Phóng to |
Một cháu bé bị nhiễm chất độc da cam ở làng Hòa Bình (Bệnh viện phụ sản Từ Dũ) quấn quýt với “bà nội” Hai Chung - Ảnh: THUẬN THẮNG |
81 tuổi đời, 61 năm tuổi Đảng, cuộc đời của bác sĩ, thầy thuốc nhân dân Tạ Thị Chung đầy ắp những sự kiện, những danh hiệu, những huân chương. Nhưng những người mà chúng tôi gặp đều bảo rằng không thể có danh hiệu, huy chương nào ghi nhận đủ được những điều mà bà đã làm.
Giữ được đoàn kết là làm được hết
Bác sĩ - thầy thuốc nhân dân Tạ Thị Chung là một trong những người vừa được đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động trong năm 2012. |
Giữa lúc đó, bà nhận nhiệm vụ về làm bí thư đảng ủy Bệnh viện Từ Dũ - một bệnh viện kiểu “nhà thương thí” của chế độ cũ. Bệnh viện nghèo nàn, cũ kỹ, cách sắp xếp lộn xộn, chen giữa phòng khám bệnh còn có cả phòng ăn, ở của nhân viên. Có quá nhiều thứ phải làm lại, sắp xếp lại.
Đến năm 1978, khó khăn dồn dập kéo đến, TP phải chạy gạo từng bữa. Trong bệnh viện, cứ vài ba ngày lại có tin một bác sĩ đi vượt biên. Hằng tuần, ngoài giờ làm ở bệnh viện, mọi người phải thay phiên nhau đi nông trường làm rẫy. Nhìn bàn tay bác sĩ, nữ hộ sinh là để cầm kéo, cầm dao mổ, để nâng đỡ những sinh linh bé bỏng mới chào đời mà cứ phải cầm cuốc cầm rựa riết, bà chạnh lòng... May sao cuối năm 1980, Thành ủy TP.HCM có nghị quyết về việc chăm sóc đời sống cho cán bộ, công nhân viên. Bệnh viện Từ Dũ đề xuất mở phòng khám ngoài giờ và được TP cho làm thí điểm.
Trước chuyện làm đột phá này, còn nhiều ý kiến không thống nhất. Nhiều đêm liền bà Hai Chung không ngủ được. Là bí thư đảng ủy, bà phải làm sao đây để đời sống nhân viên mình không quá cơ cực, để họ vẫn giữ được phẩm chất đạo đức của người thầy thuốc, vừa không bị phê phán là đi chệch đường. Vậy là đảng ủy ngồi lại, thảo luận, rà soát lại các mục tiêu, đề ra biện pháp quản lý chặt chẽ hơn. Những bác sĩ, nữ hộ sinh có chuyên môn giỏi được bố trí tại phòng khám. Những cán bộ lãnh đạo cao nhất của bệnh viện trực tiếp điều hành hoạt động của phòng khám. Mọi nỗ lực đã có kết quả. Từ thí điểm đầu tiên ở Bệnh viện Từ Dũ, đến năm 1985 Bộ Y tế công nhận hình thức phòng khám tập thể ngoài giờ là mô hình đúng đắn trong bước đầu của thời kỳ quá độ.
Trong quá trình làm, nhiều lúc giám đốc Nguyễn Thị Ngọc Phượng tâm sự với bà Hai Chung: “Chị ơi, bày ra nhiều chuyện quá, không biết sức mình có làm nổi không?”. Bà vững vàng: “Không sao đâu em, giữ được đoàn kết là làm được hết. Có đoàn kết thì nhất hô bá ứng, khó khăn gì cũng vượt qua”.
Phóng to |
Hạnh phúc là được làm việc suốt đời
Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng: “Tôi không đơn độc” Chị Hai Chung có một đức tính rất hay là không bao giờ đố kỵ hay hẹp hòi với ai. Thời làm ở bệnh viện, nhiều khi tôi có những đề xuất rất bạo. Tôi như con ngựa đang hăng, còn chị là người cầm cương để tôi đi đúng hướng. Nhiều chuyện tôi làm vấp phải phản ứng rất dữ nhưng chị Hai Chung vẫn vững lòng ủng hộ, tạo điều kiện tối đa. Có người nói tại tôi hay đi trước người ta nên nhiều lúc phải cô đơn. Nhưng nhờ có chị Hai Chung, tôi đã không đơn độc. |
Hình ảnh những phụ nữ lầm lỡ, lần nào đi viện cũng đi một mình, rồi chuyện một em công nhân ở Khu chế xuất Linh Trung sinh con xong phải đem bỏ vì đứa nhỏ không có cha làm bà đau xót. Ý tưởng xây dựng một nhà tạm lánh cho phụ nữ lầm lỡ xuất hiện. Lúc này bà Hai Chung đã về hưu, chuyển sang công tác ở làng Hòa Bình với cương vị phó giám đốc. Dưới sự hỗ trợ của Hội Chữ thập đỏ bệnh viện - cũng do bà đề xuất sáng lập, nhà tạm lánh đã ra đời, cưu mang hàng trăm cô gái lầm lỡ, giúp họ có chỗ nương tựa và có người chăm sóc khi bụng mang dạ chửa.
Mới đó mà đã gần 14 năm kể từ ngày bà về hưu nhưng khuôn viên Bệnh viện Từ Dũ vẫn chưa một ngày vắng bước chân bà. Mỗi ngày bà thức dậy lúc 4g30. Chưa đến 6g bà đã vào tới bệnh viện. Căn phòng nhỏ ở tầng trệt, ngay dưới chân cầu thang làng Hòa Bình vẫn là nơi mà mỗi khi có chuyện vui buồn, các bác sĩ, nữ hộ sinh trong bệnh viện quen ghé qua kể cho chị Hai nghe. Mấy em nhỏ bị nhiễm chất độc da cam ở làng Hòa Bình thì hễ có chuyện gì lại chạy xuống tâm sự với “bà nội”. Em Trần Thị Hoan kể: “Có bữa vừa nghe tiếng em dắt xe lọc cọc ở ngoài là nội mở cửa phòng, ngoắt em vô cho một trái cam. Nội dặn con gái phải ăn thêm trái cây cho đẹp da, có sức mà học. Mà nội để ý đến từng đứa, từ tánh tình cho tới tâm tư, tình cảm. Hễ đứa nào chừng một tuần chưa gặp là nội thế nào cũng tìm hỏi thăm”.
Nhìn lại hơn 80 năm cuộc đời, bà nói nhẹ nhàng: “Điều hạnh phúc nhất của tôi là được lo cho phụ nữ, lo cho mấy đứa nhỏ tật nguyền. Tôi ráng đeo theo mấy đứa nhỏ ở làng Hòa Bình này cho tới chừng nào đi hết nổi thì thôi...”.
Phóng to |
Nụ cười đôn hậu Mỗi lần có dịp đến Bệnh viện Từ Dũ hay trên đường công tác tình cờ gặp lại bác sĩ Tạ Thị Chung, ấn tượng nhất trong tôi vẫn là một nụ cười ấm áp, đôn hậu, một tấm lòng rộng mở, luôn sẵn sàng sẻ chia những điều mà người đối diện đang cần ở bà.
Cái ấm áp ấy tôi đã cảm nhận được từ những ngày bám sát để theo dõi diễn tiến từng giai đoạn trong cuộc mổ tách cặp song sinh dính Việt - Đức (4-10-1988). Lúc ấy bà là bí thư đảng ủy, phó giám đốc bệnh viện, phải tất bật lo từng chi tiết nhỏ nhất về hậu cần để chu toàn cho cả êkip bác sĩ lên đến trên 70 người tham gia cuộc mổ, lo cho những hoạt động bình thường của bệnh viện và lo cho cả... cánh nhà báo chúng tôi. Như với tôi, bà hỏi: “Con có mệt không? Nhà có xa không, mổ kéo dài tới giữa khuya đêm nay làm sao con về...?”. Rồi bà thắc thỏm lo cho Việt, Đức - hai đứa “cháu nội” bé bỏng đang vật lộn giữa ranh giới sống - chết trong phòng mổ. Chốc chốc bà lại hỏi thăm tình hình mỗi đứa ra sao... Nhìn bà trong chiếc áo bà ba trắng, tóc bới gọn, bên ngoài khoác chiếc áo blouse trắng, đi lại thoăn thoắt giữa các dãy hành lang đèn nơi tỏ nơi mờ, bỗng dưng tôi liên tưởng đến hình ảnh bà mẹ Việt Nam đẹp thanh thoát đến lạ thường. Một lần, tôi thắc mắc: “Sao Việt và Đức lại gọi cô là bà nội?”. Bà cười hiền, cho biết: “Hai đứa chuyển vô bệnh viện khi còn ẵm ngửa, vừa tật nguyền, vừa cô đơn vì không có mẹ đi theo. Hai đứa nó cứ lôi nhau, đứa thì đi đàng đông, đứa đi đàng tây... tự nhiên mình thương tụi nó quá, tự xưng “bà nội” luôn!”. Vậy là “bà nội” gắn liền với hai số phận nghiệt ngã Việt - Đức. Việt sống thực vật vẫn được chăm sóc rất chu đáo gần 20 năm cho đến ngày ra đi (1997). Còn với Đức, bà lo cho đến khi đám cưới, lo chỗ ở cho đôi trẻ... Hôm lễ đầy tháng con của Đức, tôi thấy bà tất bật trong nụ cười rạng rỡ. Dù đã nghỉ hưu từ lâu lắm rồi, “bà nội” vẫn tất bật lo lắng cho đám trẻ nạn nhân chất độc da cam ở làng Hòa Bình Từ Dũ. Mỗi một số phận bất hạnh cứ như đeo đẳng lấy bà. Chăm lo cho một đứa trẻ khỏe mạnh nên người vốn đã khổ cực, chăm cho một trẻ dị tật với những tổn thương từ trong tâm hồn, có đủ nghị lực để vượt qua số phận là một nỗ lực vô bờ của bà và các cộng sự ở làng Hòa Bình Từ Dũ. Với nụ cười ấm áp, đôn hậu ấy, thầy thuốc nhân dân Tạ Thị Chung luôn là chỗ dựa tinh thần an lành cho đồng nghiệp, cho các cộng sự trẻ, cho cả các sản phụ và thân nhân... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận