20/07/2007 19:09 GMT+7

"Bán lúa non" nhà tái định cư

Theo Sài Gòn giải phóng
Theo Sài Gòn giải phóng

Tình trạng bán lại phiếu tái định cư và phiếu bốc thăm các căn hộ chung cư, nền đất xuất hiện đã nhiều năm nay. Nhưng thời gian gần đây, tình trạng này ngày càng rầm rộ.

GdTAXVWS.jpgPhóng to
Tình trạng bán trái phiếu nhà tái định cư ngày càng phổ biến. Ảnh:T.TR
Tình trạng bán lại phiếu tái định cư và phiếu bốc thăm các căn hộ chung cư, nền đất xuất hiện đã nhiều năm nay. Nhưng thời gian gần đây, tình trạng này ngày càng rầm rộ.

Tại khu tái định cư 10 ha ở phường Tân Thới Nhất (quận 12), người dân vừa được bốc thăm và bàn giao nền đất vào cuối tháng 6 nhưng khi vừa mới hỏi bâng quơ về khu đất thì có đến hai, ba “cò đất” xông tới.

"Cò" Chiến đi một vòng và giới thiệu rõ ràng: "Đây là khu tái định cư của những hộ dân thuộc bị giải tỏa trên đường Cộng Hòa, vừa được bàn giao, tháng 8 mới xây dựng… Lô đất A53 có diện tích 90 m2 giá 480 triệu đồng (bán qua hình thức mua phiếu bốc thăm), phải trả góp cho Nhà nước thêm 150 triệu đồng nữa, lô A32 cùng diện tích nhưng giá 600 triệu đồng vì hai mặt tiền"…"

Trong số 3.565 hộ đã bốc thăm suất tái định cư, đến nay chỉ có 1.914 hộ ký biên bản nhận căn hộ, nền tái định cư hoặc nhận tiền tự lo nơi ở mới. Còn 1.651 hộ đã bốc thăm nhưng chưa nhận suất tái định cư. Điều đáng ngại là phần lớn các trường hợp không chịu nhận suất tái định cư (nếu thay đổi địa điểm tái định cư) là vì đã bán suất tái định cư…

"Cò" Chiến tuyên bố: “Muốn lô nào, vị trí nào cũng có. Giấy tờ thì yên tâm. Mua bán giấy tay nhưng vẫn có thể cầm ra công chứng. Ở đây người ta mua nhiều rồi, riêng khu này thôi, tôi đã bán đến hơn chục lô". Không chỉ nền đất, các căn hộ tái định cư cũng được “mua bán lúa non” sôi động không kém. Ba lô chung cư 4, 5, 6 thuộc dự án khu B chung cư trường đua Phú Thọ, quận 11 mới được bốc thăm và giao nhà từ tháng 5.

Đếm những ánh đèn sáng tại 3 lô chung cư này thì thấy số người đến ở chỉ mới hơn một nửa. Thế nhưng, đa số hộ đã đến ở lại không phải là những hộ được bố trí tái định cư mà do mua lại hoặc thuê. Có lẽ vì vậy mà việc mua bán phiếu tái định cư tại đây khá rầm rộ, cò nhà có mặt “mọi lúc mọi nơi” tại chung cư này.

Nhà cửa đẹp và khang trang thế này tại sao người dân không ở mà bán? Phải chăng chất lượng nhà có vấn đề? "Cò" Ngân cho biết: "Đa số những hộ bán suất tái định cư là do không có đủ tiền để mua nhà". Căn hộ tại tầng 6 tại lô 5, cò Ngân nói: "Nếu mua, đặt cọc trước 400 triệu đồng, 50 triệu còn lại sẽ nhận sau khi cùng chủ nhà ra công chứng để tránh việc tranh chấp sau này".

"Cò" Ngân chỉ tay qua các chung cư khu A đang xây dựng rồi giới thiệu: "Muốn mua chung cư này, rẻ hơn một tí vì chưa được bốc thăm. Giá một phiếu tái định cư chỉ khoảng 390 triệu đồng, muốn mua tầng nào cũng có…”. Theo quy định thì chỉ có người được bố trí tái định cư mới được ký tên nhận giấy tờ nhà, trong khi thời gian trả góp kéo dài đến 10 năm.

Ông Nguyễn Hải, gia đình thuộc diện giải tỏa của dự án trường đua Phú Thọ, đang sống trong một căn nhà xập xệ gần đó. Ông cho biết đã buộc phải bán suất tái định cư tại khu B chung cư trường đua Phú Thọ. “Tôi sống bằng nghề đạp xích lô, bà vợ tôi nương nhờ xe cháo huyết bán dọc đường, hai đứa con vẫn đang tuổi ăn học. Bán phiếu tái định cư tại chung cư với giá 290 triệu đồng, tôi mua một miếng đất sang tay giá 150 triệu đồng tại Đồng Nai, cất một căn nhà vài chục triệu để ở, số tiền còn lại gửi ngân hàng lấy tiền lời hàng tháng để trang trải việc học hành cho hai đứa con”, ông giải thích.

Ông cho biết tuần sau sẽ về Đồng Nai với tâm trạng bùi ngùi: “Chung cư rất đẹp, khang trang nhưng chúng tôi sống không quen. Hơn nữa, mỗi tháng phải trả phí chung cư và 3 chiếc xe (1 xích lô, 1 xe bán cháo và 1 xe Honda) phải đến 150.000 đồng. Với mức thu nhập của cả nhà chưa đến 2 triệu đồng/tháng, làm sao chúng tôi có khả năng góp 4 triệu đồng/tháng để mua nhà”.

Chưa có hướng giải quyết

Hiện nay chưa có con số chính thức về việc bán suất tái định cư tại TP.HCM nhưng theo báo cáo sơ bộ của các quận - huyện, chung cư 14A Lạc Long Quân có đến 202 hộ không phải là đối tượng tái định cư, tại khu tái định cư của khu đô thị mới Thủ Thiêm có trên 200 trường hợp đã bán phiếu tái định cư... Trong đó, một số chung cư có số lượng bán suất tái định cư hơn một nửa.

Tại nhiều cuộc họp về tái định cư, Ban Kinh tế Ngân sách HĐNDTP đã từng đề cập đến các giải pháp nhằm xử lý việc “bán lúa non”. Hầu hết chủ tịch UBND các quận, huyện đều lắc đầu, nhất là hiện nay những trường hợp “bán lúa non” đều được thực hiện bằng hình thức ủy quyền. Cách đây vài năm, UBNDTP cũng định “siết” lại việc này bằng cách đưa ra quy định sau 3 năm tái định cư thì người dân mới có thể chuyển nhượng căn hộ chung cư và phải đóng thêm phí chênh lệch…

Thế nhưng quy định này không thể ban hành vì một số nội dung trái với luật định. TP cũng đã lập đoàn kiểm tra về tình hình mua bán suất tái định cư nhưng bước đầu cũng chỉ để nắm tình hình, chứ chưa thể có hướng xử lý căn cơ vấn đề trên. UBND các quận, huyện và Sở Xây dựng cũng nhiều lần kiến nghị lãnh đạo TP có những biện pháp mạnh để xử lý các trường hợp mua bán lúa non nhưng giải pháp nào thì chưa cơ quan nào hiến kế được.

Các khu tái định cư quá kém về cơ sở hạ tầng thì người dân tái định cư đành phải ở. Các khu tái định cư tốt hơn, nhà cửa đàng hoàng thì người dân thuộc diện tái định cư lại không thể ở vì sinh hoạt phí tăng, không có khả năng trả góp và nhiều lý do khác. Rốt cuộc, cuộc sống đa số người dân tái định cư vẫn không thể khá hơn trước. Công tác tái định cư cho người dân chỉ thực sự có ý nghĩa khi TP.HCM đạt được mục tiêu đã đề ra là cuộc sống người dân cao hơn hoặc ít nhất bằng nơi ở cũ.

Theo Sài Gòn giải phóng
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên