22/11/2011 01:15 GMT+7

Băn khoăn việc bỏ giám định pháp y công an tỉnh

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Việc bỏ giám định pháp y công an tỉnh để chuyển nhiệm vụ này cho trung tâm pháp y ngành y tế trong dự án Luật giám định tư pháp đã khiến nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn tại phiên thảo luận ở hội trường sáng 21-11.

Theo phó giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Đức Chung, đội giám định pháp y của phòng kỹ thuật hình sự 63 công an các tỉnh, thành nằm trong cơ cấu tổ chức của công an các tỉnh tương tự như pháp y trong quân đội, hoàn toàn độc lập với cơ quan điều tra. Đội ngũ này được đào tạo cơ bản về kiến thức, chuyên sâu về lĩnh vực y học, đồng thời cũng được đào tạo chuyên sâu về công tác điều tra tội phạm.

Trong khi đó, đến nay sau sáu năm ngành y tế mới có 39 trung tâm pháp y, 16 phòng giám định pháp y ở cấp tỉnh, còn một số tỉnh thì chưa có, đa số các trung tâm và phòng này hầu hết không đủ số giám định viên tư pháp. “Vậy tại sao chúng ta lại bỏ đi? Tôi mong muốn và đề nghị các đại biểu Quốc hội ủng hộ để 213 giám định viên pháp y tử thi và 96 y tá, bác sĩ được tiếp tục ổn định tư tưởng để cống hiến cho nền an ninh trật tự Tổ quốc” - ông Chung nói.

Một điểm mới được quy định trong dự luật là quyền yêu cầu giám định của đương sự trong vụ việc dân sự, trong vụ án hành chính và hình sự. Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết đa số ý kiến trong thảo luận tổ vừa rồi và ở hội trường đồng ý đối với các vụ việc dân sự, vụ án hành chính thì đương sự có quyền được trưng cầu giám định. Còn trong hình sự thì trách nhiệm chứng minh là của cơ quan tố tụng, cơ quan nhà nước, cho nên đại biểu còn có ý kiến khác nhau.

Bà Lê Thị Nga - phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp - đề nghị dự luật quy định chi tiết về khiếu nại đối với kết luận giám định, bắt buộc giám định lại khi có khiếu nại kết luận giám định với thời hạn hợp lý, đảm bảo không kéo dài thời hạn tố tụng và quy định cụ thể về giám định lại. Theo bà Nga, quy định như vậy là cần thiết vì “kết luận giám định ảnh hưởng đến sinh mạng, chính trị, đến danh dự, nhân phẩm và tài sản của công dân, kết luận không chính xác có thể làm oan cho người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm”.

* Theo chương trình kỳ họp, nửa buổi sáng 21-11 Quốc hội họp phiên toàn thể để nghe Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trình bày tờ trình về dự án Luật biển VN và báo cáo thêm một số vấn đề về tình hình biển Đông. Buổi chiều, các đại biểu Quốc hội nhóm họp tại tổ để thảo luận dự án Luật biển VN. Đây là nội dung Quốc hội họp kín.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên