Còn lộn xộn trong tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế
Tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học mới trong công tác quản lý chất lượng và thanh tra, kiểm tra khối sở giáo dục và đào tạo, ông Huỳnh Văn Chương - cục trưởng Cục Quản lý chất lượng - cho biết thực tế còn lộn xộn trong thi chứng chỉ ngoại ngữ nước ngoài.
Tính đến hết ngày 15-8, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành 45 quyết định phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ đối với sáu ngôn ngữ (tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Hàn, tiếng Hoa, tiếng Nhật và tiếng Trung).
Hiện có 11 cơ sở tổ chức thi cấp chứng chỉ của nước ngoài và 95 lượt cơ sở tổ chức thi cấp chứng chỉ của Việt Nam với 137 địa điểm thi trên toàn quốc.
Đối với lĩnh vực liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ, công tác kiểm tra, giám sát, xử lý theo thẩm quyền việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài trên địa bàn theo quy định tại nghị định 86 và thông tư 11 chưa được chú trọng.
Một số địa phương đã không thực hiện đúng chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tăng cường quản lý liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài; khiến nhiều tổ chức/đơn vị tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế sau ngày 10-9-2022 khi chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.
Việc này gây ra tình trạng lộn xộn, thiếu tuân thủ pháp luật và ảnh hưởng đến quyền lợi của người dự thi, nhất là đối với học sinh THPT sử dụng các chứng chỉ này trong việc miễn bài thi ngoại ngữ trong thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào đại học, cao đẳng.
Nhiều trường hợp để "lọt" chứng chỉ ngoại ngữ chưa phù hợp
Theo Cục trưởng Huỳnh Văn Chương, việc liên kết tổ chức thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế hiện nay rất lớn, đặc biệt tại TP.HCM.
Nghị định 86 ra đời cách đây bốn năm đã yêu cầu tất cả tổ chức quốc tế về giáo dục vào Việt Nam hoạt động phải được cấp giấy phép. Sau đó thông tư 11 giao bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn việc cấp phép này.
Ông Chương cho rằng thông tư 11 lưu ý các sở giáo dục và đào tạo, địa phương phải giám sát, theo dõi và báo cáo với Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các đơn vị đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép, các địa phương phải chủ động trong việc giám sát, theo dõi.
"Vừa qua, trong quá trình thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, ưu tiên chứng chỉ ngoại ngữ đã gặp rất nhiều trường hợp các sở để "lọt" chứng chỉ ngoại ngữ chưa phù hợp. Đây là trách nhiệm của các sở giáo dục và đào tạo. Cần hết sức lưu ý, đặc biệt là các chuyên viên quản lý công việc này.
Chứng chỉ ngoại ngữ là một trong những yêu cầu để chúng ta hội nhập nên không thể không có. Sắp tới Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ bàn thêm về việc ưu tiên điểm này và việc thay thế thi ở mức nào", ông Chương cho biết thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận