Thời gian gần đây, nhiều giáo viên phổ thông khi nghe thông tin phải có chứng chỉ A1, A2 (tùy cấp học) thì đổ xô đi học ngoại ngữ nhưng vẫn còn rất nhiều băn khoăn.
Chứng chỉ nào quan trọng để tốt nghiệp?
Khi tuyển dụng viên chức ngành giáo dục thì ngoài chuyên môn, các cơ quan tuyển dụng đều yêu cầu phải có các văn bằng chứng chỉ về ngoại ngữ và tin học. Chính vì thế, sinh viên đều phải tranh thủ thời gian học thêm nhằm đáp ứng với yêu cầu tuyển dụng sau này.
Những năm gần đây, các trường ĐH yêu cầu sinh viên phải có chứng chỉ ngoại ngữ mới được cấp bằng tốt nghiệp nên khi sinh viên ra trường thì chuyện chứng chỉ ngoại ngữ đã gần như đều hoàn tất.
Trong đó, có trường yêu cầu sinh viên tốt nghiệp phải có kiến thức ngoại ngữ trình độ B, C, trường khác yêu cầu chứng chỉ TOEFL, IELTS, TOEIC nhưng có trường chỉ yêu cầu tối thiểu trình độ A. Nhưng phần nhiều các trường ĐH yêu cầu sinh viên ra trường những năm qua phải có chứng chỉ B.
Tuy nhiên, ngoài yêu cầu về chứng chỉ thì sinh viên sư phạm các trường ĐH phải học tiếng Anh tương đối nhiều. Đa số các trường ĐH sư phạm dạy tiếng Anh với thời lượng 300 tiết vừa thông dụng, vừa chuyên ngành.
Nhưng trớ trêu là học nhiều như vậy nhưng nhiều trường vẫn bắt buộc sinh viên phải học ở trung tâm thuộc quản lý của trường ĐH mà sinh viên đang theo học mới công nhận đạt yêu cầu để tốt nghiệp.
Như vậy, hàng chục năm qua chúng ta vẫn rất lúng túng trong cách chỉ đạo và công nhận chứng chỉ ngoại ngữ cho sinh viên, trong đó có sinh viên các trường sư phạm. Vô tình, sinh viên dù học trong các trường ĐH, CĐ công lập cũng đều phải đóng tiền để học thêm ngoại ngữ nhằm được công nhận có chứng chỉ ngoại ngữ.
48 tiết để làm "bùa hộ thân"?
Hiện chỉ có 10 cơ sở giáo dục đào tạo được tham gia rà soát năng lực ngoại ngữ giáo viên tiếng Anh và được cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
Những nơi này gồm: Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội), Trường ĐH Hà Nội, Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Huế), Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng), Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, Trung tâm SEAMEO RETRAC, ĐH Thái Nguyên, Trường ĐH CầnThơ, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và Trường ĐH Vinh.
Chính vì chỉ có 10 cơ sở được bộ cho phép nên các cơ sở phải liên kết với các sở GD-ĐT, các trung tâm ngoại ngữ ở các địa phương để đào tạo và cấp chứng chỉ.
Hàng loạt chiêu quảng cáo ở các trung tâm liên kết và cả những thông báo của sở GD-ĐT để mở lớp "rà soát" rồi đào tạo và dĩ nhiên là học viên đăng ký học ngày một nhiều vì ai cũng phải lo lắng cho tương lai nghề nghiệp của mình.
Chúng tôi đã liên hệ với một trung tâm ngoại ngữ liên kết với một trường ĐH kể trên để tham khảo thì thời gian học là 6 tuần vào thứ bảy và chủ nhật, học phí 3.200.000 đồng (chưa kể phí khi thi).
Như vậy, mỗi học viên phải nộp 266.000 đồng/buổi học, số tiền không hề ít đối với giáo viên. 12 buổi thì mỗi buổi giỏi lắm cũng chỉ có thể học được 4 tiết thì quá trình học cũng chỉ có tối đa 48 tiết.
Điều chúng tôi trăn trở là ở ĐH, sinh viên chỉ có mỗi chuyện học mà học những 300 tiết, cộng thêm mấy tháng trời học ở trung tâm mới có bằng B ngoại ngữ... còn chưa được tin tưởng mà bây giờ khó khăn gấp nhiều lần thời sinh viên thì các học viên là giáo viên sẽ lĩnh hội được bao nhiêu kiến thức ngoại ngữ?
Bộ GD-ĐT hướng dẫn thi, xét thăng hạng giáo viên đều phải có chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Rồi dự thảo chuẩn giáo viên các cấp học đều yêu cầu chứng chỉ bậc 1, bậc 2, bậc 3 (tùy vào cấp học). Liệu những tấm giấy chứng chỉ A2, B1 bây giờ có khác gì tấm chứng chỉ B ngày trước? Giáo viên phải mất cả gần tháng lương để "học" nhằm có một tấm chứng chỉ bổ sung thêm cho hồ sơ viên chức?
Chứng chỉ bậc 2, bậc 3 của khung ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam là vấn đề "cần có" hay "cần thiết" cũng là một câu hỏi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận