09/10/2014 14:38 GMT+7

​Băn khoăn tiền xây sân bay Long Thành

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Với số vốn giai đoạn 1 lên đến 8 tỉ USD, không ít người đã không khỏi băn khoăn về dự án xây dựng sân bay Long Thành.

Việc xây dựng sân bay Long Thành theo đề án là cấp bách vì sân bay Tân Sơn Nhất sẽ rơi vào tình trạng quá tải trong thời gian tới (ảnh chụp tại sân bay Tân Sơn Nhất) - Ảnh: T.T.D.

Tại buổi họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 8-10, khi Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng trình bày báo cáo của Chính phủ về việc đầu tư Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành, với vốn giai đoạn một gần 8 tỉ USD, nhiều đại biểu đã bày tỏ sự băn khoăn về nguồn vốn.

Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết trong giai đoạn 2002-2012, lượng hành khách thông qua các cảng hàng không VN đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 14,7%/năm.

Cụ thể năm 2013, Cảng HKQT Tân Sơn Nhất đạt lưu lượng 20 triệu khách, dự kiến đến 2016-2017 sẽ đạt công suất thiết kế 25 triệu khách/năm và trở nên quá tải sau đó (dự kiến đến 2025 lượng hành khách là 40,4 triệu/năm).

Cấp bách?

Trong giai đoạn đến năm 2030, Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đánh giá VN sẽ là nước đứng thứ ba trong số 10 nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Dự báo khu vực trọng điểm kinh tế phía Nam với cửa ngõ là khu vực TP.HCM sẽ đạt hơn 50 triệu hành khách vào năm 2030.

Đây là lý do chính để Chính phủ cho rằng việc đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành là cấp bách và cần thiết. Dự án sẽ được thực hiện trong ba giai đoạn, giai đoạn một sẽ kết thúc và đi vào hoạt động năm 2025.

Thẩm tra tờ trình của Chính phủ, “đa số ý kiến tán thành với chủ trương đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành” - phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc cho biết. Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng có cùng quan điểm này.

Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế nêu lên hàng loạt vấn đề cần được giải đáp: “Đề nghị làm rõ việc xây dựng Cảng HKQT Long Thành với mục đích cảng hàng không trung chuyển của khu vực và quốc tế, vì nếu chỉ đơn thuần là để giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất và đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng không trong tương lai thì hệ thống hàng không hiện tại (bảy cảng hàng không quốc tế) hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu.

Có ý kiến cho rằng chỉ cần mở rộng sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (với tổng diện tích 1.500ha hiện tại) vẫn có thể nâng công suất khai thác để đáp ứng nhu cầu vì các cảng hàng không trong khu vực diện tích nhỏ hơn vẫn có thể phục vụ lượng khách rất lớn như: Cảng HKQT Chek Lap Kok (Hong Kong) chỉ với diện tích 1.255ha có công suất 50 triệu khách/năm, Cảng HKQT Changi (Singapore) rộng 1.300ha đạt công suất 42 triệu khách/năm”.

Đầu tiên là... tiền đâu?

“Vấn đề đầu tiên vẫn là tiền ở đâu, tôi nhất trí hết các nội dung khác nhưng cái mà tôi băn khoăn nhất là tiền. Các đồng chí phải giải trình rõ với Quốc hội là tiền lấy đâu ra, bởi hiện nay Quốc hội đã khóa sổ đối với trái phiếu chính phủ. Vậy tới đây Quốc hội có cho phép phát hành trái phiếu nữa không?” - chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đặt vấn đề.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền cũng băn khoăn tương tự khi nhắc lại số tiền từng dành cho ước mơ “đường sắt cao tốc”.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế nêu rõ hơn: “Dự án này sử dụng một lượng vốn ngân sách nhà nước và vốn vay của các tổ chức quốc tế trong bối cảnh nợ công tăng nhanh và ngân sách khó khăn cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Tuy nhiên, báo cáo chưa làm rõ khả năng huy động vốn.

Tổng mức đầu tư giai đoạn một khoảng 164.589 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách Nhà nước, trái phiếu chính phủ và ODA là 84.624 tỉ đồng. Nếu tính cả ba giai đoạn thì tổng mức đầu tư sẽ rất lớn. Hơn nữa, mức đầu tư giai đoạn một cũng mới chỉ là ước tính”.

Báo cáo (của Chính phủ) nêu phương án giải phóng mặt bằng toàn bộ 5.000ha trong giai đoạn một của dự án. Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng với kinh phí đền bù, hỗ trợ, tái định cư rất lớn dùng vốn ngân sách nhà nước (khoảng 20.000 tỉ đồng) lại thực hiện trong thời gian ngắn sẽ dẫn đến cân đối vốn rất khó khăn.

Đề nghị giảm nhiều loại thuế

Với lý do trong tình hình kinh tế khó khăn, để hỗ trợ và kích thích doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế, trong đó đề nghị giảm nhiều loại thuế.

Theo đó, các hoạt động sản xuất, kinh doanh liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp nằm trong phạm vi được ưu đãi nhất. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết Chính phủ đề nghị chuyển mặt hàng phân bón, thức ăn chăn nuôi công nghiệp từ đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng với mức thuế suất 5% hiện nay sang đối tượng không chịu thuế.

Áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 20% trong năm 2014 và 2015 đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp (nghiên cứu phát triển giống, trồng trọt, chăn nuôi, chế biến sản phẩm nông nghiệp) không thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, từ năm 2016 thu nhập của doanh nghiệp này được áp dụng thuế suất 17%.

Chính phủ cũng đề nghị bỏ quy định khống chế khoản chi quảng cáo, tiếp thị, khuyến mãi, hoa hồng môi giới, tiếp tân, khánh tiết, hội nghị, hỗ trợ tiếp thị, hỗ trợ chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Theo đó, doanh nghiệp thực hiện chi quảng cáo, khuyến mãi nếu có đủ hóa đơn, chứng từ theo quy định thì được tính trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

Đáng chú ý, Chính phủ còn đề nghị xóa nợ tiền phạt chậm nộp thuế, tiền chậm nộp thuế của các khoản nợ thuế phát sinh trước ngày 1-7-2013 của doanh nghiệp gặp khó khăn khách quan và đã nộp khoản nợ thuế gốc trước ngày 31-12-2014.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết nếu Quốc hội chấp thuận các phương án của Chính phủ thì tất cả khoản ưu đãi trên cộng lại sẽ làm ngân sách giảm thu khoảng 5.700 tỉ đồng mỗi năm, trong khi phải tăng chi 1.300 tỉ đồng để hoàn thuế giá trị gia tăng.

Dự án luật này sẽ được trình để Quốc hội quyết định ngay tại kỳ họp tháng 10 tới.

Lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội

Sáng 8-10, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số vấn đề về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 8, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết kỳ họp này sẽ khai mạc ngày 20-10 và dự kiến kết thúc ngày 28-11.

Việc lấy phiếu tín nhiệm những người giữ các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn dự kiến thực hiện vào ngày 15-11, kết quả sẽ được công bố ngay trong ngày.

Theo ông Phúc, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan, “đề nghị bổ sung nội dung Quốc hội nghe Chính phủ báo cáo về tình hình biển Đông, trong đó có việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo trên quần đảo Trường Sa”.

Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội sẽ diễn ra tại nhà Quốc hội mới.

 

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên