khăn trên hành trình đến giảng đường phía trước.

Môi trường đại học sẽ giúp thế giới quan của mình rộng mở, có nền tảng kiến thức để phục vụ công việc sau này nên dù biết sẽ vất vả hơn, mình vẫn muốn theo đuổi đại học thay vì làm công nhân hoặc công việc nào khác.

HỨA BAN MAI

Lớn lên bằng tình thương của ông bà

Thiếu hơi ấm cha mẹ từ nhỏ, Ban Mai lặng lẽ học và lớn lên. Không chỉ là thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp THPT của Trường THPT Vũ Văn Hiếu năm 2023 mà cô bé còn là thủ khoa đầu vào ngành ngôn ngữ Trung Quốc (Trường ĐH Hạ Long).

Gặp Mai trong ký túc xá, cô bé đang ngồi trên chiếc giường cỏn con cặm cụi ôn luyện tiếng Trung. Mai có thân hình nhỏ nhắn nhưng ánh mắt luôn tràn đầy sự tự tin, dành niềm đam mê mãnh liệt cho học tập. Bố mẹ ly hôn khi Mai còn nhỏ, cô bé lớn lên bằng tình thương, sự chăm sóc của ông bà nội.

Mai thật thà kể ký ức về bố mẹ khá mờ nhạt. Năm Mai 6 tuổi, bố đột ngột qua đời vì mắc bệnh hiểm nghèo. Số lần gặp mẹ cũng rất ít, chỉ còn lại ký ức lần có người báo rồi đưa con bé Mai đến dự đám tang mẹ.

Để bù đắp nỗi bất hạnh của đứa cháu mồ côi, ông bà nội đã một tay nuôi nấng, chăm sóc cháu gái. Cụ Vũ Thị Thanh Tâm (74 tuổi) nhớ lại những tháng ngày chăm bẵm đứa cháu gái từ lúc còn đỏ hỏn, thiếu vắng sự chăm sóc của cả cha lẫn mẹ.

"Ban Mai là tên bố cháu đặt với ước mong con sẽ luôn rạng rỡ tỏa nắng như ánh bình minh. Cả nhà tin rằng sự xuất hiện của Mai là niềm vui, hạnh phúc cho mọi người, mang lại những khởi đầu mới mẻ, tốt đẹp", cụ Tâm bộc bạch.

Thương ông bà, Mai lúc nào cũng cố gắng học thật giỏi để làm ông bà vui. Ban Mai ước ao chạm tay đến giảng đường đại học, khát khao được đặt chân đến một trường đại học ở Hà Nội. Nhưng một lần nữa nỗi đau lại ập đến. Tháng 5 vừa rồi, ông nội cô bé qua đời, nhà giờ chỉ còn hai bà cháu Mai nương tựa vào nhau.

Gom tiền thưởng đóng học phí

Ban Mai khoe hành trang chuẩn bị đi nhập học đã gom góp được mấy triệu đồng từ những lần "săn" giải thưởng các cuộc thi lúc học phổ thông, tạm có tiền để lo học phí nhập học.

Hỏi về kế hoạch trang trải chi phí học tập, sinh hoạt những năm sinh viên sắp tới, cô gái quê đất mỏ quyết tâm học thật tốt để lấy suất học bổng của trường nhằm giảm bớt gánh nặng học phí. "Mình đã tính cả trường hợp vay vốn hỗ trợ sinh viên để theo đuổi việc học rồi ra trường đi làm trả nợ", Mai kể.

Vào đọc thông báo trên các hội nhóm của trường đại học, Mai biết đến chương trình học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ, cô bé hoàn thiện hồ sơ gửi đăng ký theo hướng dẫn. Mai thật thà gửi hồ sơ đi chứ trong thâm tâm không dám nghĩ mình sẽ được chọn bởi đã đọc và biết có rất nhiều hoàn cảnh còn khó khăn hơn rất nhiều.

Nói về cô học trò cũ, cô giáo Đoàn Thị Thùy Dương (Trường THPT Vũ Văn Hiếu) cho biết rất ấn tượng với khả năng học tập và ý chí của Mai. Bởi dù bố mẹ mất sớm, từ bé đã ở với ông bà nội nhưng Mai luôn chủ động trong chuyện học. Cô bé học nổi trội môn văn, luôn sẵn lòng chia sẻ, hỗ trợ bạn bè.

Vì là giáo viên chủ nhiệm, biết rõ hoàn cảnh của học trò nên cô Dương vẫn luôn theo sát để kịp thời động viên bạn những lúc khó khăn.

"Đặc biệt dù chưa một ngày học tiếng Trung ở trường nhưng với ý chí tự rèn luyện, cô bé đã tự học và hiện đã có thể giao tiếp được với người Trung Quốc khiến tôi thật sự cảm phục", cô giáo Thùy Dương chia sẻ.

Chuyển hướng sau biến cố

Lúc ông nội còn, cả nhà nhẩm tính với số tiền lương hưu của hai ông bà có thể hỗ trợ cháu nội việc ăn học ở Hà Nội. Nhưng nay ông không còn, để một mình bà nội già yếu ở nhà, đi Hà Nội học Ban Mai cũng không đành lòng.

Suy đi tính lại, cuối cùng cô bé chuyển hướng chọn trường gần nhà. Ban Mai chia sẻ: "Ngành học này mình tìm hiểu thấy triển vọng cũng khá ổn. Với học gần nhà cũng phần nào tiết kiệm chi phí, lại thuận tiện hơn việc đi lại chăm sóc bà nội khi cần".

118 tân sinh viên 19 tỉnh phía Bắc nhận học bổng

Ngày mai 25-10, báo Tuổi Trẻ phối hợp với Tỉnh đoàn Hà Nam và các tỉnh, thành đoàn phía Bắc tổ chức lễ trao học bổng Tiếp sức đến trường cho 118 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của 19 tỉnh, thành đồng bằng sông Hồng và khu vực phía Bắc: Bắc Giang, Bắc Kạn, Bắc Ninh, Cao Bằng, Hà Giang, Hà Nam, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Lạng Sơn, Nam Định, Ninh Bình, Phú Thọ, Quảng Ninh, Thái Bình, Thái Nguyên, Tuyên Quang và Vĩnh Phúc.

Tổng kinh phí chương trình hơn 1,8 tỉ đồng do Quỹ "Đồng hành nhà nông" - Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền, Quỹ Khuyến học Vinacam - Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam và Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng dầu khí IDICO tài trợ.

Mỗi suất học bổng trị giá 15 triệu đồng tiền mặt, trong đó có hai suất học bổng đặc biệt trị giá 50 triệu đồng/ suốt bốn năm học và 5 laptop cho tân sinh viên đặc biệt khó khăn còn thiếu thiết bị học tập do Quỹ Khuyến học Vinacam - Công ty cổ phần tập đoàn Vinacam tài trợ.

Năm 2023, Quỹ "Đồng hành nhà nông - Công ty cổ phần phân bón Bình Điền đã tài trợ cho chương trình 3 tỉ đồng, Quỹ Khuyến học Vinacam - Công ty cổ phần tập đoàn Vinacam tài trợ cho chương trình 3,8 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, Hệ thống Anh văn Hội Việt Mỹ hỗ trợ 50 suất học bổng tiếng Anh cho khoá luyện thi IELTS miễn phí cho tân sinh viên nhận học bổng từ chương trình. Ngoài ra, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam đã tài trợ quà tặng balo cho tân sinh viên…

HÀ THANH

‘Chỉ có đi học, ra trường có công việc ổn định mới lo được cho mẹ’‘Chỉ có đi học, ra trường có công việc ổn định mới lo được cho mẹ’

Bố mất, mẹ bị ung thư vú, đường đến trường gian nan hơn bạn bè đồng trang lứa nhưng không vì thế mà Hương từ bỏ ước mơ đến trường. Có mẹ là 'chiến binh K', Hương hiểu mình phải kiên cường hơn gấp bội để làm điểm tựa cho mẹ vơi bớt nỗi đau bệnh tật.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên