BAN HẠP - ĐẠI GIA NGƯỜI HOA ĐẦU TIÊN?

PHẠM HOÀNG QUÂN 20/03/2019 04:03 GMT+7

TTCT - Tuy rằng Hoa kiều là một bộ phận quan trọng trong lịch sử hình thành và sự phát triển Sài Gòn, nhưng trong tình trạng nghiên cứu không mấy thấu đáo trước giờ đã dẫn đến những sự đề cao quá mức hoặc chưa bóc tách được mặt tích cực với tiêu cực của cộng đồng này, nhất là đối với những tên tuổi thuộc hàng đại cự phú. Khác với số đông người Hoa giàu có do cần kiệm thủ tín, những bậc đại cự phú lưu danh nếu không thuộc diện cánh hẩu (nay gọi cho nhã là nhóm lợi ích) thì cũng thuộc hàng làm giàu bất chấp tác hại xã hội như buôn á phiện hay buôn rượu.

Hội quán Hà Chương đường Nguyễn Trãi, Q.5, TP.HCM. Ảnh: NGUYỆT NHI
Hội quán Hà Chương đường Nguyễn Trãi, Q.5, TP.HCM. Ảnh: Nguyệt Nhi)

Người Việt, người Khmer, người Hoa đã chung lưng đấu cật trong suốt hơn 300 năm sinh sống làm ăn ở đất phương Nam, tuy cùng là động lực thúc đẩy xã hội tiến triển nhưng mỗi dân tộc đều có thế mạnh và điểm yếu riêng.

Người Hoa mạnh về kinh thương, đã góp phần không nhỏ trong việc đem đến sự giàu có cho họ và cho cả vùng đất mới, nhưng trong vài thời đoạn lịch sử cho thấy sự phất lên bất thường của một số đại phú gia ẩn tàng tác hại đến số đông dân chúng.

Qua tiến trình hoạt động của Thương hội Hoa kiều ở Nam Kỳ và với những nhân vật nổi bật, khảo cứu này nhằm góp một góc nhìn, góp ít sử liệu vào việc nghiên cứu rộng hơn cũng như có sự nhận định khách quan hơn về vai trò của thương nhân người Hoa trong lịch sử.

Trước lúc Huỳnh Văn Hoa (Chú Hỏa) và Quách Diệm (bị gọi sai là Quách Đàm) danh vang khắp cõi, đất Sài Gòn - Chợ Lớn vốn từng có vài đại gia lừng lẫy. 

Có một nhân vật có thể thương lượng việc làm ăn với vua Nguyễn hay vua Cao Miên và cả với chính quyền thuộc địa, câu kết với xã hội đen để bá chiếm thương trường, kinh thương theo lối “mặt chánh lưng tà”, bất chấp thủ đoạn. Nhưng rồi cũng trở thành bậc đại phú gia lưu tên trong sử!

Người ấy là Ban Hạp, vốn từng được một số tác giả người Việt nhắc đến, khi thì thoáng qua với một vài sự kiện thương trường trong lời kể lan man của Vương Hồng Sển hoặc Sơn Nam trước kia, hoặc như với hẳn một tiểu sử khá đầy đặn do Nguyễn Đức Hiệp gần đây. Nhưng vì tư liệu và từ khóa tên nhân vật này chưa được kết nối nên hành trạng do vậy cũng chưa đủ rõ.

Giàu từ thời vua Nguyễn

Nhan Hựu (顏侑), là chủ hiệu Vạn Hợp, nên còn gọi Nhan Vạn Hợp (顏萬合), người phủ Chương Châu (Phước Kiến), chưa rõ năm sinh tử. Người Việt thường gọi với tên Ban Hạp, do nói trại theo ngữ âm Mân Nam (nam Phước Kiến) tên bảng hiệu Bang Hap (萬合, âm Hán Việt là Vạn Hợp), mà chữ Ban qua truyền miệng đã bị viết sai. 

Đại Nam thực lục chép với tên Nhan Vạn Hợp; tài liệu chữ Pháp thì ghi nhận với tên Ban Hap hoặc Gan Tin Wee; giới nghiên cứu Hoa kiều ở Trung Quốc viết là “帮合” (Bang Hợp), chữ Bang này lại với nghĩa bang hội, có thể do sự suy luận từ việc Ban Hạp từng làm đổng sự trưởng hội quán Hà Chương, nhưng cách ghi này chỉ giúp nhận diện mà không đúng nguyên tắc gọi tên riêng.

Ông Vương Hồng Sển nói rằng người cố cựu ở Chợ Lớn gọi Hà Chương hội quán là “chùa Ông Hược”, và kể vào mùng 6-6-1960, ông Vương đến viếng hội quán, hỏi người quản lý về nguồn gốc chữ “Hược”, được trả lời rằng đó là cách phát âm chữ “Hạp” của người Phúc Kiến (Sài Gòn năm xưa). Tuy nhiên, cả ông Vương và người quản lý đều không giải thích được lý do vì sao nơi này lại được gọi là “chùa Ông Hược”.

Ngày nay có thể xác định tên “chùa Ông Hược” do đọc trại âm từ tên “Hạp” hoặc “Hựu” (Ban Hạp tên Nhan Hựu). Bi văn về việc trùng tu Hội quán Hà Chương năm 1871 ghi Nhan Vạn Hợp với chức vụ đổng sự trưởng, và hiệu Vạn Hợp góp số tiền 4.086 viên (đồng), là số tiền nhiều nhất, đứng thứ 2 là hiệu Trường Thành với 1.330 viên, và người góp ít nhất là 1 viên; lần trùng tu năm 1885, Nhan Vạn Hợp vẫn đứng đầu bảng với số tiền góp 370 đại viên.

Dựa vào các nguồn tài liệu lưu trữ, nhiều nghiên cứu của người phương Tây và Việt Nam cho thấy Ban Hạp giàu lớn nhờ kinh doanh thuốc phiện. Ban Hạp cùng 3 anh em thương gia Singapore gốc Phước Kiến là Trần Khánh Hòa, Trần Khánh Tinh, Trần Khánh Vân và người gốc Quảng Đông là Trương Bái Lâm (Cheung Ah Lum, chủ hiệu Wang Tai/Hoằng Thái) là những người có thế lực rất mạnh, họ có nguồn vốn từ các ngân hàng Anh ở Hong Kong và Singapore, có mối quan hệ chặt chẽ và mật thiết với chính quyền thực dân Pháp nên luôn trúng những vụ làm ăn béo bở.

Không nêu nguồn nhưng Sơn Nam có viết: “Họ trúng thầu á phiện nhiều năm liên tiếp cho toàn cõi Nam Kỳ. Vạn Hiệp (Hợp) làm chủ non phân nửa nhà phố ở Chợ Lớn và khai thác gần như độc quyền hầu hết các tiệm cầm đồ ở Chợ Lớn” (Bến Nghé xưa).

Địa bàn hoạt động của Ban Hạp không chỉ ở khu vực Sài Gòn - Chợ Lớn mà khắp Nam Kỳ và Cao Miên. Trước khi Pháp lấy ba tỉnh miền Tây, Ban Hạp đã hợp đồng với chính quyền nhà Nguyễn lãnh trưng (bao thầu mua bán) thuốc phiện ở 3 tỉnh Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên liên tiếp mấy năm.

Để bồi thường chiến phí cho Pháp, triều đình nhà Nguyễn có lần đã phải thúc giục Ban Hạp sớm nộp thuế, Đại Nam thực lục chép việc tháng 10 năm Tự Đức thứ 18 (1865): “Sai tỉnh thần Vĩnh Long, sức cho người buôn nước Thanh là Nhan Vạn Hợp chóng đem nộp thuế bạc là 300.000 quan, để đưa thư cho chủ soái Pháp thu nhận, khấu trừ vào số bạc bồi thường” (Đệ tứ kỷ, quyển 33).

Số tiền nêu trên chỉ là thuế của 3 tỉnh trong một năm, nên thấy rằng con số 300.000 quan trong thời điểm này rất lớn, năm 1865 nhà Nguyễn thu thuế lãnh trưng thuốc phiện 18 tỉnh từ Bình Thuận đến Cao Bằng chỉ được 382.000 quan, còn chính quyền Pháp thu ở 3 tỉnh Gia Định, Định Tường, Biên Hòa được 450.000 quan (lúc này 1 đôla = 5 quan). 

Thực lục còn chép vào năm sau (1866) vẫn để cho Nhan Vạn Hợp lãnh trưng 3 tỉnh Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên.


Bên trong Hội quán Hà Chương. (Ảnh: Nguyệt Nhi)

Phất lên nhờ thuốc phiện cùng chính quyền thực dân

Đối với chính quyền thuộc địa Pháp, từ năm 1861 vẫn cho người Hoa lãnh trưng thuốc phiện cho đến tháng 5-1881 (thiết lập Ty trực quản thuốc phiện ở Nam Kỳ).

Năm 1867, khi nguồn lợi thu thuế ba tỉnh Tây Nam Kỳ đã vào tay Pháp, với trường hợp điển hình là tỉnh Vĩnh Long qua báo cáo của Thanh tra sự vụ bản xứ Luro vào năm 1869 cho thấy trong tỉnh này có đến 50 đại lý thuốc phiện, và: “Người ta nói rằng ở những vùng hẻo lánh, việc buôn bán được tiến hành bằng bạo lực. Các tàu thuyền và các đồn canh của nhà lĩnh trưng đã tiến hành khám xét tàu thuyền của người Việt Nam, thu giữ giấy thông hành và chỉ trả lại giấy tờ cho họ khi đã thu được thù lao bằng tiền hay bằng hiện vật. Quả thật, những người Hoa lĩnh trưng này rất mạnh và đông, được trang bị tốt đến mức người Việt Nam tưởng rằng họ là (người) của chính quyền Pháp” (Thuốc phiện và chính quyền thuộc địa ở châu Á - Từ độc quyền đến cấm đoán, 1897-1940, NXB Văn Hóa Thông Tin - Viện Viễn Đông Bác Cổ, 2000).

Ở Sài Gòn - Chợ Lớn, ngoài chế biến phân phối thuốc phiện, Ban Hạp còn kinh doanh lúa gạo, mua bán nhà đất, mở hệ thống tiệm cầm đồ.

Ở Cao Miên, Ban Hạp hợp đồng với quốc vương nước này nhận thầu độc quyền mở các tiệm cầm đồ, mua bán lương thực thực phẩm và lập sòng bạc.

Một nghiên cứu của Nola Cooke cho thấy để việc kinh doanh những ngành nghề phức tạp trên địa bàn rộng lớn từ Nam Kỳ đến Cao Miên của mình được thuận lợi, Ban Hạp đã câu kết với các tổ chức xã hội đen với danh nghĩa Thiên Địa Hội ở từng vùng miền (The Heaven and Earth Society Upsurge in Early 1880s French Cochinchina, 2010).

Trong bài viết “Hoa kiều đối với sự khai phát Chợ Lớn” của Đặng Thủy Chính đăng trên tập san Hoa kiều Hoa nhân lịch sử luận tùng (thuộc Sở nghiên cứu Đông Nam Á - Đại học Trung Sơn, tập 1), nhân vật Bang Hạp được nói đến với nghề nghiệp “nhà thầu thu thuế” mà không nêu nghề chính là thầu á phiện, và không rõ dựa vào đâu mà tác giả này cho rằng Bang Hạp cùng với Hoằng Thái được đặt tên đường ở Chợ Lớn. 

Thực tế thì có vài đại phú gia người Hoa được đặt tên đường, cụ thể là đường Wang Tai (nay là đường Phan Huy Chú), đường Huỳnh Thoại Yên (nay là đường Nguyễn Hữu Thận), đường Lý Thành Nguyên (nay là đường Đỗ Ngọc Thạnh), đường Hui Bon Hoa (nay là đường Lý Thái Tổ), nhưng không có đường Ban Hap hay đường Gan Tin Wee.

Trong những tên đường kể trên, Wang Tai là tên ký âm thương hiệu Hoằng Thái, tức tên gọi thông dụng của Trương Bái Lâm (Cheung Ah Lum), một cự phú ngang ngửa với Ban Hạp; Huỳnh Thoại Yên thấy có tên trong bi ký góp tiền trùng tu Ôn Lăng hội quán năm 1869, cũng từng là ủy viên hội đồng thành phố Chợ Lớn; Lý Thành Nguyên là người trong gia tộc Lý Tường Quang (bá hộ Xường); còn Hui Bon Hoa là tên Tây của Chú Hỏa (Huỳnh Văn Hoa).

Tuy rằng Hoa kiều là một bộ phận quan trọng trong lịch sử hình thành và sự phát triển Sài Gòn, nhưng trong tình trạng nghiên cứu không mấy thấu đáo trước giờ đã dẫn đến những sự đề cao quá mức hoặc chưa bóc tách được mặt tích cực với tiêu cực của cộng đồng này, nhất là đối với những tên tuổi thuộc hàng đại cự phú. 

Khác với số đông người Hoa giàu có do cần kiệm thủ tín, những bậc đại cự phú lưu danh nếu không thuộc diện cánh hẩu (nay gọi cho nhã là nhóm lợi ích) thì cũng thuộc hàng làm giàu bất chấp tác hại xã hội như buôn á phiện hay buôn rượu. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận