Hội thảo do VCCI và Bộ Công Thương tổ chức về việc lấy ý kiến dự thảo sửa đổi nghị định 95 và nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu diễn ra sáng 14-2 chật kín không còn chỗ ngồi.
Sau một năm gồng mình khi kinh doanh thua lỗ vẫn phải mở bán, với nhiều doanh nghiệp xem đây là cơ hội để bộc bạch những khó khăn. Ông Hà Thanh Tùng, đại diện Công ty TNHH TM Vận tải Hà Giang, cho biết theo tính toán, số lỗ của các cửa hàng bán lẻ giai đoạn cao điểm lên tới 900 tỉ đồng/tháng, từ tháng 3-2022 số lỗ có thể lên tới 3.000 - 4.000 tỉ đồng.
Bán lẻ, phân phối xăng dầu tố bị chèn ép chiết khấu, không lấy được hàng
“Doanh nghiệp đầu mối lãi cả nghìn tỉ đồng, nhưng bán lẻ lỗ nghìn tỉ, đứng trước nguy cơ rút phép. Chúng tôi chỉ được lấy hàng một nơi nên bị chèn ép chiết khấu, cho chiết khấu bao nhiêu cũng phải nhận” - ông Tùng bộc bạch.
Đề cập vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thắng, giám đốc Công ty TNHH Hải Âu Phát (Lâm Đồng), cho hay lợi nhuận định mức hiện quy định là 300 đồng/lít, kg. Tuy nhiên, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu vẫn chưa nhận được phần lợi nhuận định mức này, vì vậy đề nghị nên có quy định tỉ lệ % định mức với khâu bán buôn, bán lẻ.
Đại diện thương nhân phân phối, ông Văn Tấn Phụng, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thương mại Dầu khí Đồng Nai, chỉ ra “điều lạ” trên thị trường này là doanh nghiệp bị lỗ vẫn phải bán, vẫn phải kinh doanh.
Theo ông Phụng, thương nhân phân phối là phân khúc đưa hàng từ đầu mối về các đơn vị nhượng quyền, đại lý. Tuy nhiên, việc mua hàng có lúc khó khăn. Đơn cử tại Đồng Nai, sát TP.HCM có tổng kho Nhà Bè nhưng vừa rồi cũng "khó lấy được hàng".
“Không lấy được từ đầu mối thì phải điều hòa hàng từ thương nhân phân phối khác, chuyển hóa qua lại để có đủ hàng cung ứng. Tôi đề nghị không nên khống chế thương nhân phân phối chỉ được lấy hàng từ 3 đầu mối, điều hành giá nên là 15 ngày” - ông Phụng bày tỏ.
Trước các ý kiến trên, ông Trần Duy Đông - vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - đồng chủ trì hội thảo đã đề nghị các doanh nghiệp đầu mối tham dự cũng phải chia sẻ, phản biện lại những vấn đề mà nhà bán lẻ, phân phối nêu liên quan đến chiết khấu, định mức, giao hàng không đúng như hợp đồng cam kết.
Doanh nghiệp đầu mối phản biện lại, mong chia sẻ khó khăn
“Chúng tôi không nghe ý kiến một chiều mà phải sòng phẳng. Các doanh nghiệp phản biện, để làm sao kinh doanh xăng dầu thấu tình đạt lý ở tất cả các khâu, từ nhập khẩu, phân phối, bán lẻ, tránh xáo trộn, đứt gãy cục bộ” - ông Đông đề nghị.
Được chỉ định phát biểu, ông Nguyễn Hồng Nam - trưởng ban chính sách kinh doanh của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) - bày tỏ nỗi niềm khi quy định hiện nay thương nhân đầu mối phải dự trữ tồn kho 20 ngày. Trong khi công thức tính giá có biên độ quá ngắn, dẫn tới khi giá xuống thì doanh nghiệp “chết” vì tồn kho.
“Lỗ của chúng tôi lớn nên không đủ nguồn lực để chia sẻ chiết khấu. Việc nhập khẩu về mất nhiều công sức, mỗi tháng nhập 100 tàu, mấy chục triệu USD/tàu, còn tí nguồn lực thì phải bù. Cá nhân tôi cũng đồng ý cho đại lý chiết khấu ổn định, nhưng cũng phải đảm bảo cho thương nhân phân phối, đầu mối mới chia sẻ lại cho anh chị” - ông Nam bày tỏ.
Ông Phạm Anh Thoại - chủ tịch HĐQT của Saigon Petro - cũng bộc bạch khó khăn của đầu mối khi phải đảm bảo nguồn hàng. Để nhập hàng phải vay vốn trong khi ngân hàng siết tín dụng, bán tiền Việt nhưng chi tiền USD để mua hàng, chịu thiệt về tỉ giá. Vì vậy, các bên cần chia sẻ chung chi phí xăng dầu.
“Các ý kiến nêu ra là thỏa đáng nhưng phải hiểu cho chúng tôi. Chúng tôi có lãi thì chia liền, nhưng chúng tôi bị lỗ quá. Mong các anh chị hết sức bình tĩnh, phải từ từ, lắng nghe chia sẻ, tìm ra giải pháp để tháo gỡ” - ông Thoại nói.
Với các ý kiến thẳng thắn, cởi mở, ông Trần Duy Đông cho hay lãnh đạo Bộ Công Thương chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở tất cả các khâu. Đồng thời nhấn mạnh sẽ tiếp thu lắng nghe các ý kiến, góp phần sửa đổi bất cập của nghị định. Về dài hạn, tiến tới theo quy luật khách quan của thị trường, nhưng cần phải có thời gian.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận