29/11/2015 08:50 GMT+7

“Bản lĩnh” Erdogan

NGUYỄN NGỌC HÙNG
NGUYỄN NGỌC HÙNG

TT - Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đang gây bão trên truyền thông toàn cầu khi đối đầu trực diện với “người đàn ông của năm 2015” Vladimir Putin.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại Ankara ngày 26-11 - Ảnh: Reuters
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại Ankara ngày 26-11 - Ảnh: Reuters

Ông Recep Tayyip Erdogan là lãnh tụ nổi trội của Thổ Nhĩ Kỳ trong những năm đầu thế kỷ 21 này. Đảng Công lý và phát triển (AKP) do ông làm lãnh tụ đã giành được vị thế cầm quyền suốt từ năm 2002 đến nay, tạo một khung cảnh cho ông Erdogan thể hiện bản lĩnh và tham vọng của mình.

“Người hùng” của Hồi giáo Trung Đông

Sinh năm 1954 trong gia cảnh nghèo khó ở một tỉnh miền đông bắc đất nước, Erdogan chỉ được học trường dòng Hồi giáo. Sau đó gia đình chuyển về thành phố Istanbul và Erdogan tốt nghiệp đại học kinh tế tại đây.

Ông sớm có chí hướng chính trị và đã gia nhập các đảng mang bản sắc Hồi giáo từ cuối thập niên 1970, có khuynh hướng chống lại thế lực quân nhân vốn có truyền thống khống chế chính trường Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhưng sự nghiệp của Erdogan chỉ bắt đầu bừng lên khi ông trúng cử thị trưởng Istanbul - thành phố lớn nhất nước - vào năm 1994. Mặc dù có công rất lớn phát triển kinh tế - xã hội của Istanbul, nhưng ông bị các đối thủ chính trị tấn công quyết liệt vì khuynh hướng Hồi giáo của mình.

Thậm chí năm 1998 ông Erdogan còn bị tù và cấm hoạt động chính trị vì tội “kích động tư tưởng Hồi giáo”.

Năm 2001, ông Erdogan tham gia thành lập AKP. Chỉ một năm sau, AKP giành được vị thế cầm quyền, rồi ông Erdogan trở thành thủ tướng và là người thật sự nắm quyền điều hành đất nước suốt từ đó đến nay.

Thành công ngoạn mục trong việc canh tân nền kinh tế đất nước, đưa Thổ Nhĩ Kỳ vào nhóm 20 quốc gia có nền kinh tế mạnh nhất thế giới (G-20), để nước này trở thành một cường quốc ở Tiểu Á và Trung Đông nói chung, Thổ Nhĩ Kỳ của thời Erdogan được thế giới Hồi giáo trong khu vực này coi như một tấm gương đáng ngưỡng mộ và noi theo.

Từ khởi điểm như vậy, ông Erdogan quyết định đặt ưu tiên cho mục tiêu trở thành lá cờ đầu của Hồi giáo khu vực hơn là tìm mọi cách gia nhập EU.

Để đạt được mục tiêu này phải trở về với những người láng giềng Ả Rập - Hồi giáo. Hành động đầu tiên là “gây chuyện” với Israel hồi năm 2010 bằng cách cử mấy chuyến tàu vượt vòng vây của Israel nhằm đưa hàng cứu trợ nhân đạo tới người Palestine ở Gaza đang bị Nhà nước Do Thái phong tỏa thảm khốc.

Bằng hành động này, Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định mình là bạn chí cốt của Palestine, của người Ả Rập, bất chấp “quan hệ chiến lược” với Israel xấu đi chưa từng thấy.

Quyết sách chuyển hướng của ông Erdogan gặp “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” khi bùng phát phong trào “Mùa xuân Ả Rập” từ đầu năm 2011. Ông Erdogan lập tức ủng hộ mạnh mẽ các cuộc nổi dậy phản kháng và lật đổ tại Ai Cập, Libya rồi Syria.

Vị thế của chính quyền Erdogan nổi như cồn trong thế giới Ả Rập! Khi ấy, để có thể ứng xử phù hợp với các biến động của “mùa xuân Ả Rập”, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Ngoại trưởng Hillary Clinton còn phải mời ông Erdogan làm “quân sư” về Hồi giáo.

“Độc tài mới”

Đảng AKP thực hiện nhất quán một đường lối nội trị nhằm xóa bỏ truyền thống uy quyền của giới quân nhân ở Thổ Nhĩ Kỳ suốt từ thời Ataturk đến năm 2013.

Ông Erdogan dựa vào nền tảng xã hội 90% dân số theo Hồi giáo để khôi phục những giá trị truyền thống của tôn giáo này, vốn bị chế độ thế tục - quân nhân cấm đoán từ nhiều thập niên trước.

Phu nhân của Thủ tướng Erdogan là người phụ nữ đầu tiên dám trùm khăn hijab đến giảng đường đại học. Rồi ra luật bãi bỏ cấm hijab tại các công sở, trường học...

Ông Erdogan còn có một quyết sách tầm cỡ nữa là hòa giải với Đảng Công nhân Kurd (PKK) để đảng này từ bỏ đấu tranh vũ trang chống lại chính quyền.

Nhờ những quyết sách độc đáo như vậy, uy tín quần chúng của AKP ngày một lan rộng và đảng này giành được đa số tuyệt đối trong quốc hội để có thể độc quyền cai trị đất nước.

Ông Erdogan nắm lấy cơ hội để thực hiện tham vọng của mình bằng những quyết sách gây bão cả về đối ngoại và đối nội. Giới quân nhân bất bình, chưa kịp hành động thì hàng chục tướng lĩnh uy vũ một thời đã bị vào tù hoặc cho nghỉ hưu.

Giới tư pháp vốn quen truyền thống “tam quyền phân lập” cùng một số tướng lĩnh an ninh mở cuộc tấn công vào chóp bu của chính quyền Erdogan bằng vụ “đại án tham nhũng” hồi cuối năm 2013, trong đó bốn bộ trưởng và cả con trưởng của Thủ tướng Erdogan cũng vào vòng “nghi phạm”.

Nhưng ông Erdogan đã lật ngược thế cờ ngoạn mục vào đầu năm 2014. Một loạt thẩm phán cao cấp và cả giám đốc Cơ quan điều tra thành phố Istanbul đang từ vị thế bắt tội phạm bỗng trở thành tội phạm! Nhiều người đứng đầu giới truyền thông lớn tiếng tố cáo ông Erdogan là “độc tài mới” cũng bị thanh trừng...

Chả ai lật đổ được Tổng thống Erdogan vào lúc này, mặc dù đảng của ông (AKP) bị mất đa số tuyệt đối trong cuộc bầu cử lại vào đầu tháng 11 mới đây.

Một Erdogan như thế có lẽ không đến nỗi quá kém cỏi về “bản lĩnh” trong cuộc đối đầu với người hùng Putin!

Ảnh hưởng khu vực

Thổ Nhĩ Kỳ cùng với Qatar là hai quốc gia trong khu vực tham gia cùng lực lượng NATO dùng không quân để áp đặt “vùng cấm bay” tại Libya, khiến chế độ Gaddafi phải sụp đổ hồi cuối năm 2011.

Rồi chính quyền Erdogan tiếp tay mạnh mẽ cho phong trào Anh em Hồi giáo tại Ai Cập, để năm 2012 một lãnh tụ của phong trào này là Mohammed Morsy có thể trở thành tổng thống của quốc gia có tầm quan trọng bậc nhất thế giới Ả Rập.

NGUYỄN NGỌC HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên