Thí sinh dự thi môn khoa học xã hội kỳ 2018 - Ảnh: NHƯ HÙNG
Sau khi Bộ GD-ĐT công bố phổ điểm kỳ thi THPT quốc gia 2018, nhiều giáo viên bày tỏ băn khoăn, lo lắng.
Theo một giáo viên môn vật lý ở quận 1, TP.HCM, kỳ thi THPT quốc gia có hai mục tiêu, trong đó mục tiêu 1 là đánh giá học sinh sau 12 năm học để xét tốt nghiệp cho các em. Nhưng phổ điểm năm nay có khá nhiều môn tỉ lệ học sinh đạt điểm trên trung bình chỉ trên dưới 50%.
Một kỳ thi mà chỉ có 50% thí sinh trên trung bình, tức là chỉ có 50% học sinh có thể tốt nghiệp THPT, như vậy là không ổn.
Tuy nhiên, quy chế xét điểm tốt nghiệp là có tính lớp 12 nên giải quyết được vấn đề trên: học sinh thi điểm dưới trung bình nhưng nhờ điểm học bạ kéo lại nên các tỉnh, thành vẫn đạt hơn 98% tốt nghiệp THPT.
Thế nhưng, lúc này lại xảy ra một hệ lụy: điểm số trong học bạ và THPT quốc gia chênh lệch nhau nhiều quá. Có em điểm học bạ 8.0 khi đi thi chỉ cần 2.0 điểm là đậu tốt nghiệp. Và sự gian dối trong việc đánh giá học sinh ở nhà trường phổ thông sẽ ngày càng tăng lên nếu các địa phương muốn giữ tỉ lệ tốt nghiệp.
Cũng theo giáo viên này, phổ điểm năm nay quá dốc, từ đỉnh xuống hai bên giảm rất nhanh. "Tôi e rằng sẽ gây nhiều khó khăn cho nhà trường trong năm học tới, các học sinh sẽ đi luyện thi nhiều hơn để học cách giải quyết những câu khó trong đề thi", vị này nói.
Thầy Nguyễn Tác Tuấn Ngọc, tổ trưởng Tổ Toán, Trường THPT Phú Nhuận, TP.HCM, cũng băn khoăn: "Với phổ điểm môn toán quá thấp như năm nay, tôi cảm thấy hơi hoang mang, năm học tới, chúng tôi phải dạy như thế nào để đáp ứng yêu cầu của đề thi?".
"Mặc dù giáo viên rất cố gắng nhưng qua phổ điểm thấp như vậy, giáo viên nào cũng sẽ có tự trọng tự ái nghề nghiệp, mặc dù lỗi không phải do giáo viên. Như vậy, qua phổ điểm này chúng ta cũng cần nhìn lại về kỳ thi khách quan, toàn diện", thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên sử Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận