Bạn không thấy nhàm chán sao?

NGUYÊN ANH (MỸ) 27/02/2012 08:02 GMT+7

TTCT - 1. Tôi chứng kiến từng ngày nỗi ám ảnh về cái đẹp mỗi khi bước vào trường đại học. Xung quanh tôi là những cô bạn tuổi hai mươi đẹp rực rỡ, đương nhiên đằng sau gương mặt đẹp thiên thần ấy là một kỳ công.

Thời của "giao diện" đẹp

LTS: Góp ý kiến tuần này là bài viết của hai bạn trẻ vô tình có cùng quan điểm: hãy là mình trước khi là người đẹp!

Phóng to
Minh họa: Bích Khoa

Mỗi sáng các cô dậy sớm từ một đến hai tiếng để làm tóc và trang điểm. Cũng không phải nhọc nhằn gì, vì đây là thói quen được xác lập từ thuở còn học trung học.

Tôi có dạy kèm cho một học sinh trung học, cô bé này dù thiếu ngủ vì phải thức khuya làm bài tập vẫn chu đáo dậy sớm khoảng một tiếng để làm đẹp trước khi đi học. Lý lẽ của cô cũng khá giống những cô bạn học đại học chung với tôi - phải có phấn son và chì kẻ mắt thì các bạn mới tự tin bước ra đường, vì theo các bạn, gương mặt mộc của mình thực chất rất xấu xí, chẳng ai muốn nhìn.

Ám ảnh về cái đẹp đã ăn mòn vào đời sống của những cô gái Mỹ. Về mặt tích cực, nó khuyến khích các bạn vận động liên tục, chơi thể thao, đi tập gym mỗi ngày. Nhưng đồng thời nó cũng khiến các bạn nhịn ăn vì sợ lên cân. Có khi khẩu phần một ngày của các bạn chỉ là một quả táo.

Chứng bệnh biếng ăn/sợ ăn không quá xa lạ với đời sống Mỹ, khi các cô gái hướng về các diễn viên màn bạc và siêu mẫu như một mẫu hình lý tưởng. Sự thật thì hình ảnh những ngôi sao này đã được chăm chút thông qua photoshop để tạo thành một vẻ đẹp hoàn hảo, không tì vết.

“Xã hội cần sự phóng tác và những ý tưởng mới mẻ hơn là sự bắt chước rập khuôn. Vả lại, khi đã rập khuôn thì ai cũng như ai, làm sao bạn tìm được sự nổi bật cho mình?”

Nữ diễn viên Kate Winslet (có lẽ bạn trẻ Việt nào cũng biết nữ diễn viên đóng vai chính trong bộ phim nổi tiếng Titanic này) trong một cuộc phỏng vấn với ABC News đã nói: “Chẳng ai có thể xấu sau khi được chỉnh sửa suốt sáu tiếng. Những người nổi tiếng trên các tạp chí không giống như ngoài đời thật đâu. Tôi muốn các cô gái trẻ biết là chúng tôi trông không giống vậy. Đó chỉ là một ý niệm về sự hoàn hảo. Và nó không tồn tại”. (http://www.foxnews.com/imag/Wellness/Kate+Winslet+Says+You+Don't+Have+to+Be+a+Size+). Kate Winslet từng kiện một tờ tạp chí vì bịa ra thông tin cô ăn kiêng.

2. Mặc dù tình trạng biếng ăn và ám ảnh về ngoại hình của giới trẻ Việt chưa đến mức trầm trọng như giới trẻ Mỹ, song không thể phủ nhận sức ảnh hưởng của nền văn hóa các nước phương Tây vào đời sống các bạn trẻ hôm nay. Một phương tiện góp sức cho cuộc du nhập này chính là truyền thông.

Thời tôi lớn, thần tượng trong mắt tôi và các bạn đồng lứa là những anh chị đoạt giải Đường lên đỉnh Olympia, chương trình mỗi sáng chủ nhật. Đến thời em tôi, thần tượng trở thành những “hot boy, hot girl” không biết từ đâu xuất hiện nhan nhản trên các tờ tạp chí trẻ. Những điều đáng nhớ nhất về các “hot boy, hot girl” này là: anh ấy có nụ cười cực “cute”, cô ấy chân dài miên man nhé, các bạn ấy có phong cách thời trang thật lý tưởng...

Tôi không gọi đây là ảnh hưởng xấu nhưng là ảnh hưởng một chiều. Nó vô tình bó hẹp nhận thức của giới trẻ về khái niệm thành công. Một thông điệp ẩn đã được truyền tải đằng sau những cái tít xinh xinh dễ thương ấy, rằng một chuẩn mực không thể thiếu trong đời sống là phải đẹp, rạng rỡ và có phong cách.

Đừng trách vì sao các bạn tuổi teen đua nhau đi trang điểm, làm tóc, tìm quần áo đẹp và mua hàng hiệu. Chẳng phải truyền thông đã phần nào khẳng định: không phải bạn hấp dẫn vì bạn thành công, mà bạn thành công vì bạn hấp dẫn?

Đương nhiên ai chẳng muốn mình đẹp. Bản thân sự chăm chút về ngoại hình là điều cần thiết để có một đời sống xã hội trọn vẹn. Biết cách làm mình nổi bật, phá cách giữa đám đông bạn sẽ dễ dàng được chú ý hơn. Nhưng điều này không có nghĩa vẻ đẹp là tất cả.

Chúng ta đang sống trong một thời đại mà vẻ bề ngoài được coi trọng hơn tầm vóc thật sự của nó. Điều này thường dẫn đến hai khuynh hướng: một - bạn bị ám ảnh về cái đẹp và luôn trong trạng thái muốn hoàn thiện mình, và hai - bạn trở nên ác cảm với cái đẹp, cho rằng cái đẹp đi liền với sự rỗng tuếch.

Sự thật thì cái đẹp không đáng bị đối xử như vậy. Nó chỉ là một điểm cộng như một loại gia vị làm cho món ăn thêm hợp khẩu chứ không hoàn toàn quyết định chất lượng của món ăn. Cũng như vậy, muốn khẳng định bản thân, bạn cần phải ý thức được về bản ngã của mình trước khi sử dụng vẻ bề ngoài làm điểm nhấn cho nó.

3. Bạn thích nhuộm tóc? Hãy nhuộm đi, nhưng nhuộm vì màu tóc ấy phù hợp với gương mặt, màu da và điều kiện hiện tại của bạn chứ không phải vì hot girl A nhuộm tóc đẹp quá. Bạn thích để tóc che kín mặt? Hãy làm đi, nhưng đừng làm nếu bạn chỉ muốn chạy theo phong trào Emo.

Bạn sống để khẳng định mình chứ không phải để làm bản sao của bất kỳ ai khác. Họ có phong cách riêng thì bạn cũng vậy. Hãy thể hiện điều đó ra vẻ ngoài, theo cách bạn muốn. Hãy định nghĩa cái đẹp theo cách của riêng bạn. Xã hội cần sự phóng tác và những ý tưởng mới mẻ hơn là sự bắt chước rập khuôn. Vả lại, khi đã rập khuôn thì ai cũng như ai, làm sao bạn tìm được sự nổi bật cho mình?

Bạn không thấy nhàm chán sao?

Từ đó, bên bờ suối có một chàng trai trẻ suốt ngày thẫn thờ ngắm nghía dung nhan của mình cho đến khi ngã gục vì kiệt sức.

Phải đẹp mới thành công?

Đó là câu chuyện về con người quá yêu quý và tự hào về nhan sắc của mình tưởng đã khép lại từ hàng ngàn năm trước tại Hi Lạp. Còn tại Việt Nam, có lẽ chưa bao giờ “ngoại hình đẹp, chân dài” lại là một lợi thế trong các quan hệ giao dịch như bây giờ. Chúng ta được đánh thức với đủ loại hình người đẹp và hoa hậu nhan nhản trên khắp các mặt báo, tạp chí trong nước và quốc tế. Phải đẹp và chỉ đẹp mới có cơ hội thành công.

Từ khi con người chuyển từ thời công xã nguyên thủy sang các hình thái kinh tế xã hội khác, nhu cầu làm đẹp và tôn vinh người đẹp cũng theo đó mà phát triển. Những người đẹp có nhan sắc khuynh thành do trời phú còn được sử sách lưu truyền lại mãi, còn nếu chưa đẹp người ta có thể đẹp hơn như kiểu “người đẹp nhờ lụa”. Đẹp là một giá trị được cả xã hội loài người theo đuổi. Nó làm thăng hoa cuộc sống con người. Bản thân cái đẹp không có tội, mà tội lỗi bắt nguồn từ chính những người sùng bái cái đẹp thái quá.

Truyền hình đang là một kênh truyền thông cổ xúy cho vẻ đẹp ngoại hình. Những hình ảnh quảng cáo chăm chăm vào người đẹp để khơi gợi những ảo tưởng về công năng của sản phẩm. Ngành quảng cáo đặt ra những hệ giá trị về cái đẹp. Một người có làn da trắng đẹp có quyền rạng rỡ bước đi trên đường, còn những người màu da không sáng phải chấp nhận sống với mặc cảm.

Sở hữu một mái tóc mượt mà, người ta sẽ là tâm điểm ghen tỵ của những cô gái lỡ mang bộ tóc “rễ tre” trên đầu. Có hề gì! Đàn ông ư, đàn ông cũng cần phải đẹp. Đàn ông đẹp trai cần phải tút sạch mụn trên mặt. Bản lĩnh đàn ông là không có gàu trên đầu! Cứ vậy mà làm thôi. Đẹp bỗng nhiên được hiểu một cách đầy “xôi thịt” là phải trắng da và dài tóc. Con người trở thành nô lệ của ngoại hình.

Đây không phải là hiện tượng đặc thù của Việt Nam - thị trường mới nổi của các sản phẩm tiêu dùng. Peggy Orenstein trong tác phẩm Cinderella ate my daughter đã mô tả hiện tượng tương tự xảy ra trong xã hội phương Tây. Những thiếu nữ dưới tác động của truyền thông đã trở thành những tín đồ của màu hồng và ước vọng công chúa lọ lem.

Các thương hiệu có đủ tiềm lực tài chính để tạo ra những hình mẫu đại sứ đầy quyến rũ cho thương hiệu bằng những cô người mẫu siêu gầy, mong manh và cá tính với sự chăm chút của hàng chục êkip đứng phía sau.

Những nô lệ ngoại hình

Một thông điệp lớn hơn trong cuốn sách của Peggy chính là cần đánh thức sự tự tin của con người trong xã hội hiện tại. Bạn sẽ là ai khi suốt ngày chỉ chăm chú tìm đến sự hoàn hảo về ngoại hình trước mọi người, thay vì cần chú ý đến cảm giác của bản thân?

Ảnh hưởng của truyền thông đang tác động khá lớn đến đời sống của người dân, đặc biệt là thế hệ tiêu dùng trẻ. Những thuật ngữ “sành điệu”, “hợp thời”, “năng động”, “tự tin” đánh vào tâm lý của người trẻ, biến họ thành nô lệ của sản phẩm tiêu dùng hay của những hình mẫu.

Một hậu quả khác mà mọi người có thể nhận thấy là xu hướng lạm dụng phẫu thuật thẩm mỹ của một số cá nhân. Những nét đặc trưng của mỗi người bị phủ nhận, bị thay thế bằng silicon và que nhựa. Không tự tin về bản thân khiến người ta phải đánh đổi tiền bạc, sức khỏe và tính mạng để mang một gương mặt hay một thân hình không thật, tất cả chỉ để đẹp giống những cá thể khác.

Bóng ma của chàng Narcissus đang trở về trong xã hội hiện đại. Tuy nhiên, không còn những vị thần phép thuật để khắc phục lỗi lầm của con người. Bỏ quên những nét đẹp nhân bản của cuộc sống, con người chỉ gục ngã như Narcissus mà thôi!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận